Trước đó, Luật Thủ đô đã được đại biểu Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Luật Thủ đô đưa ra nhiều chính sách xây
dựng, phát triển và quản lý Thủ đô. Trong đó, điều 8 quy định việc xây
dựng và phát triển Thủ đô phải theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô,
phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển
bền vững, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô
với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả
nước.
Để thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đồng thời nhằm giảm dân cư tập trung quá đông ở nội thành, trong
nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của
các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản
xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục
đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo
dục nghề nghiệp không có trụ sở chính ở nội thành thì không được đặt địa
điểm đào tạo trong nội thành.
Điều 19, quy định về quản lý dân nhập cư
vào Thủ đô cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định
của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến
làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm
việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn,
về ở cùng với người thân hoặc trước đây từng có hộ khẩu trong nội
thành...
Với những trường hợp khác muốn đăng ký
thường trú ở nội thành phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở
lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ
chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện
tích bình quân (theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội) và được sự đồng
ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân
có nhà cho thuê.
Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê
Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô
được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng,
phát triển Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu
nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.
Luật cũng cho phép HĐND Hà Nội quy định
mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm
hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng (Điều 20). Tuy
nhiên, trong Luật Thủ đô không quy định nội dung cho phép Hà Nội thu một
số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu
phí cụ thể thì HĐND Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của
Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.
Về cơ chế tài chính, Thủ đô được huy
động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền
địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức
huy động khác theo quy định của pháp luật. Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác được áp dụng cho các thời
kỳ ổn định từ 3-5 năm.
Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân
sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản sau: thu thuế giá trị gia
tăng hàng nhập khẩu; khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nuớc;
khoản thu không giao thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô./.
Theo VOV