Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 8/8/2011 15:26'(GMT+7)

Mất cân bằng giới tính ngay từ khi sinh tăng nhanh bất thường

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, cho biết, tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam đã xảy ra ở 5/6 vùng kinh tế-xã hội và 45/63 tỉnh, thành phố. Nơi có tỉ số MCBGTKS cao nhất là ở vùng Đồng bằng sông Hồng với tỉ số trung bình là 115/100. Trong đó, có một số tỉnh tỉ lệ này rất cao như Hưng Yên trên 130/100, Hải Dương 120/100, Hải Phòng 115/100, Bắc Ninh 119/100...

So với một số nước trong khu vực có nền văn hóa tương đồng như Trung Quốc, Hàn Quốc (đã xảy ra MCBGTKS từ những năm 1980 - 1990) thì tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam muộn hơn, bắt đầu rõ rệt từ năm 2004. Nhưng khác với các nước khác, MCBGTKS ở Việt Nam tăng lên rất nhanh, mỗi năm tăng đến 1 điểm phần trăm. Đến nay, tỉ số này đã là 111 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Ông Phạm Năng An - Phó Vụ trưởng Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ cũng cho biết, tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam có những đặc điểm khác biệt không giống bất cứ quốc gia nào đã trải qua tình trạng này. Tỉ số MCBGTKS của nước ta cao ngay ở lần sinh thứ nhất 110,2 - khác với các nước chỉ cao ở những lần sinh tiếp theo - lần thứ hai là 109, lần thứ ba là 115,5. Tỉ số này đặc biệt cao ở những gia đình có kinh tế khá giả và có trình độ học vấn cao. Ở nhóm dân số 20% nghèo nhất thì tỉ số giới tính khi sinh là 105, trong khi ở 3 nhóm dân cư giàu nhất, tỉ số này là 112.

Theo các chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm nhanh tốc độ gia tăng và nhanh chóng đưa tỉ số giới khi sinh trở lại mức bình thường thì khoảng 15 - 20 năm nữa sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Và hệ lụy của vấn đề này là sẽ phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ.../.

(Theo: VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất