Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 23/2/2013 16:14'(GMT+7)

"Mơ ước nhỏ nhoi" của học sinh vùng cao Minh Tân



Thầy giáo Bế Trọng Tuyến, Hiệu trưởng trường tiểu học B Minh Tân cho biết: "Mùa hè còn đỡ, chứ những ngày mùa đông giá rét ở vùng cao núi đá này, chúng tôi chỉ mong sao các em học sinh có đủ áo ấm để mặc và được học trong ngôi trường được xây dựng kiên cố. Nhưng điều đó gần chục năm rồi nhưng vẫn chưa thành hiện thực."

Khó khăn là vậy nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn miệt mài bám trụ vì sự học của con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Tân Sơn là một thôn vùng cao của xã Minh Tân, đường sá đi lại rất khó khăn. Số hộ đói nghèo trong thôn chiếm tới trên 60%. Hiện, trường tiểu học B Minh Tân có 265 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 (chủ yếu là con em đồng bào trong thôn Tân Sơn) và 30 cán bộ, giáo viên. Với số lượng học sinh như vậy nhưng nhiều năm qua, thầy cô giáo và các em học sinh ở đây vẫn phải dạy và học trong 2 ngôi nhà tạm, được ngăn thành 4 phòng học. Các phòng học được đóng tạm bợ bằng gỗ ghép, xung quanh trống hoác. Mỗi lớp học cũng chỉ có vài bộ bàn ghế gỗ khập khiễng để các em ngồi học. Vào mùa đông lạnh lẽo rét mướt.

Không chỉ phải dạy và học trong 2 gian nhà tạm mà nhà hiệu bộ, hội trường, nhà làm việc của giáo viên và các phòng chức năng đều không có. Ban Giám hiệu nhà trường phải mượn tạm nhà văn hóa của thôn Tân Sơn để làm việc. Các trang thiết bị như bàn ghế, đồ dùng để phục vụ cho công tác cũng thiếu. Các thầy cô giáo đành phải tự bỏ tiền ra mua sắm trang thiết bị để phục vụ làm việc. Ngày nào thôn có buổi họp thì hôm đó các thầy cô giáo lại phải lên lớp học "trú chân".

Lớp học, nhà làm việc tạm bợ, trang thiết bị, đồ dùng dạy học thì không được trang bị. Nhà lưu trú cho các thầy cô giáo và học sinh cũng không có. Các thầy cô giáo ở trường phải đi ra cách xa 5-6 km đến trung tâm xã Minh Tân thuê trọ hoặc ở nhờ nhà dân.

Thầy giáo Bế Trọng Tuyến, Hiệu trưởng trường Tiểu học B Minh Tân cho biết thêm: Đã rất nhiều lần trường lên huyện để xin kinh phí tu sửa, nâng cấp. Sau đó cũng đã có nhiều đoàn về trường đo đạc, khảo sát tưởng sắp được xây dựng đến nơi. Song gần 10 năm qua mọi chuyện đâu lại vào đấy, vì lãnh đạo huyện Vị Xuyên bảo chưa có nguồn kinh phí.

Bà Lê Thị Tuyết Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Xuyên cho biết: Vẫn biết trường Tiểu học B Minh Tân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm qua vì không có nguồn kinh phí nên chúng tôi đành phải động viên các thầy cô giáo và các em học sinh ở đây chịu khó khắc phục khó khăn. Được biết, trong tổng số 82 trường từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của huyện Vị Xuyên, hiện chỉ còn duy nhất trường tiểu học B Minh Tân là như vậy.

Tháng 2/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ công nhận xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; trước đó năm 1999 Hà Giang được công nhận xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học.

Sau 11 năm nỗ lực phấn đấu đến nay tỉnh Hà Giang đã được Bộ Giáo dục công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I. Từ thành tích này có thể nhận thấy cơ sở vật chất trường, lớp học trong toàn tỉnh không ngừng được nâng lên. Thế nhưng, chỉ cách trung tâm thành phố Hà Giang trên 30 km, cách trung tâm huyện Vị Xuyên gần 60 km vẫn còn một ngôi trường tiểu học với phòng học tạm bợ, trang thiết bị thiếu thốn trầm trọng. Mong rằng, các ngành chức năng tỉnh Hà Giang, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên quan tâm hơn để các thầy cô giáo và học sinh trường Tiểu học B Minh Tân sớm có một ngôi trường mới, góp phần đảm bảo chất lượng dạy và học./.

Minh Tâm (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất