Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 27/5/2014 21:26'(GMT+7)

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở và Luật Hôn nhân gia đình

Đoàn đại biểu tổ TP. Hồ Chí Minh thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Đoàn đại biểu tổ TP. Hồ Chí Minh thảo luận về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Chiều 27/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo do Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về chính sách phát triển nhà ở được quy định tại Điều 14 dự thảo Luật.

Theo Điều 14 của dự thảo, Nhà nước có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua nhằm phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu trong xã hội. Nhà nước chủ động hỗ trợ vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở.

Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí với chính sách phát triển nhà ở như quy định trong dự thảo Luật, vì cho rằng, quy định như vậy là thể hiện rõ tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nhà ở. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, quy định này còn chung chung, mang tính nghị quyết, tính khả thi không cao, vì nguồn vốn ngân sách nhà nước là có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở là rất lớn. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước chủ động hỗ trợ vốn cũng cần được cân nhắc, vì Nhà nước chủ yếu hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, cơ chế cho vay... chứ không trực tiếp hỗ trợ vốn.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế hiện nay, có những gia đình chỉ có 10 m2 nhưng đến 8 người ở, hay số lượng người dân, người lao động phải đi thuê nhà là rất nhiều, sống cơ cực, nên việc sở hữu nhà là rất khó khăn; do đó, nên khuyến khích thuê nhà ở xã hội. “Chính sách nhà ở xã hội cần hướng tới thị trường công bằng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Thảo luận về chính sách phát triển nhà ở công vụ, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, thì không nên phát triển nhà ở công vụ một cách tràn lan, gây lãng phí cho ngân sách nhà nhước. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới phải sử dụng nhà công vụ. Có ý kiến đề xuất những trường hợp khác có thể tính vào lương để trả cho cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, luân chuyển để đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng khi thực hiện công vụ được giao.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nhận xét dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư tại Điều 100 và các trường hợp phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư quy định tại Điều 109. Hai quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ khi hết niên hạn sử dụng.

Thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Về phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 7), đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) đánh giá quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 7 dự thảo luật cho phép tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp với Luật Đất đai 2013.

Đại biểu nêu rõ Luật Đất đai không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này trong dự thảo luật để phù hợp với Luật Đất đai 2013.

Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (Điều 8) tại khoản 1 quy định: “Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp, hoặc hợp tác xã có vốn pháp định do Chính phủ quy định nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng,” đại biểu Nguyễn Minh Quang tán thành với việc nâng cao điều kiện để tổ chức, cá nhân được kinh doanh bất động sản. Quy định này sẽ hạn chế những chủ thể kinh doanh bất động sản có năng lực tài chính yếu, tham gia thị trường có tính chất manh mún.

Tuy nhiên, theo đại biểu, số vốn pháp định 50 tỷ đồng là khá cao, gần gấp 9 lần so với quy định hiện hành (6 tỷ đồng). Đại biểu phân tích khi áp dụng luật sẽ dẫn đến bất cập bởi các doanh nghiệp đang kinh doanh bất động sản có số vốn 6 tỷ đồng sẽ phải bổ sung một lượng vốn không nhỏ, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa các loại dự án bất động sản khác nhau về quy mô, tính chất, công năng mục đích đầu tư cũng như tổng mức đầu tư, thì việc ấn định vốn pháp định 50 tỷ đồng vô hình chung đã khống chế quyền tự do chọn mô hình kinh doanh của nhà đầu tư.

Đại biểu dẫn chứng, hiện nay chúng ta có tới hơn 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng 51% lao động xã hội. Quy định này sẽ loại phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tham gia vào thị trường bất động sản. Theo đại biểu, Ban soạn thảo nên xem xét, điều chỉnh mức vốn pháp định giảm xuống không thấp hơn 20 tỷ đồng và Chính phủ quy định cụ thể mức vốn pháp định tại từng thời kỳ sẽ phù hợp hơn trên thực tế.

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề và dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Trong buổi làm việc, đã có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình; Các quy định về kết hôn; Các quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận; Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình; Quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính./.

Tuấn Đạt (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất