Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/11/2015 20:13'(GMT+7)

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện trạng xuống cấp của môn lịch sử phổ thông

Tích hợp các môn học và giảng dạy theo phương pháp tích hợp là một định hướng đổi mới giáo dục, đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Tích hợp môn Lịch Sử như thế nào là một vấn đề chúng ta cần bàn kỹ. Là một giáo viên lịch sử, tôi tham góp một số ý kiến như sau:

Lịch Sử là một trong sáu môn khoa học cốt lõi của bất cứ một nền quốc gia giáo dục nào. Đó là các môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa. Đây là các môn khoa học cơ bản, khoa học của các khoa học chuyên ngành. Khoa học lịch sử giúp con người ta nắm bắt được quy luật tồn tại, vận động và phát triển của xã hội loài người và lịch sử của một quốc gia dân tộc. Từ nhận thức đó đem lại cho con người ta ý thức làm chủ bản thân trên cơ sở ý thức làm chủ quốc gia dân tộc và làm chủ xã hội loài người. Khoa học lịch sử còn đem lại cho con người ta phương pháp luận duy vật biện chứng và phương pháp luận lịch sử để nghiên cứu khoa học và ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

Khoa học lịch sử là khoa học về sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Từ khi có giai cấp và nhà nước, lịch sử xã hội là lịch sử xây dựng quốc gia dân tộc của một giai cấp nhất định. Mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn giữa quốc gia dân tộc cùng phát sinh từ đấy. Cho nên lịch sử là lịch sử xây dựng chế độ xã hội và cũng là lịch sử đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc để tồn tại và phát triển. Vì vậy, bên cạnh tính khoa học về sự vận động của xã hội loài người, khoa học lịch sử còn có tính giai cấp và tính dân tộc.

Nước Việt Nam chúng ta trải qua 4.000 năm lịch sử mang đầy đủ và đậm nét tất cả các tính chất đó. Đất nước ta không rộng, người nước ta không đông lại nằm ở vị trí giao thương thuận lợi ở Đông Nam Á nên các thế lực thực dân đế quốc từ xưa đến nay luôn nhòm ngó xâm lược và thôn tính. Vì vậy vừa xây dựng vừa đấu tranh để bảo vệ nền độc lập tự do dân tộc là quy luật sống còn của quốc gia dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, kiến thức lịch sử là vũ khí sắc bén để đấu tranh giành độc lập và bảo vệ đất nước. Cho nên để tiến hành giành độc lập và bảo vệ đất nước, ngay từ năm 1941, Bác Hồ đã viết tác phẩm thơ "Lịch sử nước ta" và ra lời kêu gọi "Dân ta phải biết sử ta". Dân ta biết sử ta là một động lực chính trị đại đoàn kết toàn dân để giành độc lập tự do và bảo vệ đất nước từ đó đến nay. Đó là đặc điểm của khoa học lịch sử nước ta và tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử đối với toàn dân và nhất là lớp học sinh phổ thông.

Từ vị trí vai trò của khoa học lịch sử nói chung và vị trí vai trò của môn lịch sử nước ta nói riêng, chúng ta hãy phân tích nguyên nhân tại sao môn lịch sử vốn có vị trí đặc biệt quan trọng như vậy lại rơi vào tình trạng xuống cấp như hiện nay ở các lớp phổ thông ?

Nguyên nhân thứ nhất là, kết cấu chương trình môn học và kết cấu bài giảng lịch sử quá nặng nề với lứa tuổi học trò phổ thông và lạc hậu so với tiến trình đổi mới của đất nước ta. Nội dung và cách trình bày của giáo trình lịch sử phổ thông là tư duy của người lớn cấp đại học hạ xuống thấp theo vòng xoáy ốc đến cấp trung học và sơ học chứ chưa phải là nội dung chương trình dành riêng cho lứa tuổi học trò. Đã thế, nội dung môn học lại nặng về lịch sử chiến tranh và nhẹ về lịch sử hòa bình xây dựng, trong khi đó chúng ta đã bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước 40 năm và thời kỳ đổi mới và hội nhập 30 năm. Nội dung chiến tranh lại nặng về diễn biến các trận đánh với những con số rất khó nhớ. Đến như các thầy cô giáo cũng mệt và khó nhớ, chưa nói đến học sinh phổ thông. Các học sinh phổ thông lại sinh ra trong thời bình và đang hăm hở đi vào các ngành nghề kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội và ngoại giao thì lại không được học và trải nghiệm về nội dung lịch sử này. Vậy là chính nội dung chương trình môn học lịch sử quay lưng lại với học sinh, chứ không phải học sinh quay lưng lại với môn lịch sử.

Nguyên nhân thứ hai là, phương pháp giảng dạy khó đổi mới, ít đổi mới và chưa đổi mới. Do nội dung chương trình môn học chưa đổi mới nên phương pháp giảng dạy khó đổi mới. Vì nội dung nào thì hình thức ấy, nội dung ra đời trong chiến tranh gắn với chế độ bao cấp nên phương pháp giảng dạy không thể vượt ra khỏi khuôn khổ đó được. Trong khi đó, cơ chế thị trường đã phân hoá môn học, phân hoá đời sống và giáo viên. Các môn học Văn, Toán, Lý, Ngoại ngữ và Tin học lên ngôi, các giáo viên các môn học này có điều kiện cải thiện đời sống cả tinh thần lẫn vật chất, các môn còn lại thì xuống cấp, nhất là môn lịch sử, từ môn học chính trở thành môn phụ. Vì vậy, giáo viên lịch sử bị kẹt ở giữa cơ chế bao cấp và cơ chế thị trường nên khó đi vào đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng lấy học sách làm trung tâm. Trong hoàn cảnh này, giáo viên lịch sử chỉ còn cách bị động giảng dạy theo nếp cũ, đọc cho học sinh chép bài và bắt học sinh phải học thuộc lòng. Giáo viên dạy thiếu lửa nhiệt tình nghề nghiệp và chưa có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy thì làm sao cuốn hút được học sinh ?

Nguyên nhân thứ ba là, các thế lực của địch chống phá lịch sử cách mạng và lịch sử chiến tranh chống xâm lược của nhân dân ta để thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình". Các thế lực thù địch đã và đang chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng mọi  thủ đoạn, trong đó về tư tưởng, chúng tập trung vào việc xuyên tạc lịch sử cách mạng và lịch sử chống xâm lược của nhân dân ta để lung lạc lòng tin trong một bộ phận nhân dân ta, trong đó có các cán bộ, đảng viên trước hết là học sinh, sinh viên. Không biết trong nhân dân ta, cán bộ ta có bao nhiêu người và là bao nhiêu phần trăm ăn phải cái bả "diễn biến hòa bình" này của các thế lực thù địch ? Số người đó, số phần trăm nhân dân ta đó có con cái họ là học sinh, sinh viên thì tất yếu các học sinh, sinh viên đó là sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến việc chính các học sinh, sinh viên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các phương tiện thông tin đại chúng và từ các tổ chức phản động từ nước ngoài tác động vào. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy môn học lịch sử phổ thông hạ cấp đến như hiện nay.

Nguyên nhân thứ tư là, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo khắc phục các yếu kém dẫn tới hạ cấp của môn học này. Đến như các ngành kinh tế khi có biểu hiện yếu kém, Nhà nước còn tập trung nhân lực, vật lực để vực nó lên như ngành ngân hàng hay kinh tế bờ biển vừa qua chẳng hạn, huống hồ đây là một môn khoa học cơ bản cốt lõi gắn chặt với nền chính trị xã hội của chúng ta!

Từ vị trí vai trò và tính chất của khoa học lịch sử nói chung, từ đặc điểm của sử học Việt Nam và hiện trạng xuống cấp của môn học lịch sử ở cấp phổ thông hiện nay như kể trên, chúng ta nên đổi mới theo hướng nào?

Trước hết, chúng ta phải đổi mới nội dung như đã kể trên để khắc phục những yếu kém về nội dung và phương pháp giảng dạy, sự quản lý của Bộ đối với môn học, đồng thời chúng ta đổi mới phương pháp theo định hướng tích hợp. Tích hợp là một phương pháp giảng dạy tích cực, nếu tích hợp mà không đổi mới nội dung như bốn điểm (nguyên nhân) như đã kể trên thì không những không giải quyết được vấn đề hạ cấp môn lịch sử mà sẽ là làm cho nó hạ cấp trầm trọng hơn.

Chúng ta chỉ nên tích hợp liên môn ở cấp tiểu học như chúng ta đã làm, đó là môn Sử, Địa. Ở cấp trung học cơ sở cũng có thể áp dụng phương pháp này nhằm giảm thời lượng các môn học và giảm lượng kiến thức từng môn. Còn đến cấp trung học phổ thông, nhất thiết chúng ta phải trở lại đúng là một môn học độc lập với vị trí là môn học cơ bản cốt lõi: Môn lịch sử. Bởi vì học sinh trung học phổ thông chuẩn bị thi vào đại học, phải trang bị kiến thức theo hướng hàn lâm, bác học chứ không dừng lại ở mức độ nhận thức nặng về cảm tính như ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Ở cấp trung học phổ thông chúng ta có thể tích hợp ba môn, môn Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và Đạo đức là môn Công dân và Tổ quốc. Vì ba môn này đều có nội dung chính trị xã hội hiện hành. Còn môn học lịch sử là môn khoa học cơ bản cốt lõi, khoa học của các môn chuyên ngành giáo dục công dân, giáo dục quân sự và đạo đức không thể nhập cục vào một được. Nếu nhập cục như vậy là hạ thấp vị trí vai trò của môn khoa học lịch sử không những thế nó còn là môn khoa học gắn liền với lịch sử cách mạng dân tộc, gắn liền với con đường của chủ nghĩa xã hội của chúng ta hiện nay. Làm biến dạng môn học lịch sử hoặc làm mất vị trí vai trò của môn học này là động đến lẽ sống của dân tộc Việt Nam. Lẽ sống đó là:

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư 

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"1

Ở đây ta phải phân định cho rõ mối quan hệ giữa khoa học lịch sử và môn học chính trị. Xưa nay có hiện tượng lầm lẫn giữa khoa học lịch sử và môn chính trị học. Khoa học lịch sử là cơ sở, là tài liệu để xây dựng môn chính trị chứ không phải lịch sử là chính trị. Đã đến lúc người dạy lịch sử và dạy chính trị phải có sự phân biệt rõ hai lĩnh vực này. Bởi có như vậy mới nâng cao được chất lượng khoa học của môn lịch sử và nâng cao được chất lượng của môn học chính trị. Phải chăng chủ trương của Bộ Giáo dục Đào tạo hiện nay định ghép môn lịch sử vào chung với ba môn chính trị kia là do tư duy cũ, tư tưởng cũ chi phối: coi môn lịch sử là một môn chính trị?

Nghị quyết của Quốc hội vừa qua, giữ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, bởi những giá trị khoa học và thực tiễn của nó. Tuy nhiên, để Nghi quyết đó đi vào hiện thực, nhanh chóng khắc phục tình trạng xuống cấp, tìm hướng đổi mới đúng đắn trong chương trình sách giáo khoa cũng như cách dạy và học môn lịch sử sao cho có hiệu quả hơn, lại là công việc và sự nỗ lực của các bộ, ngành có liên quan, mà trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo thuộc chuyên ngành lịch sử, vì trách nhiệm cao cả đối với lịch sử của dân tộc./.

 HĐA


1 Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất