Bối cảnh của nhiều phim lớn
Câu chuyện thu hút các hãng phim lớn của nước ngoài đến chọn bối cảnh quay tại Việt Nam không phải là mới. Tuy nhiên kể từ sau một vài phim đình đám như Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng…, thì dường như Việt Nam trở nên “trầm lặng” hơn giữa thị trường bối cảnh nhộn nhịp của khu vực châu Á, thậm chí là Đông Nam Á. Nhưng trong năm 2015, sự kiện hang Sơn Đoòng trở thành bối cảnh của một bộ phim bom tấn lừng danh của Hollywood Pan đã thu hút không ít giấy mực của báo giới. Năm 2014, đoàn làm phim đã đi khảo sát bối cảnh tại Quảng Bình và lựa chọn nhiều nơi trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng để làm bối cảnh quay cho phim. Đặc biệt, nhiều cảnh quay ngoại cảnh được thực hiện tại thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam là hang Sơn Đoòng, và cảnh quay Sơn Đoòng đã được chọn đưa vào trailer giới thiệu phim, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp thế giới.
Sở Ngoại vụ Quảng Bình cho biết, trong hồ sơ xin phép thực hiện các cảnh quay tại Quảng Bình, phần tài liệu mà hãng mô tả cùng gửi chung với kịch bản phim để quay tại Sơn Đoòng là “Cảnh quay là hình ảnh Peter Pan bay qua những cánh đồng lúa mênh mông, những dãy núi hùng vĩ và hang động kỳ vĩ của Việt Nam”. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nam diễn viên Hugh Jackman cho biết, bộ phim có rất nhiều kỹ xảo, nhưng các cảnh quay tại Việt Nam hoàn toàn là thật.
Hang Sơn Đoòng trong phim "Pan".
Cũng vẫn là Sơn Đoòng, trong năm 2015, một lần nữa các nhà làm phim Hollywood đã quyết định chọn thắng cảnh này làm bối cảnh cho một phim bom tấn khác là King Kong 2: Skull Island. Trong tháng 2 này, đoàn làm phim của hãng Legendary Pictures trở lại Việt Nam để thực hiện một số cảnh quay tại Sơn Đoòng, Hạ Long và Ninh Bình… Hồi tháng 9-2015, đạo diễn Jordan Vogt – Roberts đã sang Việt Nam để tìm cảnh quay tại các địa điểm trên. Dự kiến phim phát hành tại Mỹ trong năm 2017.
Khai thác cơ hội như thế nào
Song song với việc xuất hiện trên phim bom tấn, Việt Nam trong năm qua cũng trở thành địa chỉ của các nhà làm phim nước ngoài sang tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tiêu biểu nhất là các nhà làm phim Italia và Ấn Độ sang gặp gỡ, trao đổi, giao lưu và tọa đàm với các nhà làm phim Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan phim Italia Moviemov và Liên hoan phim Ấn Độ. Một số nhà làm phim thậm chí còn tiết lộ kế hoạch sẽ quay phim tại Việt Nam, như đạo diễn kiêm diễn viên Italia Pippo Delbono, hay đạo diễn người Ấn gốc Việt Peter Hiền.
Một thực tế là cảnh đẹp ở Việt Nam không thiếu, thậm chí hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, rất phù hợp với làm phim, nhưng nhiều nhà làm phim sau khi khảo sát đành phải lắc đầu vì khá nhiều “rào cản”. Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, 60-70% các nhà làm phim nước ngoài rất ưa chuộng phong cảnh biển đảo của miền bắc, nhưng phần lớn đều gặp phải trở ngại ở khâu dịch kịch bản để xin phép. Thêm vào đó, khâu hậu kỳ ở Việt Nam cũng chưa được tốt cho nên các nhà làm phim không thể có được dịch vụ khép kín.
Một trong những mong muốn mà nhiều nhà làm phim đưa ra trước khi lựa chọn khảo sát địa điểm quay ở Việt Nam là có được một “ngân hàng dữ liệu” về hình ảnh phong cảnh ở Việt Nam, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho họ và về mặt thời gian, chi phí, công sức…
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng đã chia sẻ về mong muốn thành lập một trang web như vậy để hỗ trợ các nhà làm phim: “Chúng tôi mong muốn có một trang web như vậy, và rất cần sự hợp tác của Tổng cục Du lịch cũng như các hãng phim cung cấp về địa điểm, bối cảnh quay phim cũng như những kinh nghiệm mà họ có được thông qua quá trình hợp tác làm phim với nước ngoài”.
Điện ảnh là con đường hiệu quả nhất để quảng bá du lịch. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thì bản thân ngành du lịch cũng phải chủ động quảng bá, khai thác. Chẳng hạn như việc Sơn Đoòng lên phim Hollywood, nhiều ý kiến cho rằng mới chỉ có báo chí truyền thông trong nước lan tỏa thông tin với nhau, điều quan trọng là tại những hội chợ, sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, hình ảnh Sơn Đoòng trong Pan hay King Kong 2 có xuất hiện tại các tờ rơi, áp phích hay banner quảng bá hay không. Cần có một cái “bắt tay” thực sự giữa hai ngành này và có một chiến lược thực hiện dài hơi, thì mới mong đến ngày các nhà làm phim không phải cân nhắc khi phải lựa chọn giữa Việt Nam với Thái-lan hay Cam-pu-chia để thực hiện cảnh quay.