Là tỉnh biên giới phía bắc, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội khó khăn, chậm phát triển cho nên nhu cầu về áp dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ liên ngành và đa ngành chất lượng cao của Hà Giang ngày một lớn. Ðể đáp ứng yêu cầu đặt ra, tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó triển khai mô hình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ liên kết giữa "trường đại học và địa phương".
Nhiều khó khăn thách thức
Trong những năm qua, được sự hỗ trợ to lớn của Ðảng, Chính phủ cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức đạt được một số kết quả nhất định. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân 12,7% trong giai đoạn 2006 - 2010, riêng năm 2010 đạt 13,9%. Hiện nay các ngành dịch vụ chiếm 39%; công nghiệp - xây dựng chiếm 29%; nông - lâm nghiệp chiếm 32% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, sự phát triển của Hà Giang chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội đặt ra. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Ðàm Văn Bông cho biết: Kinh tế Hà Giang tăng trưởng chủ yếu theo bề rộng, thiếu tính bền vững. Hàm lượng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong các giá trị gia tăng còn thấp, vì vậy khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm cũng như toàn bộ nền kinh tế không cao. Hà Giang hiện có mười huyện và một thành phố; trong đó có tới sáu huyện thuộc diện các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong đó, các huyện núi đá, khó khăn nhất là thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, thời tiết khí hậu lại hết sức khắc nghiệt, mùa đông thường có sương muối, rét đậm, rét hại. Hai huyện vùng núi đất, do ảnh hưởng của địa hình nên canh tác của đồng bào chủ yếu là trên đất dốc, lại thường xảy ra sạt lở đất, nhất là vào mùa mưa, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việc kêu gọi, thu hút các nguồn lực để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn hạn chế. Ðặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra với tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 30%. Vì vậy, đời sống của phần lớn người dân Hà Giang vẫn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí giai đoạn 2011 - 2015) vẫn còn cao, chiếm hơn 41,8%.
Liên kết với trường đại học
Trước những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi tỉnh Hà Giang cần có những giải pháp hữu hiệu tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh xác định tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học, công nghệ theo mô hình 'trường đại học và địa phương' trên cơ sở phối kết hợp với Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN) được ưu tiên hàng đầu. ÐHQGHN với tiềm năng của đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên và trang thiết bị hiện đại sẽ hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm góp phần giúp UBND tỉnh Hà Giang trong các công tác mà tỉnh có nhu cầu về giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là triển khai bồi dưỡng cán bộ trên các lĩnh vực là thế mạnh của ÐHQGHN và là nhu cầu cấp thiết của tỉnh Hà Giang. Mặt khác, ÐHQGHN cũng nghiên cứu thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh Hà Giang phục vụ phát triển bền vững của địa phương.
GS, TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ÐHQGHN khẳng định, nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, biên soạn và in ấn xuất bản giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức thực hiện các khóa đào tạo ở trình độ cao trên các lĩnh vực hoạt động của nhà trường khi tỉnh Hà Giang 'đặt hàng'. Phối hợp với tỉnh Hà Giang nghiên cứu xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ, dự án như: Nghiên cứu xây dựng dự án 'Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng trong lãnh đạo, quản lý, khoa học - công nghệ và xã hội' cho tỉnh Hà Giang; tổ chức các khóa chuyên đề, các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học - công nghệ, lãnh đạo quản lý và hoạch định chính sách cho đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu của tỉnh Hà Giang. Ðáng chú ý, trên cơ sở những thế mạnh của Hà Giang, ÐHQGHN triển khai phối hợp xây dựng và thực hiện chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điều tra quy hoạch, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học của ÐHQGHN lên tham gia các hội đồng khoa học đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Hà Giang tham gia nghiên cứu học tập, bồi dưỡng theo các dự án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại ÐHQGHN. Khuyến khích các nhà khoa học, các đơn vị, tổ chức khoa học thuộc ÐHQGHN lên tỉnh Hà Giang tìm hiểu và đề xuất, đăng ký tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội Hà Giang vươn lên thoát nghèo./.
(Theo: Thành Sơn/ND)