Trong số hơn 30 tham luận gửi đến Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam, có không ít tham luận đề cập vấn đề mạng xã hội và công tác thông tin trong thời kỳ công nghệ số.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội vừa tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí, nhưng cũng vừa là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan truyền thông trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook. Sự phát triển mạnh mẽ, sức hấp dẫn, cập nhật, “xuất bản” thông tin dễ dàng, tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây là những ưu thế mà mạng xã hội đem đến trong kỷ nguyên công nghệ số. Không thể phủ nhận, mạng xã hội ngày càng “phủ sóng” rộng khắp trên toàn thế giới, trở thành nguồn thông tin vô cùng phong phú cho báo chí khai thác.
Mạng xã hội cũng tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tương tác nhiều hơn với công chúng. Bên cạnh những thuận lợi đó, mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức cho mỗi nhà báo cũng như các cơ quan báo chí.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thông tin trên mạng xã hội dù phong phú, đa dạng nhưng vẫn mang tính cá nhân, không qua bất cứ một ban biên tập nào thẩm định. Các nhà báo chân chính đều biết rằng, thông tin trên mạng xã hội nhiều khi chưa chính xác, muốn sử dụng vào bài của mình phải có sự kiểm chứng, xác minh. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhất là các tờ báo điện tử bỏ qua khâu thẩm định để đăng tải ngay thông tin từ mạng xã hội, góp phần làm nhiễu loạn thông tin, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nói: “Có một số nhà báo chưa nhận thức đúng, coi những thông tin này sử dụng được và nhanh chóng tiếp cận, chính thống hóa thành bài báo của mình, dẫn đến nhiều thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân. Mạng xã hội vừa tạo cơ hội cho báo chí nhưng vừa là thách thức đối với báo chí. Khi nhà báo muốn sử dụng thông tin trên đó phải thận trọng và kiểm chứng. Mục đích cuối cùng là phải tạo niềm tin cho công chúng”.
Không ít trường hợp mạng xã hội còn “dẫn dắt” thông tin, tạo nên những “làn sóng” dư luận mạnh mẽ. Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam) phân tích, trước kia báo chí rất e ngại mạng xã hội, nhưng hiện nay, vì tốc độ đưa và lan truyền thông tin của mạng xã hội quá nhanh, nên nhiều tờ báo đã “chạy” theo. Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ số, báo chí không thể né tránh hay bị cuốn theo dòng lũ của mạng xã hội, mà phải tìm cách để “cưỡi” lên dòng lũ đó. Muốn vậy, nhà báo cần tỉnh táo, nhanh nhạy khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, còn các cơ quan báo chí phải đổi mới cách chỉ đạo thông tin cho phù hợp, nếu không báo chí sẽ bị tụt hậu.
Báo chí hiện đại có mối liên hệ chặt chẽ với mạng xã hội. Chính các nhà báo cũng là những người tham gia vào cộng đồng mạng xã hội để vừa tiếp cận, chắt lọc thông tin, vừa cung cấp thông tin đến đông đảo công chúng.
Nhận định về vấn đề này, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Tổng Biên tập Báo Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) cho rằng, các nhà báo khi sử dụng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo mỗi khi cập nhật thông tin trên trang cá nhân.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng nói: “Đừng để xảy ra tình trạng nhà báo hai mặt. Khi viết bài báo cho các cơ quan chính thống - nơi anh công tác viết rất đúng quan điểm, đúng vấn đề cần nêu. Trong khi viết lên mạng xã hội đã sử dụng lại những tư liệu, chi tiết khai thác được trong quá trình tác nghiệp để lật lại vấn đề đó. Thậm chí có những bài nhà báo khi viết trên báo đi theo một quan điểm, nhưng khi đưa lên Facebook gần như đi ngược lại quan điểm trên tờ báo. Tôi hoàn toàn phản đối chuyện này. Khi chúng ta đã là nhà báo chỉ có một quan điểm mà thôi”.
Trong thời kỳ công nghệ số và toàn cầu hóa thông tin, báo chí càng phải nâng cao chất lượng, khắc phục xu hướng thương mại hóa, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo hướng hiện đại hóa. Rõ ràng, trong bối cảnh ấy, Hội Nhà báo Việt Nam cần đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp mới trong giai đoạn tiếp theo, xứng đáng là tổ chức nghề nghiệp được các nhà báo tin tưởng./.
Lưu Huyền/VOV