Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 1/12/2015 20:59'(GMT+7)

Công tác đào tạo các ngành Y, Dược sẽ được đánh giá tại cả nơi đào tạo và sử dụng

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Hà Nội Mới)

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Hà Nội Mới)

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Sinh viên tốt nghiệp cần có thời gian thực hành và hệ thống đánh giá trước khi hành nghề

Bà có thể cho biết Bộ GD-ĐT có đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo ngành Y, Dược của các trường đại học, cao đẳng hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trên thế giới, để kết luận một người tốt nghiệp trường Y có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh hay không, người ta có hệ thống thi cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là kênh đánh giá chính xác nhất chất lượng đào tạo bác sĩ. Nước ta chưa có hệ thống này.

Đào tạo ngành Y đa khoa (bác sĩ) cần có thời gian thực hành thực tập tại các bệnh viện. Chính vì vậy, các nước trên thế giới, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường đại học ngành Y khoa ra trường cần có thời gian thực tập tại bệnh viện, sau đó học các chuyên khoa một thời gian rồi mới thi lấy chứng chỉ hành nghề.

Thực tế, chương trình đào tạo ngành Y nước ta hiện nay chỉ mới cung cấp cho sinh viên lượng kiến thức cơ bản về chăm sóc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh thông thường. Sinh viên sau khi tốt nghiệp về công tác tại các bệnh viện vẫn cần sự hỗ trợ và kèm cặp của các bác sĩ có kinh nghiệm tại bệnh viện và sau đó vẫn tiếp tục học chuyên sâu vào các chuyên ngành điều trị. Bộ Y tế đã đưa ra hình thức thực hành 18 tháng tại bệnh viện cho các bác sĩ trẻ mới ra trường tại các bệnh viện trước khi được cấp chứng nhận tiền thành nghề.

Trước đây, các bác sĩ chủ yếu được đào tạo từ các trường chuyên ngành Y có kinh nghiệm lâu năm và đã được khẳng định chất lượng. Một số trường lớn có bệnh viện thực hành và giảng viên tại các trường là các bác sĩ có kinh nghiệm của trường và bệnh viện. Tại đây tiếp nhận các bệnh nhân đa dạng nên sinh viên được tiếp xúc và thu nhận được nhiều kiến thức từ giảng viên và từ thực tế.

Môi trường thực hành, trình độ giảng viên, điều kiện cập nhật kiến thức… có sự khác biệt giữa thành phố lớn và các tỉnh. Thực hành ở các bệnh viện lớn, các em dễ dàng được trải nghiệm nhiều phương pháp điều trị, được hướng dẫn bởi những bác sĩ đầu ngành, được tiếp thu những thông tin mới nhất về phương pháp điều trị. Đối với những em học ở thành phố lớn, “tay nghề” luôn có phần nổi trội hơn những em khác.

Các trường ngoài công lập, trường mới mở ngành Y, Dược có lợi thế và hạn chế gì trong đào tạo ngành này?

Nguyễn Thị Kim Phụng: Do chính sách xã hội hoá và quyền tự chủ của các trường được bảo đảm ngày càng cao, các trường đa ngành, các trường ngoài công lập bắt đầu tham gia đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học.

So với các trường chuyên ngành, các trường ngoài công lập, trường mới mở ngành Y, Dược có một số lợi thế nhất định, như: Cơ vật chất được xây mới, nên thiết kế trường / khoa / cơ sở thực hành tại trường, trang thiết bị, thư viện,… gần với mô hình đào tạo y khoa hiện đại hơn; về giảng viên, họ có thể lựa chọn mời một số giảng viên đã nghỉ hưu tại các trường chuyên ngành có kinh nghiệm, có uy tín để xây dựng chương trình và tào tạo đội ngũ giảng viên kế cận.

Nhưng do chưa có uy tín về đào tạo nên số sinh viên vào học còn hạn chế, khó tuyển được những sinh viên giỏi nhất thể hiện ở chỗ điểm tuyển vào ngành Y, Dược của các trường này không cao bằng các trường chuyên ngành Y. Ngoài ra, các trường không chuyên ngành Y khó có thể có các bệnh viện thực hành đa khoa có uy tín và kinh nghiệm để cho sinh viên có môi trường học thực hành như các trường chuyên ngành Y. Do chỉ là một khoa nên số lượng giảng viên thực hiện chương trình cũng hạn chế, không đa dạng nhiều chuyên khoa như ở các trường chuyên khoa Y có tên tuổi.

Đến thời điểm này đã có đánh giá nào về chất lượng sinh viên ngành Y, Dược tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập hay chưa, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Hiện chưa có sinh viên Y của các trường ngoài công lập tốt nghiệp nên cũng chưa có đánh giá. Còn với ngành Dược, đã có nhiều sinh viên học các trường ngoài công lập tốt nghiệp, nhưng chưa có thông tin phản hồi về chất lượng của các sinh viên này có khác với các cơ sở đào tạo chuyên ngành Y. Như vậy, trước dư luận, các sinh viên Dược ở trường ngoài công lập vẫn bình đẳng với sinh viên ở trường công.

Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đang thực hiện nghiên cứu rà soát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế trong đó có khảo sát ý kiến của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các sở y tế về khả năng của các cán bộ trẻ mới tốt nghiệp.

Sẽ kiểm định chất lượng đào tạo Y, Dược tại các trường cũng như tại các cơ sở sử dụng

Đào tạo Y, Dược có tính chất đặc thù, việc mở ngành đào tạo ngành này đòi hỏi có những yêu cầu riêng như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước đây, việc mở các ngành này đều thực hiện theo thông tư quy định chung cho các ngành. Chương trình đào tạo của các trường đều do các trường đại học có kinh nghiệm trong đào tạo các ngành này thẩm định. Trong hồ sơ đăng ký mở ngành, cơ sở đào tạo phải thuyết minh đầy đủ về điều kiện thực hành tại cơ sở cũng như tại các bệnh viện, nhà thuốc và công ty dược tham gia thực hiện.

Từ năm 2013, để thực hiện mở ngành đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học, Bộ GD-ĐT thường gửi công văn xin ý kiến về nhu cầu đào tạo các ngành này của địa phương cũng như trong khu vực đặt trường.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiến hành sửa đổi thông tư 08/TT-BGDĐT về việc mở ngành đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí về đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở thực hành thực tập đủ để bảo đảm thực hiện chương trình. Hiện nay, hai bộ đang thảo luận về các tiêu chí riêng để mở ngành y dược, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Bộ Y tế đang được Chính phủ giao dự thảo Nghị định phối hợp trường viện trong thực hành thực tập cho SV y dược.

Thông thường các trường chuyên ngành Y, Dược tuyển sinh với điểm đầu vào rất cao. Điểm đầu vào thấp nhất của các trường ngoài công lập đào tạo ngành y năm vừa qua là bao nhiêu? Điểm đầu vào có phải là yếu tố quyết định nhiều đến chất lượng đào tạo không?

Nguyễn Thị Kim Phụng:Đầu vào tuyển sinh rất quan trọng, là điều kiện để học tập và bảo đảm chất lượng đầu ra nhưng không phải là tất cả. Các nước phát triển khác nhau có quy định về điều kiện đầu vào rất khác nhau nhưng kết quả đầu ra đều tốt. Tương tự, các trường trong một nước cũng thường có điểm chuẩn khác nhau nhưng nếu đảm bảo yêu cầu đào tạo của chương trình đào tạo, có sự quản lý chất lượng phù hợp thì vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo. Cùng một chương trình, một cách quản lý thì đương nhiên, điểm đầu vào cao hơn sẽ hứa hẹn chất lượng đầu ra tốt hơn.

Điểm tuyển sinh của các trường Y công lập cao trước hết là biểu hiện tương quan của người muốn học và người được học; điều đó không có nghĩa là phải 27-30 điểm mới đủ khả năng học Y. Năm 2015, hầu hết các trường đào tạo y ngoài công lập lấy khoảng 20-22 điểm.

Nếu đầu vào mở hơn và quản lý tốt quá trình đào tạo, có thải loại để nếu bất cứ SV nào không đạt (ko căn cứ vào chất lượng đầu vào) thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong học tập, chất lượng chung sẽ cao hơn là đào tạo theo hình trụ, vào ra như nhau.

Chúng ta đã quan tâm đến chất lượng đầu vào và chúng ta nên quan tâm hơn đến quản lý chất lượng của quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Thực tế, tốt nghiệp ĐH Y chưa được khám chữa bệnh. Để được khám chữa bệnh, ngoài việc phải học 6 năm tại trường và đạt chuẩn đầu ra, các BS mới tốt nghiệp phải trải qua kỳ thực tập 1,5 năm tại bệnh viên, phảihọc để vượt qua kỳ thi chuyên khoa và phải qua kỳ thi hoặc xét để được cấp chứng chỉ hành nghề, qua thi hoặc xét để được tuyển dụng vào làm việc… Đó là những chặng đường gian nan, vất vả trước khi được khám, điều trị cho các bệnh nhân do cả Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đều tham gia quản lý từng khâu nên nếu không học nghiêm túc thì không thể đạt được.

Bộ GD-ĐT có đặt vấn đề bảo đảm chất lượng đối với nhiều trường đa ngành có đào tạo ngành Y nhưng lại không có bệnh viện thực hành trực thuộc nhà trường hay không, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Như đã nói ở trên, bệnh viện, cơ sở thực hành đối với đào tạo các ngành này rất cần thiết. Nếu không có bệnh viện riêng thì các trường phải hợp đồng với bệnh viện đủ tiêu chuẩn quy định để sinh viên thực tập và cho giảng viên của trường đến làm việc, hướng dẫn sinh viên thực tập. Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng nghị định phối hợp viện-trường, trong đó quy định các dạng bệnh viện, cơ sở thực hành bảo đảm cho thực hiện công tác đào tạo các ngành này theo các trình độ.

Công tác hậu kiểm đối với đào tạo ngành Y, Dược, nhất là với những trường mới mở ngành đào tạo, trường ngoài công lập được thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo quy định là không phân biệt đối xử với các trường ngoài công lập. Trong những năm gần đây, hàng năm, Bộ GD-ĐT đều yêu cầu tất cả các trường báo cáo về sự biến động của giảng viên để xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên, làm điều kiện cho quản lý mở ngành và quản lý chất lượng đào tạo.

Năm 2014, Bộ tiến hành ra soát tổng thể việc đào tạo trình độ đại học và đã dừng tuyển sinh đối với 207 ngành của 71 trường, trong đó có 6 trường thuộc lĩnh vực Y, Dược bị dừng tuyển sinh. Đó là những hoạt động thường xuyên của công tác hậu kiểm.

Hiện nay, chúng tôi đã thực hiện gần xong quá trình tự đánh giá trong toàn hệ thống và đang thực hiện kiểm định chất lượng với các cơ sở đào tạo.

Sắp tới, việc xếp hạng chất lượng đào tạo cũng sẽ căn cứ vào các tiêu chí như điểm đầu vào, chất lượng giảng viên và cơ sở vật chất, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau khi học..

Kết quả kiểm định, xếp hạng sẽ được công khai để xã hội giám sát và người học tham khảo, lựa chọn.

Năm 2015-2016, hai Bộ đã họp và ra Biên bản thống nhất về việc kiểm tra liên ngành đối với một số trường để tổ chức đánh giá công tác đào tạo các ngành Y, Dược tại các trường cũng như tại các cơ sở sử dụng. Hai Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho công tác kiểm tra này trong năm 2016.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 21 cơ sở đào tạo y đa khoa, trong đó có

5 trường tư thục và 9 trường đa ngành; Có 21 cơ sở đào tạo dược, trong đó có 14 trường tư thục và 16

trường đa ngành.

Một số cơ sở đào tạo Y, Dượccông lập và ngoài công lập:

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

STT

Tên trường/ khoa

Đào tạo đại học

 

Công lập

 

1

Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương

Y đa khoa

2

Trường ĐH Y Hà Nội

Y đa khoa

3

Trường ĐH Y khoa Vinh

Y đa khoa

4

Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch

Y đa khoa

5

Khoa Y ĐHQG TP.HCM

Y đa khoa

6

Trường ĐH Dược Hà Nội

Dược

8

Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam

Dược

9

Khoa Y Dược ĐHQG Hà Nội

Y đa khoa, Dược

10

Khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng

Y đa khoa, Dược

11

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ

Y đa khoa, Dược

12

Trường ĐH Y Dược Hải Phòng

Y đa khoa, Dược

13

Trường ĐH Y Dược Thái Bình

Y đa khoa, Dược

14

Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Y đa khoa, Dược

15

Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên

Y đa khoa, Dược

16

Trường ĐH Y Dược Huế

Y đa khoa, Dược

 

Ngoài công lập

 

1

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Y đa khoa

2

Trường ĐH Tân Tạo

Y đa khoa

3

Trường ĐH Lạc Hồng

Dược

4

Trường ĐH Nam Cần Thơ

Dược

5

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Dược

6

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Dược

7

Trường ĐH Thành Tây

Dược

8

Trường ĐH Đại Nam

Dược

9

Trường ĐH Buôn Mê Thuột

Y đa khoa, Dược

10

Trường ĐH Duy Tân

Y đa khoa, Dược

11

Trường ĐH Võ Trường Toản

Y đa khoa, Dược

12

Trường Đại học Công nghệ Miền Đông

Dược

 

 

 

 

 
Theo Nhân Dân: THANH YÊN
 
Thực hiện
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất