Thứ Ba, 24/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 30/8/2011 16:48'(GMT+7)

Nâng cao năng lực truyền thông môi trường

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường cho biết: Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng vấn đề môi trường đang là trở ngại lớn cho phát triển đất nước. Khối lượng chất thải chưa qua xử lý gia tăng nhanh, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, nhất là ở các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp, các làng nghề, các lưu vực sông, điển hình là vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty Vedan Việt Nam vừa qua. Thực tế cho thấy, các khu công nghiệp, khu chế xuất càng đi vào hoạt động nhiều thì vấn đề môi trường càng trở nên nóng bỏng.

Môi trường sống nói chung và môi trường theo ngành nghề, lĩnh vực có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện cả nước có trên 1.500 làng nghề truyền thống tập trung chủ yếu trên các lưu vực sông, phần lớn đều phát triển tự phát, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hầu như không đầu tư thiết bị thu gom, phân loại xử lý rác thải, nước thải.

Nhận thức được vai trò to lớn của công tác truyền thông, nhất là báo chí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Nghị định liên tịch với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội nghề nghiệp, Trung ương Đoàn Thanh niên và các cơ quan báo chí như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều báo khác; đồng thời Bộ cũng đã tổ chức các đợt tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ngành cho phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương, đặc biệt là kỹ năng truyền thông về môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo-tập huấn đã được nghe các nhà quản lý, các nhà khoa học chuyên ngành giới thiệu, trình bày 8 chuyên đề quan trọng, tiêu biểu như: Báo chí - sức mạnh công luận trong bảo vệ môi trường; Kỹ năng truyền thông nói chung và truyền thông môi trường nói riêng trong tình hình hiện nay; Truyền thông và truyền thông môi trường; Tổng quan về pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam; Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21/1/2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”…

Sau khi thảo luận về vai trò của truyền thông trong quản lý môi trường, xác định rõ đối tượng truyền thông môi trường và một số vấn đề môi trường nổi bật hiện nay… các đại biểu tham dự Hội thảo-tập huấn nâng cao năng lực truyền thông môi trường đã thống nhất đề xuất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thành lập Mạng lưới truyền thông và môi trường Việt Nam, cũng như cần sớm xây dựng Chiến lược truyền thông môi trường đến năm 2020, lồng ghép với các chương trình kinh tế-xã hội khác./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất