Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 15/5/2009 12:5'(GMT+7)

Mấy cảm nhận về “Văn hóa Hồ Chí Minh”

Vào năm 2000, UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hoá kiệt xuất”. Tôi cũng được dự Hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người tại Hà Nội cũng là dịp được tiếp xúc với một số nhà khoa học nước ngoài, trong đó có một số người nói và viết thành thạo tiếng Việt để tìm hiểu các bạn nước ngoài nghĩ gì về danh hiệu “Danh nhân văn hoá kiết xuất của thế giới” phong tặng cho Người. Danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc”, với sự nghiên cứu và trải nghiệm cá nhân tôi có thể hiểu, còn danh hiệu “Danh nhân văn hoá kiệt xuất” thì tuy rất tự hào về Bác của chúng ta nhưng tôi chưa hiểu mấy.

Hồ Chí Minh là người con của Việt Nam và của thế giới. Có nhà nghiên cứu đã đưa ra số liệu: Khi người qua đời, đã có 22.000 bức điện và thư của 121 nước gửi tới chia buồn và cho tới năm 2000 trên thế giới đã có 50 di tích, nhà lưu niệm và đặt tượng tôn vinh Người; và ở nước ta thống kê chưa hết thì lúc đó cũng đã có hơn một trăm nơi lập đền thờ Người mà sinh thời, cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà sử học danh tiếng đã trao đổi với tôi về hiện tượng “Phong Thánh” trong tín ngưỡng dân tộc. Tôi không phải là nhà văn hoá hay sử học cho nên không dám lạm bàn mà chỉ ghi nhận để suy nghĩ. Đánh giá cao sự cống hiến của Người với dân tộc và thế giới không chỉ có đồng chí, bạn bè. Một vị giáo sư danh tiếng ở nước ta đã trích dịch Hồi ký của N.Khroutchev viết khi đã bị cất chức, nghỉ hưu, xuất bản tại Pa-ri năm 1971, người lừng danh về phê phán cái gọi là “tệ sùng bái cá nhân”, đã từng dùng mưu mô hắc ám để hạ bệ một loạt thần tượng nổi tiếng, đã viết về Hồ Chủ tịch như sau: “Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là con người xuất sắc nhất trong tất cả chúng ta. Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người nhưng không có người nào gây cho tôi ấn tượng đặc biệt như ông Hồ Chí Minh. Những người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói tới các vị Thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với “các vị thánh” đo á- một vị “Thánh của cách mạng”.

Nhưng dù sao tôi vẫn muốn tìm hiểu về danh hiệu cao quý “Danh nhân văn hoá kiệt xuất” mà một tổ chức uy tín hàng đầu của Liên Hiệp Quốc về văn hoá mà thành phần bao gồm nhiều người có quốc tịch và chính kiến khác nhau trao tặng khi Người đã qua đời, nghĩa là đã “cái quan định luận” - luận bàn, đánh giá về người đã mất thường sòng phẳng hơn.

Tôi biết rằng, trên thế giới được gọi là “nhà văn hoá” đã là danh giá lắm. Viết nhiều sách hay thì có thể gọi là nhà văn, nhà khoa học lớn nhưng không phải người viết nhiều sách nào cũng được gọi là nhà văn hoá. Viết nhiều sách về văn hoá có thể được gọi là nhà nghiên cứu về văn hoá chứ không phải người nào cũng được gọi là “nhà văn hoá” vì theo tôi hiểu là những người viết sách tỏ rõ lý tưởng, đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng đó, có phẩm chất đạo đức và ứng xử trong cuộc sống, nêu bật những giá trị mới có sức lan toả, làm phong phú thêm giá trị văn hoá của một dân tộc hay thế giới mới được tôn vinh là “Nhà văn hoá”. Lại còn là “Danh nhân kiệt xuất” tức là những người nổi tiếng nổi bật trong những người nổi tiếng (theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt) thì là sự đánh giá rất cao về cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt văn hoá.

Nghiên cứu vấn đề lớn lao này nên bắt đầu từ đâu và như thế nào?

Chẳng biết có đúng không, khi tôi tìm cách tiếp cận từ đầu và trước hết từ sự đánh giá của những người nước ngoài, kẻo lâm vào thế “mẹ hát con khen hay”.

Khi hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thường xuyên tiếp xúc với những người lao động, những nhà hoạt động chính trị, những nghệ sĩ nổi tiếng như Mac-sen Ca-sanh, Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê, Pi-cát-sô, Sác-ly Sa-plin… Khi người đến Liên Xô lần đầu năm 1923, Người thanh niên 33 tuổi đó chưa phải là đảng viên cộng sản mà hoạt động trong đảng Xã hội (vì đến Đại hội Tour ở Pháp, Người mới tham gia Quốc tế 3, là thành viên sáng lập Đảng cộng sản Pháp). Trong thời gian ở Liên xô, Người có thời gian tiếp xúc và trao đổi ý kiến với nhà thơ O-xíp Man-đen-Xtam, và trong các cuộc trao đổi ý kiến đó đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhà thơ vốn nhạy cảm, do đó nhà thơ đã viết: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và thanh lịch, chuộng nếp sống điều độ và ghét thói thái quá. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lặng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”, và “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai” (những chữ in nghiêng trong bài là tác giả nhấn mạnh).

Nhận định về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bà R.Lô-dơ-bai, vợ luật sư Lô-dơ-bai người đã giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù và hai vợ chồng bà đã giúp Nguyễn thoát khỏi Hương Cảng trong lưới bủa vây của bọn thực dân muốn bắt lại, đã nói với phóng viên Roi-tơ về “tầm hiểu biết” của người thanh niên yêu nước đó, và nhận xét về Nguyễn “là một con người nhân hậu; đối xử với ai ông cũng rất tốt”.

Chắc chắn còn nhiều lời đánh giá về Nguyễn - người Việt Nam hoạt động cách mạng trẻ tuổi, mà tôi không có điều kiện đọc, nhưng chỉ qua những chuyện kể lại trên, đã có thể thấy, ngay từ buổi đầu họ đã nhận rõ:

Những phẩm chất của Nguyễn toát lên nền “văn hoá tương lai”, là con người có “lòng nhân hậu, đối xử với ai cũng tốt”, “giản dị, thanh lịch”, và ghét sự cực đoan mà người ta gọi là thái quá. Tất cả những nét tốt đẹp về quan điểm và nhân cách của một nền văn hoá tương lai đó, theo tôi hiểu, được tiếp tục phát huy khi Người mácxít cùng Đảng của mình lãnh đạo cách mạng thành công đưa nhân dân thoát khỏi kiếp nô lệ gần một thế kỷ, trở thành Chủ tịch nước Việt Nam mới, có quyền uy cao nhất nước, nhưng luôn luôn khuyên đồng bào, đồng chí đối xử với nhau cho “có tình, có nghĩa”, đấu tranh để phân biệt phải trái cho “có lý, có tình”; và ngay từ năm đầu tiên của nước nhà mới được độc lập, Bác đã gửi thư khuyên bảo các cháu thiếu niên, nhi đồng của xã hội tương lai: 1- Phải siêng học; 2- Phải giữ gìn sạch sẽ; 3- Phải giữ kỷ luật; 4- Phải theo đời sống mới; 5- Phải thương yêu, giúp đỡ cha mẹ, anh em.

Qua những nét đẹp trong nhân cách văn hoá của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc mà nhà thơ Liên Xô đã nhận ra phẩm chất của dân tộc Việt Nam cũng như tổ chức UNESCO đánh giá phẩm chất của Danh nhân văn hoá Hồ chí Minh là “đã kết tinh các truyền thống văn hoá trải qua mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam”. Văn hoá Hồ Chí Minh được kính trọng vì tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam là một “nước văn hiến” như Nguyễn Trãi đã xác định, làm cho ta càng thêm quý trọng Bác Hồ của chúng ta, một con người Việt Nam tiêu biểu mang trong mình truyền thống văn hoá tốt đẹp, lâu đời của đất nước khi tiếp xúc với các nền văn hoá khác; và chính vì sự khác biệt và tốt đẹp đó mà được bạn bè thế giới quý mến, kính trọng.

Giữa những ngày cả nước ta và thế giới tưởng niệm Bác Hồ, vị Chủ tịch có địa vị chính trị cao nhất nước, thì trên tờ báo “Bằng chứng thiên chúa giáo” xuất bản tại Pari đã sớm nhận ra sự nổi bật khác thường “hình ảnh của một lãnh tụ tỏ rõ tinh thần trước hết là đầy tớ của nhân dân”, vị lãnh tụ đó “không phải là nhà chỉ huy mà đúng ra là một con người đi thức tỉnh các tâm hồn”, đó là một đặc điểm của văn hoá chính trị, văn hoá cầm quyền - người lãnh đạo không đứng trên dân để hét bảo, ra lệnh mà là hoà vào dân khuyên nhủ, vận động, thuyết phục, khác hẳn với những gì họ thấy ở xã hội mà họ đang sống.

Trong lịch sử, những bậc minh quân, hoặc các nhà chính trị, triết gia chân chính đều rất coi trọng nhân dân, vì “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, nhưng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “bao nhiêu lực lượng đều ở nơi dân’’, đặc biệt là “bao nhiêu lợi ích thuộc về dân”, “bao nhiêu quyền hành đều là của dân” thì thật sự là một quan niệm mới mẻ, thiết thực và lòng mong muốn tha thiết của Người về vị trí thật sự quan trọng hàng đầu của nhân dân, mà lớp cháu con của Người cho đến nay thực hiện chưa đến nơi đến chốn theo tư tưởng của Người.

Khi đã có chính quyền thì đa số cán bộ, đảng viên là người có chức, có quyền cho nên một số tác giả nước ngoài đánh giá Người là một lãnh tụ quan tâm nhất tới việc giáo dục đạo đức cho cán bộ công chức mà về cơ bản là thực hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; và “gương mẫu đi đầu”.

Tư tưởng và đặc biệt là hoạt động của Người với tư cách nguyên thủ quốc gia, theo nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, nếu được thực hiện sẽ bổ sung quan trọng về nội dung “văn hoá chính trị” của thế giới.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều người thường nhắc tới một câu nói có vẻ thông thường, nhưng trở thành thành ngữ sâu sắc, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Nhưng trong xã hội bao gồm những người có chính kiến, tín ngưỡng khác nhau, những lợi ích khác nhau, thậm chí những hoàn cảnh và tính cách khác nhau mà như Hồ Chủ tịch thường nói là trong năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn nhưng vẫn là một bàn tay, do đó phải có tấm lòng “khoan dung đại độ” - như Người nói, xoá bỏ mọi thành kiến hẹp hòi thì mới có thể tập hợp được mọi người cùng chung lý tưởng vì độc lập, thống nhất của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Có rất nhiều sự kiện và cách xử sự của Người với tôn giáo và những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trong những ngày tiến hành khởi nghĩa Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi tiêu biểu cho tư tưởng đó. Có cả những chuyên đề, cuốn sách viết về “khoan dung Hồ Chí Minh”. Đó là những cuốn sách và công trình nghiên cứu công phu, có sức thuyết phục. Nhưng thú thực, khi đọc xong, thấy hay và thấy đúng mà trong lòng vẫn thấy băn khoăn. Gần đây, khi có thời giờ đọc lại tài liệu cũ thấy trong phát biểu của Gia-va-hac-lan Nê-ru, nguyên Thủ tướng Ấn Độ phát biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống: “Cụ là một nhân vật vốn đặc biệt, yêu hoà bình và hữu nghị, một lãnh tụ của quần chúng, có sự hiếm thấy giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên cường bậc nhất”. Đọc những dòng đó, tự nhiên tôi thấy cảm thông sâu sắc sự đánh giá đúng đắn nhất một đặc tính quan trọng của “văn hoá Hồ Chí Minh”. Sự khoan dung, đại độ của Người thì nhiều tài liệu đã viết và có thể kể ra vài chục các dẫn chứng thuyết phục, rất cảm động. Nhưng lại phải thấy một đặc điểm quan trọng trong “văn hoá Hồ Chí Minh” còn là sự “Kiên cường bậc nhất” như nguyên Thủ tướng Nê-ru đã đánh giá. Đức tính kiên cường của một người là thể hiện ý chí mãnh liệt không lùi bước trước khó khăn, nguy hiểm, tù đầy, quyết thực hiện mục tiêu lý tưởng vì nước vì dân, kiên quyết xử phạt đến mức cao nhất những người đã phạm tội tham ô, hủ hoá, lãng phí, cậy quyền thế ức hiếp nhân dân cho dù người đó đã có quá trình vào sinh ra tử trong các thời kỳ cách mạng. Nghĩa là Người kiên cường “Phò chính, trừ tà” như chính Người đã cổ vũ giới trí thức trong những ngày đầu của nước Việt Nam mới. Khoan dung tột độ và kiên cường bậc nhất cũng là một đặc điểm của “văn hoá Hồ Chí Minh”.

Nghiên cứu “văn Hoá Hồ Chí Minh”, theo tôi nghĩ không chỉ là nghiên cứu các quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hoá như nhiều cuốn sách đã xuất bản mặc dù rất cần thiết, vì dễ sa vào kinh viện, mà nên nhìn rộng ra trong những chủ trương, phát ngôn và đặc biệt là trong cách ứng xử, trong cả cuộc đời của Người. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta có thể nhớ nhiều chuyện có nhiều ý kiến khá phong phú về đề tài quan trọng này để ôn lại “văn hoá Hồ Chí Minh” mà noi theo trong khi văn hoá đang xuống cấp như nhiều người đánh giá.

Như đầu bài đã nói rõ là tôi chỉ nghiên cứu vấn đề này trong phạm vi đánh giá của những người nước ngoài, cho nên chắc chắn có phần chưa đầy đủ vì có rất nhiều tài liệu đọc không xuể. Khởi đầu những suy nghĩ về chủ đề này từ năm 2000 rồi tranh thủ thời gian tiếp tục đọc, tiếp tục nghĩ cho tới nay, tuy có thể hình thành một cuốn sách, nhưng cũng chỉ thành một bài báo nhỏ cũng mạnh dạn công bố để cùng nhau tham khảo về vấn đề to lớn, hệ trọng và có tính thời sự nóng hổi này./.

 Tháng 5/2009

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất