Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 23/5/2012 22:24'(GMT+7)

Mơ ước của đội ngũ giáo viên hợp đồng “trắng” ở vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Mong muốn được gắn bó với nghề mình yêu thích, được bình đẳng về quyền lợi cũng như thu nhập là một mơ ước hết sức bình dị, nhưng thực tế hiện nay nó trở nên quá xa vời đối với đội ngũ giáo viên dạy hợp đồng “trắng” của ngành Giáo dục-Đào tạo Cao Bằng. Điều đáng nói hơn là các giáo viên này lại đang dạy học ở những vùng khó khăn nhất của tỉnh.

Sở dĩ gọi họ là giáo viên hợp đồng “trắng” là bởi ngoài hợp đồng vụ việc và mức lương khoảng 1-1,2 triệu đồng/tháng họ chẳng có một chế độ gì nữa…Họ là giáo viên thuộc chính sách xét tuyển theo hồ sơ, thay vì thi tuyển như trước đây. Nếu tốt nghiệp trường sư phạm với tấm bằng “không đẹp”, tương lai những nhà giáo trẻ ấy coi như đã được định đoạt bởi “án tại hồ sơ”. Nay họ ở điểm trường này, mai ở điểm trường khác, mà phần lớn là ở những điểm trường quá khó khăn. Để hiểu rõ hơn về những giáo viên này, chúng tôi đã có mặt tại một số điểm trường của huyện Bảo Lạc.

* Những người chịu đói…"đưa đò"

Nơi chúng tôi đến đầu tiên là điểm trường tiểu học Lũng Nà - một trong những điểm khó khăn nhất ở xã biên giới Thượng Hà huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Tại đây chúng tôi gặp thầy giáo Tô Ngọc Khang (dân tộc Tày). Thày Khang tốt nghiệp hệ Trung cấp của Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên năm 2010 với tấm bằng loại trung bình, nhận hợp đồng ngắn hạn dạy học ở điểm trường nằm ở độ cao hơn 1.000m, quanh năm mây mù. Phòng học tạm, chơ vơ, không điện, không nước. Hàng ngày dù nắng hay mưa các thầy, cô phải vượt hàng chục con dốc đứng đi về, ngày mưa thêm việc quấn xích vào bánh xe mà leo dốc.Thầy Khang tâm sự: “Em phải đi từ 5 giờ 30 sáng, gần hai tiếng đồng hồ sau mới đến được điểm trường, nháo nhào ăn tạm gói mì rồi tranh thủ đón học sinh. Phải yêu nghề lắm em mới bám trụ như thế này để chờ cơ hội”.

Đi về như thế, mỗi tháng tiền xăng hết 700.000 đồng, góp tiền ăn trưa tại trường hết 200.000 đồng, thêm tiền điện thoại, sửa xe và tiêu vặt vãnh nữa là vừa hết khoản lương 1,2 triệu đồng. Do bố mẹ không còn nên thầy chỉ biết dựa vào người chị gái là giáo viên “xịn”. Mỗi tháng chị gái cho thầy Khang thêm một triệu đồng để sống, để khỏi phí công đèn sách và tiếp tục nuôi hy vọng vào một ngày tỉnh thay đổi cơ chế, biết đâu mình được thành giáo viên “xịn” như chị của mình.

Cô Nông Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Hà cho biết: “Thầy Khang rất hiền, chăm, năng lực cũng khá, hoàn cảnh khổ, ai cũng thương, quí nhưng… chịu”. Mỗi năm, Phòng giáo dục tuyển người theo chỉ tiêu, căn cứ vào điểm tốt nghiệp, bất phân có cống hiến hay chưa nên diện như thầy Khang có cố mấy cũng đành chịu. Ngoài Thầy Khang, Trường Tiểu học Thượng Hà còn 3 giáo viên “trắng” nữa, mà cô Hồng gọi họ là giáo viên 4 không: Không công đoàn, không bảo hiểm, không xét thi đua và không phải đóng góp gì mỗi khi có công việc.

Cô Tô Thị Cúc (dân tộc Tày) - Giáo viên mầm non ở điểm trường Cốc Thốc, xã Thượng Hà cùng cái cảnh như thầy Khang, cũng là giáo viên hợp đồng “trắng”. Cô Cúc tốt nghiệp loại khá, nhưng trường cô có đến 40% tốt nghiệp loại giỏi nên cô cũng đành… ngậm ngùi thua. Tiền vay ngân hàng để đi học đến giờ vẫn còn nợ 5 triệu đồng chưa trả được. Ngày nghỉ, cô về thị trấn phụ bác bán rau, cũng là cách đỡ tiền ăn hai ngày một tuần. Những ngày ở trường cố chi tiêu tằn tiện, miễn là không bị đến mức… hà tiện. Tiêu pha tằn tiện như cô Cúc nhưng 7 tháng làm giáo viên, bố mẹ phải cho thêm khi nhiều, khi ít, cộng lại cũng đến năm triệu đồng. Qua tìm hiểu, hầu hết giáo viên của Trường Mầm non Thượng Hà đều đánh giá: Tuy mới ra trường, đi bản xa, cô đã giữ được lớp, được các trò yêu mến.

Tiếp xúc với chúng tôi, Cúc tâm sự: “Năm tới chắc em cũng khó được vào biên chế, em đang tính chuyện học liên thông lên cao đẳng để mong sao có thêm cơ hội. Nhưng khổ nỗi gia đình em lại quá nghèo, nếu học thêm gần 2 năm nữa không biết thế nào”.

Được nhắc đến nhiều trong 93 giáo viên hợp đồng “trắng” toàn huyện là cô Bế Ích Hồng (dân tộc Nùng) giáo viên mầm non ở Trường Mầm non xã Bảo Toàn. Cô Hồng thuộc loại “làm gì cũng giỏi” như lời cô giáo Hà Thị Tuyết Mai (Hiệu trưởng nhà trường) đánh giá.

Cô Hồng tốt nghiệp cũng loại khá, qua hai năm hợp đồng “trắng”, đợt thi giáo viên giỏi cấp trường vừa qua cô xếp thứ 2/8 giáo viên giỏi. Cảnh sống của cô Hồng, giống cô Cúc, cũng luôn ở cái mức cố để không rơi vào chữ… hà tiện. Từ nơi ở đến điểm trường ở bản Khuổi Pết, cô Hồng phải qua 11km đường dốc. Chị em trong trường nhiều khi thấy xe máy cô gần hết xăng lại “mượn” rồi trả xe cho cô với bình xăng đầy, giúp nhau cũng phải lặng lẽ thế.

Hai năm là giáo viên dạy hợp đồng “trắng”, được bố mẹ hỗ trợ thêm hơn 20 triệu đồng, năm nay liệu đơn của Hồng có đến lượt? Mỗi năm một khó, lớp sau rút kinh nghiệm của các anh, chị mà cố lo cho “đẹp” cái bằng. Hỏi cô Hồng mơ ước gì cho ngày mai, không ngờ cô bật khóc: “Ước mơ, chúng em không dám, chỉ mong có kỳ thi tuyển để cạnh tranh lành mạnh, dẫu có trượt cũng cam lòng”.

* Đành giã từ phấn trắng bảng đen

Giữ kỷ lục bám nghề lâu nhất ở hạng mục giáo viên hợp đồng "trắng" là thầy Lương Văn Thiên. Thầy Thiên có bố cũng là giáo viên. Ông làm giáo viên ở Bảo Lạc từ những năm 80 thế kỷ trước. Năm 2004, thầy Thiên tốt nghiệp trường sư phạm, được nhận vào làm (dù chỉ là hợp đồng) cũng khiến cả nhà mừng vì đã có người nối nghiệp cha. Ngày đi nhận lớp ở bản Cốc Thốc, đến nay thầy Thiên vẫn nhớ như in: Ngày 27/9/2004. Điểm trường chỉ có 2 giáo viên, lớp học, phòng ở đều chỉ bằng vách nứa che tạm. Làm giáo viên cắm bản, cuối tuần lại đi bộ về nhà xin gạo ăn.

Chặng đường làm giáo viên 8 năm, thầy Thiên qua 7 điểm trường ở 5 xã, đều là những điểm khó khăn, đường phần lớn là đi bộ. Vậy mà năm nào thầy cũng cố chờ, cố hy vọng. Năm 2009, bố thầy Thiên ốm nặng, kinh tế gia đình ngày một kiệt quệ, còn thầy thấm thoắt cũng đã "tam thập". Giữa năm 2011, thầy Thiên quyết định nghỉ dạy để làm kinh tế giúp gia đình và chăm sóc cha già đau ốm.

Nhưng khổ nỗi 8 năm bôn ba khắp núi rừng dạy học làm cho thầy quá quen với phấn trắng, bảng đen và những trang giáo án, về nhà làm nương, làm rẫy cứ thấy ngường ngượng cái tay. Và tội nhất là những đêm ngủ mơ thấy mình đang soạn bài, choàng dậy, ngồi đến sáng và thấy nhớ đồng nghiệp, nhớ lớp, nhớ học trò vô cùng... Trò chuyện với chúng tôi, anh chỉ mong cái nghiệp đưa đò "bớt ám ảnh để yên thân lấy vợ, làm ruộng".

Tương tự như thầy Thiên, Phùng Văn Khình, sinh năm 1985 là con út của gia đình người Nùng có 5 người con ở bản Cốc Thốc, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh chị của Khình không được đi học. Đến Khình thì nhà đã khá hơn, lớp học cắm bản lại mở ngay giáp nhà. Cứ rảnh một chút là cậu bé Khình lại sang lớp, lén nhìn qua vách nứa của cái lớp tạm ấy.

Rồi Khình được đi học, thầy giáo bảo cố học thì sau cũng được làm thầy giáo. Cậu bé nghèo học một lèo hết tiểu học, rồi cơm đùm, cơm nắm về xã học THCS. Ngày Khình được vào THPT, học tận huyện, cả nhà mừng, bố mẹ nở mặt với mọi người. Khình là người đầu tiên của bản học hết lớp 12, các anh chị dạy con: "Cố học để giống như chú Khình". Khình được tuyển đi học sư phạm, nhận giấy báo nhập học của con, không đọc được mà ông bố cứ cầm giơ lên xem mãi. Rồi ông mổ lợn liên hoan, cả xóm vui, Cốc Thốc đã có người được làm thầy giáo.

Tốt nghiệp trường sư phạm, thầy giáo trẻ Phùng Văn Khình đã thực hiện được ước mơ từ tấm bé. Nhưng như biết bao giáo viên khác, Tấm bằng loại khá của thầy Khình không thể giúp thầy được tuyển dụng vào biên chế, đành chấp nhận với phận giáo viên “4 trắng”. Trường tận xã Khánh Xuân, cách nhà 60km đường núi. Mỗi tuần về nhà, thầy vẫn phải xin bố mẹ thêm 200-300 nghìn đồng để nuôi cái nghề làm thầy. 

Đến một ngày bố Khình ngã bệnh và mất, mẹ yếu. Mất mấy đêm thức trắng, cuối cùng người thầy đầu tiên của bản Cốc Thốc quyết định chia tay với nghề giáo để về làm ruộng, thực hiện đạo hiếu với mẹ già.

Giờ chúng tôi gặp thầy Khình ở Cốc Thốc với cương vị mới là Bí thư chi bộ thôn. Hỏi anh có bao giờ nghĩ đến việc quay lại làm nghề, mắt anh nhìn lên trần nhà, đỏ hoe rồi nói: "Muốn cũng đâu có được, khó như bắc thang lên trời".
Đem những tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên “4 trắng” đến gặp bà Nông Thị Loan - Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Lạc, bà Loan thẳng thắn trao đổi với chúng tôi: “Rất nhiều người trong số giáo viên “trắng” này có trình độ chuyên môn rất tốt, thậm chí tốt hơn cả một số giáo viên mới được tuyển vào biên chế… Nhưng do cơ chế tuyển dụng của tỉnh là chỉ xét tuyển qua điểm tại hồ sơ nên họ khó có cơ hội trúng tuyển. Theo tôi, tỉnh nên chuyển sang cơ chế thi tuyển thì tốt hơn”.

Chỉ riêng huyện Bảo Lạc mà đã có tới 93 giáo viên hợp đồng "trắng", nếu tính cả tỉnh Cao Bằng phải có đến mấy trăm trường hợp như vậy. Và giấc mơ được đứng trong đội ngũ giáo viên chính không biết bao giờ mới thành hiện thực. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc thay đổi cơ chế tuyển chọn của tỉnh Cao Bằng./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất