Việc xây dựng làng văn hoá trước hết phải xuất phát từ nền tảng của văn hoá làng. Cần khuyến khích việc bảo tồn, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của làng mình, khuyến khích phục hồi lại cảnh quan làng xã, đình chùa, đường ngõ…
Xây dựng làng văn hoá không phải là khơi lại những tập tục lạc hậu, cổ xưa mà thực sự là đưa con người trở về với những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông trong nếp ăn ở, cư xử với gia đình, họ tộc, thái độ giữ gìn các di sản văn hoá dân tộc, tình làng, nghĩa xóm.
Làng tập hợp nhiều gia đình, dòng tộc với những mối quan hệ chặt chẽ. Vì vậy, xây dựng làng văn hoá phải đi đôi với gia đình văn hoá. Vì muốn thực hiện được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh" thì phải xây dựng, thực hiện từ làng xóm - nơi đầu tiên sinh ra mỗi con người.
Gia đình không chỉ là đơn vị tình cảm, huyết thống mà còn là đơn vị kinh tế có chức năng giáo dục, giám sát các thành viên của mình, gần giống như một cộng đồng thu nhỏ, trong đó mỗi thành viên phải ứng xử với nhau theo truyền thống gia phong để hoàn chỉnh nhân cách. Ngược lại, khi trở thành làng văn hoá, làng sẽ là môi trường để mỗi gia đình và từng thành viên cùng phát huy hết giá trị văn hoá của mình.
Vì thế, theo tôi nội dung tiêu chuẩn của một đơn vị làng xã có văn hoá phải bao hàm như sau: làng có kinh tế phát triển, có cơ sở hạ tầng và cảnh quan sạch đẹp, xác định được cơ cấu kinh tế phù hợp với năng suất, nhân dân có đủ việc làm, xoá đói, giảm nghèo; có phát triển văn hoá - giáo dục - thể dục thể thao phong phú, lành mạnh. Không có người mù chữ, phổ cập giáo dục thực hiện tốt chỉ tiêu sinh đẻ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, tang, xoá hủ tục, tệ nạn; làng xã có nếp sống kỷ cương, đoàn kết, dân chủ, tiến bộ. Xây dựng được nhiều quy ước nội bộ bảo đảm tình làng, nghĩa xóm, phong trào nhân đạo, từ thiện, giao tiếp ứng xử có văn hoá.
Trên đây chỉ là một số nội dung định tính của một đơn vị làng đạt tiêu chuẩn văn hoá. Mỗi địa phương nên căn cứ vào đặc điểm lịch sử của từng làng xã để vận dụng xây dựng mô hình cho phù hợp. Nên chú ý khi xây dựng các nội dung tiêu chuẩn cần bảo đảm tính dân chủ để quần chúng được tham gia góp ý trước khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xây dựng làng văn hoá là một cuộc vận động mang tính chất xây dựng cao. Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành đoàn thể, sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội. Ngành văn hoá cần chủ động phối hợp với các lực lượng hữu quan (mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ …) để tăng cường hiệu lực và kết quả cho phong trào.
Cuộc vận động xây dựng làng văn hoá là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của người nông dân. Nếu chủ trương này thành hiện thực, nó như một cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cùng với sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nó góp phần làm cho đời sống kinh tế và xã hội ở nông thôn sẽ có những thay đổi toàn diện, cân đối, đồng bộ.
Xây dựng làng văn hoá không chỉ nhằm tạo ra môi trường văn hoá ở nông thôn, tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất phát triển mà còn góp phần xây dựng nhân cách con người mới, góp phần tích cực bảo tồn, bảo lưu phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc./.
Hồng Anh (Bắc Giang)