Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 21/12/2009 17:57'(GMT+7)

Lương trong doanh nghiệp thấp hơn lao động tự do

Lương bình quân của công nhân khai thác than đạt 3,7 triệu đồng (trong ảnh: Bốc than tại trạm chuyển tải Hòn Nét của Cty Kho vận và cảng Cẩm Ph

Lương bình quân của công nhân khai thác than đạt 3,7 triệu đồng (trong ảnh: Bốc than tại trạm chuyển tải Hòn Nét của Cty Kho vận và cảng Cẩm Ph

Tốt nghiệp đại học lương 50.700 đồng/ngày

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH cho biết, tiền lương bậc 1 (hệ số lương 2,34) của người vừa tốt nghiệp đại học hiện nay là 50.700 đồng/ngày, thấp hơn lao động tự do, lao động nông nghiệp khi họ có thể kiếm được 80 đến 120 nghìn đồng/ngày.

Nếu đem so sánh lương với giá cả và các chi phí của người lao động ngoại tỉnh phải chi (nhà trọ, sinh hoạt phí..) với mức lương như hiện nay, lao động khó đảm bảo duy trì được cuộc sống ở đô thị.

Trong khi đó, so sánh thu nhập với người làm nông nghiệp về lợi ích thì thấy rằng, làm nông nghiệp, sinh sống tại quê hương có lợi ích hơn khi làm ở các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH

Theo Thứ trưởng Hòa, hiện, việc áp dụng chính sách tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp còn cứng nhắc và chưa phản ánh đúng thực tế của thị trường lao động.

Tiền lương chưa đảm bảo hợp lý trong một số ngành và khu vực. Đặc biệt, với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh lương bình quân chỉ bằng 56,6% lương ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và bằng 68,4% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh một số ngành có lương bình quân cao như: dầu khí (12,18 triệu đồng/tháng); vận tải hàng không (13,16 triệu đồng/tháng); tài chính tín dụng (5,26 triệu đồng/tháng); hoạt động y tế (3,46 triệu đồng/tháng); khai thác than (3,71 triệu đồng/tháng); sản xuất điện (3,35 triệu đồng/tháng)... thì vẫn còn một số ngành lương bình quân quá thấp như: nuôi trồng thủy sản (1,1 triệu đồng/tháng); lâm nghiệp (1,3 triệu đồng); dệt may (1,4 triệu đồng); da giày (1,3 triệu đồng); hoạt động tái chế (0,98 triệu đồng)…

Tiền lương của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trả cho người lao động làm việc giản đơn chỉ cao hơn mức lương tối thiểu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chỉ trả lương cao hơn mức tối thiểu 7%.

Riêng với lao động sản xuất trực tiếp của ngành dệt may có tiền lương bình quân tháng chỉ đạt hơn 1,4 triệu đồng (năm 2007) và hơn 1,6 triệu đồng (2008).

Trong khi đó, giá cả ở các thành phố, đô thị lớn liên tục tăng. So với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong sáu tháng đầu năm 2008 (18,44%) thì các mức tăng tiền lương cho lao động chưa đủ bù đắp mức tăng giá cả.

70% lao động có việc làm không ổn định dễ rơi vào nghèo đói

Theo Bộ LĐ -TB&XH, cả nước hiện có hơn 44 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong số lao động có việc làm thì trên 70% là không ổn định, dễ bị tổn thương và rơi vào nghèo đói. Lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 52%.

 Chính phủ cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền lương cho đối tượng yếu thế với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao  - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH - Nguyễn Thanh Hòa nói

Cũng theo Bộ LĐ - TB&XH, tốc độ tăng GDP từ 6,5 - 8% mỗi năm đã tạo việc làm cho 1,2 đến 1,4 triệu lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP nhanh, không đều và không dự báo sớm đã gây ra tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp, thiếu hụt ở khu vực công nghiệp - dịch vụ; dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu nhiều lao động kỹ thuật.

Theo đánh giá, tại Đồng Nai, hằng năm thiếu hụt khoảng 20.000 lao động; trong đó, thiếu khoảng 5.000 lao động đã qua đào tạo và 15.000 lao động phổ thông.

TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay có số lao động mất việc làm là hơn 23.000 người, nhưng nhu cầu lao động cần tuyển lên tới  hơn 61,5 nghìn người.

Để khắc phục tình trạng thiếu lao động hiện nay, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà, Bộ LĐ - TB&XH đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao thể lực; cải cách nòi giống đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp hiện đại; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cấp trình độ; phát triển doanh nghiệp thu hút nhiều lao động...

Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo định hướng thị trường, thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

Phong Cầm - TienPhongOnlin

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất