Chủ Nhật, 19/5/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 8/10/2021 16:59'(GMT+7)

Tiêu chí đánh giá thông điệp ảnh báo chí trên báo mạng điện tử

Tác phẩm ảnh: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai" đạt giải A Búa liềm vàng năm 2017.

Tác phẩm ảnh: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai" đạt giải A Búa liềm vàng năm 2017.

SỨC MẠNH CỦA THÔNG ĐIỆP ẢNH BÁO CHÍ

 Năm 2018, trong 6 tác phẩm đạt giải cao nhất (giải A) Giải báo chí về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng 2017, có 1 tác phẩm ảnh báo chí duy nhất "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai" của tác giả Lê Trí Dũng, Thông tấn xã Việt Nam. Khán giả đã thực sự xúc động khi được xem hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước, chân đi dép, ngồi bên bậc cửa căn nhà sàn đơn sơ, cùng nở nụ cười với một thương binh thời chống Mỹ, rất gần gũi, bình dị. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân góp phần nâng cao sự sự tin tưởng, đồng thuận của người dân với Đảng, Nhà nước.

Trong những ngày bùng phát đợt dịch COVID-19 tại Việt Nam vừa qua, trên các loại hình truyền thông đại chúng là vô vàn những hình ảnh, những câu chuyện xúc động về sự hy sinh vất vả của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, ở các tỉnh, thành phía Nam, là hình ảnh những cán bộ chiến sỹ quân đội chẳng nề hà bất cứ công việc gì, từ truy vết, sàng lọc, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, tổ chức cách ly tập trung, tiêm vaccine… đến cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, chăm lo bữa ăn, bảo đảm sinh hoạt cho người dân.

Cán bộ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho 11.000 người tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế

Cán bộ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho 11.000 người tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế

Những hình ảnh đã chạm đến trái tim của người dân cả nước trong hành trình gian lao, kiên cường phòng, chống dịch bệnh. Tất cả những hình ảnh đó hướng tới thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Theo nghiên cứu Literacy for the 21st Century, tác giả Elizabeth Thoman và Tessa Jolls, cuộc sống của con người đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn của các hình ảnh thị giác, từ hình ảnh trên báo chí, hình ảnh trên các logo thương hiệu, hình ảnh biển quảng cáo cỡ lớn. Vì vậy, việc “đọc” các hình ảnh đó, hay chính là việc tìm hiểu thông điệp mà các hình ảnh truyền tải là vô cùng quan trọng và cần thiết. 

Trong truyền thông thị giác, ngôn ngữ hình ảnh dễ dàng được chấp nhận hơn ngôn ngữ văn tự. Theo nghiên cứu về tâm lý tiếp nhận thông tin của độc giả, trước một tác phẩm báo chí, những thông tin về thị giác có tác động đầu tiên đối với độc giả. Công chúng sẽ tiếp nhận thông điệp bằng hình ảnh sẽ nhanh chóng, trực diện hơn thông điệp bằng ngôn ngữ. Do tác động thị giác và xác thực của hình ảnh nên dù có khác nhau về ngôn ngữ, trình độ học vấn, độ tuổi, công chúng vẫn có thể tiếp nhận được thông điệp ảnh bằng hình ảnh. Ảnh báo chí có giá trị làm tăng thêm độ tin cậy, tính thuyết phục, tính hấp dẫn của thông tin.

 

Những người lính không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, tuần tra canh gác, phân phát thực phẩm thiết yếu mà còn kiêm luôn việc đi chợ giúp người dân.

Những người lính không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, tuần tra canh gác, phân phát thực phẩm thiết yếu mà còn kiêm luôn việc đi chợ giúp người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh.

YÊU CẦU CỦA THÔNG ĐIỆP ẢNH BÁO CHÍ

Thông điệp ảnh báo chí là nội dung thông tin được thể hiện bằng hình ảnh (ảnh chụp)… để chuyển tải tâm tư, tình cảm, mong muốn, đòi hỏi, ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm sống, tri thức khoa học - kỹ thuật… được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận nhằm thay đổi nhận thức, cảm xúc và hành vi của đối tượng tiếp nhận thông qua báo mạng điện tử. Một thông điệp từ nguồn phát đến nguồn nhận được xem là đạt mục đích phải trải qua các giai đoạn: Làm cho đối tượng nhận biết, hiểu, chấp nhận, tin tưởng, làm theo yêu cầu của thông điệp. Để đối tượng (nguồn nhận) làm theo yêu cầu của thông điệp, thông điệp phải hấp dẫn, có tác động và sức thuyết phục cả về tình cảm và lý trí. 

Đối với báo chí Việt Nam, yêu cầu nội dung thông điệp ảnh báo chí phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, phải nhanh nhạy chuẩn xác rõ ràng, kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan thể hiện sự đa dạng và thiết thực, có liên quan đến nhu cầu và lợi ích của công chúng, có giá trị hữu dụng, góp phần cổ vũ, khích lệ năng lực sáng tạo, thúc đẩy yếu tố tích cực.

Nội dung thông điệp ảnh báo chí có sự gần gũi về không gian địa lý, vùng miền, có cùng mối quan tâm, lợi ích với công chúng sẽ làm tăng sự thu hút và giá trị thông tin đối với đối tượng tiếp nhận.

Nội dung thông điệp ảnh phải mang lại nhận thức mới, có tính mục đích rõ ràng, có sức thuyết phục và mang tính định hướng và cổ vũ hành động tích cực. Nội dung thông điệp phải phù hợp với nguồn nhận (công chúng) và thể hiện rõ mục tiêu truyền thông. Đây là yêu cầu cao nhất bởi bản thân thông điệp vừa phải chuyển tải tâm tư, tình cảm, mong muốn, đòi hỏi, ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm sống, tri thức khoa học - kỹ thuật… mà nguồn nhận muốn tiếp nhận, vừa phải thực hiện mục đích của quá trình truyền thông. Khi thông điệp thể hiện được 2 mục tiêu trên, công chúng mới có thể nhận biết, hiểu, chấp nhận, tin tưởng và làm theo yêu cầu của thông điệp, phù hợp với mong muốn của nguồn phát. Nội dung thông điệp phải hướng tới thay đổi hành vi: hình thành và thực hiện những hành vi mới, xóa bỏ những hành vi cũ có ảnh hưởng không tốt tới xã hội. 

Hình thức thông điệp phải súc tích, dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của công chúng.

Về phương thức chuyển tải, truyền thông thông điệp ảnh báo chí cần có mang tính kế hoạch và liên tục để nâng cao hiệu quả tác động. Vì vậy, phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền định kỳ tạo sự liên tục và xuyên suốt của thông tin, tăng sự thu hút đối với công chúng. Ví dụ: xây dựng thành chuyên mục Ảnh, đăng phát vào một thời điểm/khung giờ mỗi tuần... Thông điệp phải được đăng tải đúng lúc, đúng liều lượng, có chừng mực tạo hiệu ứng xã hội tốt nhất, phù hợp với tâm lý và tâm trạng xã hội.

Với các căn cứ đã nêu trên, để đánh giá thông điệp ảnh báo chí trên báo mạng điện tử ở Việt Nam, cần căn cứ vào những tiêu chí sau:

Một là, thông điệp ảnh báo chí có mục tiêu xác định. Mỗi thông điệp ảnh báo chí cần có mục tiêu xác định và mục đích rõ ràng để góp phần tạo nên hiệu quả truyền thông mong muốn. Ngược lại, nếu mục tiêu và mục đích của thông điệp được xác định ngay từ đầu thì nội dung thông điệp sẽ sáng rõ, dễ hiểu, cụ thể. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao sức thuyết phục của thông điệp ảnh báo chí.

Mỗi thông điệp đều biểu hiện tư tưởng, quan điểm của nhà báo nói riêng và của cơ quan báo chí nói chung. Để xác định mục tiêu của thông điệp, mỗi tác giả thông điệp - người làm báo cần phải xác định thông điệp cốt lõi là gì, tại sao lại xây dựng thông điệp này để mang lại cho công chúng một thông điệp thực sự có giá trị. Như đã trình bày ở trên, nội dung thông điệp phải có tính mục đích rõ ràng, nhằm hướng tới sự sẻ chia và định hướng cho công chúng. Thông điệp ảnh báo chí vừa phải đáp ứng được mục đích của người truyền thông, vừa phải làm thỏa mãn đối tượng tiếp nhận. Như vậy, phải đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi của mục tiêu truyền thông:  Nói cái gì (nội dung thông điệp), nói như thế nào (hình thức thông điệp), nói bằng cách nào (cấu trúc thông điệp), nói cho ai (đối tượng tiếp nhận).

Hai là, phù hợp các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về báo chí, báo mạng điện tử và ảnh báo chí.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí là tính khuynh hướng. Bất kỳ tác phẩm báo chí nào cũng đều bộc lộ tính khuynh hướng. Tính Đảng là đỉnh cao của tính khuynh hướng trong hoạt động báo chí. Báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, do đó, báo chí cách mạng Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ tính Đảng.

Theo Luật Báo chí năm 2016, báo chí ở nước ta là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Những cơ quan báo mạng điện tử cũng không nằm ngoại lệ những chức năng, nhiệm vụ nêu trên của các cơ quan báo chí. Vì vậy, những thông điệp đăng phát trên báo mạng điện tử cũng thể hiện tiếng nói của các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 

Theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, mục tiêu của Hội Nhà báo là góp phần xây dựng  báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Các hoạt động hợp tác và tham gia các tổ chức báo chí dân chủ tiến bộ của các nước, khu vực và quốc tế cũng là tích cực góp phần vào việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Do vậy, thông điệp phải phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là yêu cầu có tính nguyên tắc của hoạt động báo chí ở Việt Nam nói chung và của thông điệp báo chí, thông điệp trên báo mạng điện tử nói riêng.

Ba là, phù hợp với các quy tắc và giá trị xã hội, với văn hóa và lối sống cộng động, dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Các quy tắc và giá trị xã hội thường là những giá trị truyền thống được lưu giữ lại từ quá khứ; những giá trị hiện tại do điều kiện khách quan quy định, có những giá trị tích cực hoặc những giá trị tiêu cực, điều chỉnh hành vi của con người và tất cả các chủ thể trong xã hội. Văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội, trong đó báo chí cũng là một phần của văn hóa. Lối sống của con người là các chiều cạnh chủ quan của văn hóa, là quá trình hiện thực hóa các giá trị văn hóa thông qua hoạt động sống của con người. Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng”(1) . Như vậy, lối sống là một thói quen có định hướng, là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hóa, đặc trưng văn hóa của con người hay cộng đồng. Lối sống phụ thuộc vào thời đại con người đang sống, với các điều kiện vật chất, kinh tế, các quan hệ xã hội, các thói quen, tập quán, tục lệ của thời đại đó.

Thực tiễn đã minh chứng vai trò quan trọng của báo chí trong việc tạo sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng, trong xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, báo chí có các chức năng quan trọng như: chức năng thông tin - giao tiếp, chức năng tư tưởng, chức năng khai sáng - giải trí, chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội, có vai trò  hướng dẫn và định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức trong gia đình và xã hội. Để thực hiện được các chức năng quan trọng đó, thông điệp báo chí nói chung, trong đó thông điệp ảnh báo chí phải có nhiệm vụ truyền thông, tác động vào suy nghĩ, nhận thức của công chúng, từ đó tác động vào hành vi, để mỗi người có cách ứng xử đúng đắn. Như vậy, thông điệp phải phù hợp với các quy tắc và giá trị xã hội, với văn hóa và lối sống cộng động, dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Với sức lan tỏa rộng khắp, tác động tức thời, nhanh và mạnh mẽ tới công chúng, thông điệp ảnh báo chí đã góp phần đắc lực trong việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư, tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp; truyền thông, cổ động cho các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện cổ vũ những gương người tốt, những điển hình, những cách làm hay; phê phán những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử… Một trong những mục tiêu cuối cùng của thông điệp ảnh báo chí là tạo sự chuyển biến hành vi trong xã hội để ứng xử văn hóa hơn, xây dựng nếp sống văn hóa nhận thức của cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa, hướng con người tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. 

Bốn là, phải phù hợp với tâm lý, tâm trạng xã hội và thể hiện lợi ích của công chúng, nhóm đối tượng truyền thông. Cần phải làm cho công chúng hiểu được rằng, thực hiện theo thông điệp họ có ích lợi.

Theo tác giả Mai Đặng Hiền Quân, tâm trạng xã hội phản ánh các biến đổi có ý nghĩa quan trọng của cuộc sống xã hội, phản ánh các điều kiện hoạt động thuận lợi hay không thuận lợi liên quan đến việc nâng cao hay làm giảm sút khả năng hoạt động thực tiễn của quần chúng. Nếu các điều kiện kinh tế ổn định và phát triển, bầu không khí tâm lý đạo đức được cải thiện thì tâm trạng con người phấn chấn và có tác dụng tích cực lên các đạng hoạt động. Nếu các điều kiện này diễn ra theo chiều ngược lại, thì hoạt động con người sẽ bị ức chế(2).  Tâm trạng xã hội được hình thành tự phát và phụ thuộc vào các thời điểm cụ thể do tác động của các yếu tố bên trong (nhu cầu, quan niệm về giá trị, về định hướng chuẩn mực…) và các yếu tố bên ngoài (các điều kiện vật chất, các mối quan tâm chung của toàn xã hội, mặc dù các yếu tố này có thể chỉ tồn tại nhất thời).

Cảm xúc, tình cảm, trí tuệ, hành vi của con người luôn gắn liền với một xã hội tâm trạng nhất định. Theo các nghiên cứu của tâm lý học, vai trò của tâm trạng trong việc tri giác hiện thực khách quan còn lớn hơn cả vai trò của ý thức. Hiệu quả hoạt động của tập thể và mỗi cá nhân tùy thuộc vào tính chất của tâm trạng.

Như vậy, để tác động vào cảm xúc, tình cảm, trí tuệ, hành vi của con người, thông điệp báo chí nói chung, thông điệp ảnh báo chí nói riêng phải phù hợp với tâm lý, tâm trạng xã hội và thể hiện lợi ích của công chúng, nhóm đối tượng truyền thông. 

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, tâm trạng xã hội sẽ thể hiện sự lo lắng bao giờ đại dịch kết thúc, tiêm vaccine phòng ngừa thế nào để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, lo lắng về công việc, thu nhập, học tập của con cái…

Trước tâm trạng xã hội đó, thông điệp ảnh báo chí đã thể hiện những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta là chống dịch như chống giặc, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Những thông điệp ảnh báo chí về sự chi viện của đội ngũ cán bộ, nhân viên, học viên y tế trên cả nước, ủng hộ về sức người và vật chất cho các tỉnh có dịch, nhất là các tỉnh thành phía Nam đã tác động mãnh mẽ đến cảm xúc, tình cảm, trí tuệ, hành vi của mỗi người để tiếp tục đồng lòng, chung sức cùng với cả nước phòng, chống đại dịch, bản thân tự ý thức phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Phía trước, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam nói chung và ở các tỉnh phía Nam nói riêng tuy còn nhiều cam go, thử thách nhưng những thông điệp ảnh báo chí đã góp phần làm cho chúng ta tin tưởng rằng, chúng ta đã từng chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược bằng tinh thần đoàn kết và nay sẽ tiếp tục chiến thắng đại dịch bằng chính tinh thần đồng sức đồng lòng, sẵn sàng đồng cam cộng khổ, sẻ chia với các vùng, miền có nhiều khó khăn hơn.

Năm là, phù hợp với kênh truyền thông và đối tượng công chúng.

Để đạt được hiệu quả tối ưu trong truyền thông, một trong những yếu tố quan trọng quyết định là thông điệp phải phù hợp với kênh truyền thông và đối tượng công chúng. 

Trước hết, tác giả của thông điệp ảnh báo chí phải dựa vào những thế mạnh của báo mạng điện tử và khắc phục những hạn chế của báo mạng điện tử để sáng tạo nên những thông điệp phù hợp. Cụ thể như: thông điệp ảnh có phải có sự nhanh chóng, tức thời, đi trước các loại hình báo chí khác; hấp dẫn độc giả bằng những hình ảnh to, rõ nét, màu sắc bắt mắt nhằm khơi gợi tình cảm và hướng mạnh vào nhận thức lý trí của đối tượng công chúng. 

Những thông điệp ảnh được đăng tải trên báo mạng điện tử nào cũng phải phù hợp với đối tượng công chúng của báo mạng điện tử đó. Điều đó cũng có nghĩa là thông điệp ảnh báo chí phải phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo, như vậy mới tạo được hiệu quả trong qua trình truyền thông.

Sáu là, phải sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo. Sinh động để tạo sự hấp dẫn, thu hút độc giả, tránh sự dập khuôn máy móc giữa các thông điệp ảnh báo chí.

Thông điệp ảnh báo chí được đăng tải trên báo mạng điện tử là một trong các phương tiện thông tin đại chúng nên phải đáp ứng yêu cầu “dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo” đảm bảo cho độc giả phải hiểu được thông điệp, hiểu giống nhau. Như vậy, thông điệp ảnh báo chí mới có thể thu hút, tác động đến công chúng và hướng tới thay đổi hành vi.  

Hoàng Thu Hằng

___

(1) Phạm Hồng Tung: Nghiên cứu về lối sống: Một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn số 23, H, 2007.

(2) Mai Đặng Hiền Quân: Tâm trạng xã hội của thanh niên - động thái xã hội của thời kỳ đổi mới, Tạp chí Xã hội học số 3(51), H, 1995.

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất