Những quan điểm, tư tưởng chiến lược, chiến thuật do Người đề xuất đã để lại dấu ấn sâu sắc, đậm nét trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng của quân và dân Việt Nam anh hùng.
Thu-Đông 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta, khoá chặt biên giới Việt-Trung…Trước âm mưu và hành động của địch, ngày 8-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi toàn quân, toàn dân ta ra sức tiêu diệt địch. Người phân tích “ý đồ của địch là muốn hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc rồi khép chặt vòng vây, dưới đánh lên, trên đánh xuống, để tiêu diệt chủ lực ta và phá cơ quan đầu não cuộc kháng chiến... Chúng mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô chụp xuống sẽ thành ô rách”(1). Tiếp đó, tại cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 14-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tình hình cực kỳ rối ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa dẫn Pháp đến chỗ muốn kết thúc sớm chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tấn công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện đánh địch khắp nơi, buộc chúng lỏng dần lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại.”(2). Để thắng địch, theo Người, ta không thể lấy loại hình phòng ngự mà phải dùng loại hình phản công, đánh vận động, đánh du kích làm thất bại cuộc tiến công của địch. Trước một kẻ địch có binh lực đông, trang bị vũ khí hiện đại, tiến công ồ ạt, ta cũng không đưa lực lượng lớn ra đối mặt với xe tăng, pháo binh để ngăn chặn bước tiến công của chúng. Trên cơ sở phân tích thế và lực của địch trong chiến dịch này, Người chỉ ra những điểm yếu ngay trong chỗ mạnh ở hai gọng kìm của chúng. Lực lượng của địch phải rải ra trên các trục đường bộ, đường sông quá dài, xa căn cứ, vận tải khó khăn. Do đó, ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ thực hiện phương châm: “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, phục kích, đánh địch trên các địa hình hiểm trở, phá ý đồ "bao vây, hợp điểm" của địch. Như vậy, ta không những tránh được cái mạnh của địch mà còn từng bước vô hiệu hoá, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của chúng.
Thực hiện tư tưởng chiến lược, tác chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chiến dịch Việt Bắc, quân và dân ta đã bẻ gãy từng gọng kìm tiến công của địch. Cuối cùng, “cái ô lớn” định bọc lấy Việt Bắc đã bị gãy, địch chẳng những không tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến của ta mà còn thiệt hại lớn, phải từ bỏ chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, chấp nhận những bất lợi mới trên chiến trường. Chiến dịch Việt Bắc kết thúc thắng lợi với dấu ấn đậm nét tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về phương diện chiến lược, nghệ thuật chiến dịch.
Trên cơ sở những thắng lợi, để mở rộng và củng cố khu căn cứ Việt Bắc, nối liền nước ta với thế giới dân chủ, tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới. Đây là chiến dịch quan trọng, có sự tham gia chỉ huy trực tiếp của Người. Trong thời gian chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở sát mặt trận để cùng Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo mọi công tác. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công. Căn cứ tình hình thực tế chiến trường, với tư tưởng đánh chắc thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn Đông Khê làm trận mở màn. Người chỉ rõ: “Đông Khê là nơi địch sơ hở, nhưng lại là vị trí rất quan trọng, nếu mất Đông Khê, địch phải đem quân đến ứng cứu, tạo cơ hội cho ta tiêu diệt chúng trong vận động.” Khi chiến dịch bắt đầu nổ súng, Người đã lên đài quan sát ở Nà Lạn (cách Đông Khê 11km đường chim bay) do Ban tham mưu tiền phương tổ chức để theo dõi trận đánh Đông Khê.
Đêm 16-9-1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê, mở màn chiến dịch. Sau hai ngày đêm chiến đấu hết sức ác liệt, quân địch ở cứ điểm Đông Khê đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định, địch có thể sẽ chiếm lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui. Do đó, ta cần “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng vây lưới thép” tiêu diệt chúng. Đúng như dự đoán của ta, sau thất bại Đông Khê, quân Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng về ứng cứu cho Đông Khê, đồng thời cho quân đánh lên thị xã Thái Nguyên hòng phân tán chủ lực của ta, đỡ đòn cho Biên Giới. Với quyết tâm sắt đá diệt địch cho đến toàn thắng, theo lời căn dặn của Bác, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn binh đoàn ứng cứu của La-pa-giơ và Sác-tông tại Cốc Xá, cách Đông Khê 7km, vào ngày 7/10/1950. Những ngày tiếp theo, quân địch rút chạy khỏi các vị trí Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng… Hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4 bị phá vỡ. Chiến dịch Biên Giới toàn thắng. Thắng lợi của chiến dịch Biên Giới đã thể hiện rõ tư duy chiến lược, nghệ thuật quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị tư lệnh tối cao trong chiến dịch. Thắng lợi đó cũng mở ra cho ta một cục diện mới: Bắt đầu giữ vững và phát huy quyền chủ động trên chiến trường, liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn.
Sau thất bại chiến dịch Biên Giới, quân đội Pháp lâm vào thế phòng thủ bị động. Đầu tháng 5/1953, trước nguy cơ thảm bại, Chính phủ Pháp quyết định cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Nava đã vạch ra một kế hoạch mang tên mình và hi vọng sẽ giúp quân Pháp chuyển bại thành thắng. Trước âm mưu và cuồng vọng mới của kẻ thù, trí tuệ, bản lĩnh và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được thể hiện rõ. Cuối tháng 9-1953 tại Tỉn Keo (Định Hoá-Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông-Xuân 1953-1954, quyết tâm làm thất bại kế hoạch Nava của địch. Bộ Chính trị nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là: “Đánh chắc, tiến chắc, đánh tiêu diệt, đánh nơi địch sơ hở và tương đối yếu, buộc địch phải phân tán”. Phương châm chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Trong Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện kế sách tiến công làm thất bại kế hoạch Nava theo cách diễn đạt riêng của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Đôi mắt Người chợt tỏ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng”. Kết thúc Hội nghị, Người nói: “Về hướng hoạt động lấy hướng Tây Bắc là hướng chính. Các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hoá.”(3)
Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng quân uỷ và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm tư lệnh chiến dịch kiêm bí thư đảng uỷ. Khi trao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này quan trọng phải đánh cho thắng! Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh.”Lời dặn của Bác trở thành kim chỉ nam cho hành động của đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi vị Tổng tư lệnh có “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy: chuyển từ kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định lịch sử, tránh được sự tổn hại lực lượng, góp phần làm nên sức mạnh áp đảo quân Pháp ngay trong trận tiến công mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó 46 ngày (4). Quyết định đúng đắn, sáng tạo ấy của đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với tư tưởng quân sự của vị tư lệnh tối cao chiến dịch – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong đợt tiến công thứ hai (4/1954), khi quân ta đang tăng cường bao vây, chia cắt, khống chế đường tiếp viện hàng không của địch, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mô tả thế trận ở Điện Biên Phủ cho nhà báo Oxtrâylia W.Bớtsét với quyết tâm chiến đấu cao và niềm tin chiến thắng. Người lật ngửa chiếc mũ cứng đặt trên bàn tre, đưa tay vòng quanh mũ và giải thích: “Núi ở đây và chúng tôi ở đây”. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: “Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát chỗ này được.”(5). Đúng như dự đoán của Người, chỉ hơn một tháng sau, trước những đòn tấn công dồn dập của quân ta, ngày 7/5/1954, toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Quân ta toàn thắng sau 55 ngày đêm chiến đấu. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử quan trọng: “Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới lên cao đến thắng lợi hoàn toàn.”6). Nó cũng thể hiện một cách chân thực, sinh động thắng lợi của tư tưởng, nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh.
Với vai trò của vị tư lệnh tối cao các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân ta làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những quan điểm, tư tưởng của Người về quân sự mà nổi bật trên các phương diện chiến lược, nghệ thuật chiến dịch... mãi là những bài học quý giá đối với lực lượng vũ trang nhân dân và toàn dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
ThS. Đinh Ngọc Quý
Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh
____________________________
(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2006, t.4, tr.129
(2) Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND, H, 1995, tr.178
(3) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1(1920-1954), Nxb Sự thật, H, 1981, tr 609
(4) Ngày 13/3/1954 ta mở đợt tiến công thứ nhất
(5) W. Bớtsét: Hồi ký, Nxb Thông tin lí luận, H, 1987, tr 225
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, tập 11, tr 26