Thứ Năm, 7/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 14/6/2018 8:57'(GMT+7)

Một cách nhìn khác về chiến tranh trong trường ca và thơ Việt Nam hiện đại

Ký ức chiến trường xưa. Tranh: Nguyễn Hoàng Khai. (Hình minh họa)

1. Giai đoạn ba mươi năm chiến tranh cách mạng 1945 - 1975, thơ viết về cuộc kháng chiến của dân tộc là tiếng hát tự hào của cái “ta” nhân danh dân tộc, nhân danh chính nghĩa. Thơ viết về chiến tranh giai đoạn này là một “dàn đồng ca” với âm hưởng chủ đạo là cảm hứng sử thi. Thơ đã trở thành vũ khí chiến đấu, cất lên thành lời kêu gọi, thành khẩu hiệu, mệnh lệnh tiến công. Chúng ta thường thấy hình ảnh của những con người xả thân để bảo vệ Tổ quốc. Người lính lên đường với khát vọng chiến đấu và chiến thắng. Cuộc chiến tranh càng lan rộng và quyết liệt thì thơ càng bám sát đời sống, mở ra khả năng chiếm lĩnh thực tại phong phú, đa dạng của hiện thực chiến tranh. Các nhà thơ đã mang đến cho thơ giọng điệu đầy nhiệt huyết của một thế hệ sẵn sàng gánh vác sứ mệnh lịch sử theo tiếng gọi của Tổ quốc: Ơi tuổi thanh xuân/ Mang bốn ngàn năm lịch sử trong tim/ Ta sung sướng được làm người con đất nước/ Ta băng tới trước quân thù như triều như thác/ Ta làm bão làm giông/ Ta lay trời chuyển đất/ Ta trút hờn căm đã làm nên những vinh quang bất diệt/ Sức mạnh bốn ngàn năm đã biến thành bão lửa ngút trời ("Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi" - Nam Hà).

Thơ chống Mĩ có dáng dấp một dàn đồng ca, một dàn hợp xướng lớn bởi nó được sinh thành trong một bối cảnh tinh thần đặc biệt của “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên), và khi nhà thơ “tự hát” thì cũng ý thức được: Nhưng giọng anh đơn lẻ/ Sánh sao bằng đồng ca ("Nhớ đồng ca, hát đồng ca" - Phạm Tiến Duật). Chính vì thế, thơ trong thời kì chiến tranh chủ yếu thể hiện tinh thần lạc quan, nén lại những nỗi niềm riêng tư, nhằm vào mục đích chiến đấu chống lại kẻ thù: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay ("Đi trong rừng" - Phạm Tiến Duật). Cũng viết về cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng sau năm 1975, các nhà thơ đã hướng tới những số phận, khắc họa được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính sự tàn khốc của chiến tranh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng, cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những “nỗi buồn chiến tranh” để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực, làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hi vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận. Các nhà thơ đã dựng lên được chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng với ý thức công dân, ý thức trách nhiệm trước Tổ quốc; khẳng định và tự hào đối với những sự kiện lớn, những chiến công vĩ đại của dân tộc; hồi tưởng về sự hi sinh tột cùng đau đớn: Năm tháng chúng tôi đi cánh rừng xao xác lá/ Trước mặt đạn bom, sau lưng cũng đạn bom/ Tiểu đoàn tôi ba trăm người tất cả/ Chỉ còn năm, khi về tới Sài Gòn (Mùi nhang đêm giao thừa - Văn Lê); Nếu tất cả trở về đông đủ/ Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn ("Gửi sư đoàn cũ" - Nguyễn Đức Mậu).

Trong quá trình tiếp cận những tác phẩm văn học Việt Nam viết về chiến tranh, Gabrielle Schrader - một người Mĩ đã có nhận xét: “Về mặt lịch sử, văn học chiến tranh Việt Nam đã cung cấp cho các nhà sử học và xã hội một bức tranh sáng rõ về thực tế của cuộc chiến… Văn học Việt Nam viết về chiến tranh thực sự đã chạm đến trái tim người Mĩ”(1). Thật vậy, khác với cách viết về chiến tranh trong thời chiến, văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh đã có hướng khai thác mới mẻ hơn. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo, chiến tranh đã được nhìn nhận như một biến cố bất thường, phi nhân đạo bởi những mất mát, bi thảm trong số phận con người.

2. Chưa bao giờ nhu cầu đi tìm một tiếng nói riêng lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Thơ trước đây cũng mỗi người một vẻ, nhiều giọng điệu, nhưng đó là sự phong phú, đa dạng của một nền thơ thống nhất trên cùng một cảm hứng trữ tình công dân, còn hiện nay sự đa dạng về giọng điệu xuất phát từ nhu cầu khẳng định cá tính và nhận thức hiện thực thông qua số phận cá nhân. Tác giả của các bản trường ca về đề tài chiến tranh giữ nước hầu hết đều là những người trong cuộc, là những người lính gắn bó với chiến trường. Những gì mà họ phản ánh trong trường ca đều là những điều mắt thấy tai nghe. Họ đã từ hiện thực chiến tranh để viết về chiến tranh với biết bao cung bậc cảm xúc. Trong thời chiến các nhà thơ phần lớn thường có tâm thế hướng ngoại khi nói về nhân dân, đất nước cùng với những sự kiện có tầm vóc lịch sử. Trữ tình cá nhân đã nhường chỗ cho trữ tình công dân nên tác phẩm trường ca thường mang dáng vóc và âm hưởng sử thi. Thời kì hậu chiến, hiện thực chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của những nhà thơ mặc áo lính, nhưng giờ đây khi đã có độ lùi của thời gian, bối cảnh xã hội và tâm thế sáng tạo đã cho người viết được khai thác và thể hiện đến tận cùng mọi cảnh huống ngặt nghèo, bi đát nhất của chiến tranh. Chiến tranh được tái hiện trong dòng hồi ức kỉ niệm của ý thức và cả phần vô thức. Giọng điệu một số bản trường ca có khuynh hướng thiên về chất trữ tình triết lí, chiêm nghiệm. Cốt truyện như trong trường ca truyền thống không còn là điều quan trọng, nhưng bao giờ yếu tố tự sự cũng có vai trò nổi bật. Chủ thể sáng tạo không chỉ đóng vai trò là người thư kí trung thành của thời đại mà còn là người phát ngôn của cộng đồng thông qua tiếng nói cá nhân. Về điều này nhà thơ Thanh Thảo đã viết: “Ai sẽ nói thay họ trong khoảnh khắc, trong sự mong manh… nếu không phải là nhà thơ. Nâng cây đàn lyre của vô thức tập thể, nhà thơ hiện đại có thể sững sờ khi những dòng thơ của mình bỗng trào lên nhiều giọng điệu, nhiều tiếng nói, và tự nhiên nó có hình thức của một phức hợp nghệ thuật”(2). Nhìn chiến tranh từ góc độ cá nhân, các tác phẩm viết về đề tài này không chỉ “làm sáng rõ những cội nguồn sâu xa nhất đã làm nên sức mạnh thúc đẩy cuộc chiến đấu trường kì của nhân dân ta tới chiến thắng” (Thiếu Mai) mà còn nêu được những tổn thất, mất mát của dân tộc mà trước đây văn học chưa có điều kiện phản ánh. Khảo sát qua một số tác phẩm có thể thấy rõ hơn những đặc điểm này. Trong trường ca "Gọi nhau qua vách núi" của Thi Hoàng số lượng các phần, các trang viết về chiến tranh không nhiều nhưng khá ấn tượng. Phần thứ nhất Hoa với chuyện của ba người và chuyện của nhiều người là phần có nhiều sáng tạo. Ba chữ cái A.B.C đã được tác giả sử dụng cho ý đồ nghệ thuật của mình rất hiệu quả. Có khi đó là hình ảnh cụ thể của người lính thời chống Mĩ: Có một đám tang chỉ có ba người/ Kể cả người đã chết/ Trong góc rừng miền tây xa tít tắp/ Nước trong lòng suối lặng lờ trôi/ Chiều lạnh và trong như ngàn vạn mảnh thuỷ tinh tan vỡ/ Những giọt nước mắt khô long lanh sắc cứa/ A và B khóc C trong một tổ ba người. Có khi đó là biểu tượng mang tính ước lệ, là anh, là tôi, là những người còn sống hoặc đã khuất: A.B.C thành một cánh rừng rồi/ Cánh rừng yêu thương lá tìm lá đan cài vấn vít/ - A là anh tôi như thể là B/ Mình thực có hay là không có thực/ Mình đang sống hay là mình đã chết/ Chết rồi hay vẫn sống như ta?

Ở phần chín - phần cuối cùng của trường ca, lại được đặt tên A.B.C (hay là tiếng gọi). Ở đây A.B.C không còn là những mẫu tự vô tri trong hàng chữ cái mà đã được hoá thân trong nhiều dạng thức mới. Chiến tranh được soi chiếu bằng một cái nhìn sắc lạnh, tỉnh táo của người trong cuộc nhưng đã có một khoảng cách thời gian sống trong hoà bình. Những gian khổ, mất mát của chiến tranh được hồi tưởng: Chúng tôi đi qua/ Đi qua/ Nỗi sợ hãi để lại sau lưng một khoảng tối om/ Sự gian khổ ấn xuống hai vai bằng đôi tay một gã khổng lồ/ Niềm thương mẹ nhớ em cũng có lúc hoá thành dao sắc/ Cắt vào thịt da/ Dãy Trường Sơn rùng rùng sốt rét/ Những viên bi của bom bi đỏ máu đồng đội lăn qua ngực mình/ Mắt mờ đục đói ăn tóc khô xác tưởng chừng bẻ gãy/ Đường độc đạo một đi không trở lại. Và số phận cá nhân trong cuộc chiến tàn khốc này mang một vẻ đẹp đầy bi tráng: Tôi hai mươi như nước lũ/ Bom đạn nổ tung con đập, nước tràn bờ/ Tôi - Giản ước đến tận cùng để còn lại chính tôi/ Tôi nổ súng!/ Tôi là hạt cứng đanh chưa nảy lá/ Chiến tranh dẫm lên trầy vỏ đã bao lần.

Cũng giống như "Gọi nhau qua vách núi", trường ca "Ngày đang mở sáng" của Trần Anh Thái được kết cấu theo mạch tư tưởng - cảm xúc. Toàn bộ tác phẩm là một dòng tâm trạng gắn với các tình huống, các sự kiện và các mối quan hệ tình cảm. Nhân vật trữ tình đóng vai trò chủ đạo trong tác phẩm chính là cái tôi của nhà thơ. Ở đây cảm xúc trữ tình đã được kết hợp với năng lực tích tụ những trải nghiệm cá nhân của một người lính từng tham gia chiến trận. Hiện tại và quá khứ đan xen nhau từ trong đáy sâu của tiềm thức như một niềm ám ảnh không dứt. Trường ca gồm có 11 khúc, mỗi khúc lại có nhiều đoạn khác nhau. Mỗi khúc của trường ca có cấu tạo độc lập, mối liên hệ giữa các phần khá “lỏng”, có thể thay đổi vị trí cho nhau cũng không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tác phẩm. Nhà thơ tham gia, tác động vào kết cấu bản trường ca với tư cách là nhân vật tâm trạng. Do đó cái tôi của nhà thơ luôn đứng ở bình diện thứ nhất để tạo ra không khí cho toàn bộ tác phẩm. Nó xuất hiện từ Khúc I trong tâm thế: Tôi hào phóng tung những con thuyền cất giấu trong mơ/ Bay mãi mãi về phía mặt trời bí ẩn. Cho đến khúc cuối cùng: Tôi qua những cánh rừng núi đồi/ tới bờ biển và sa mạc lạ/ Những dấu chân bất an/ Kí ức sáng trên vầng trán người đạo sĩ già/ ẩn cư miền cao Yên Tử/ Chòm râu phơ phất ưu tư/ Đêm đêm giấc mơ trở về/ Người đạo sĩ chống cây gậy trúc chỉ tay về phía biển Đông/ Mặt trời đang mở sáng… Có thể thấy ở đây “cơ chế giấc mơ” đã hoàn toàn ngự trị tư duy hướng nội và mạch cảm xúc của nhà thơ.

 Về phương thức biểu hiện của trường ca, chúng ta thường thấy có sự kết hợp giữa trữ tình và tự sự. Trữ tình thường bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của chủ thể sáng tạo; tự sự phản ánh khách thể, tạo nên mọi dáng vẻ, đường nét của hiện thực. Ở trường ca "Ngày đang mở sáng" cảm xúc trữ tình của nhân vật tôi có phần nổi trội, lấn át việc miêu tả hiện thực. Hay nói một cách chính xác hơn là hiện thực đã được soi chiếu và dẫn dắt bởi mạch cảm xúc của nhà thơ. Cũng có thể xem đây là một sự “phá vỡ” về mặt thể loại. Chiến tranh luôn đè nặng trong tâm thức của mỗi người lính đã từng tham gia cuộc chiến. Khúc V của bản trường ca là một hồi ức rách xé, đau đớn về chiến tranh và sự thật bi thảm này đâu dễ được tái hiện khi chiến tranh đang tiếp diễn: Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước/ Kéo hoàng hôn rã rời/ Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc/ Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau. Chiến tranh được nhìn bằng cái nhìn khác, chân thực và xót đau, chạm đến những rung động của cuộc sống con người đời thường, thế sự.

Bước ra từ cuộc chiến tàn khốc, khác với mọi người, người lính vừa phải sống cùng thực tại vừa phải sống cùng kí ức, phải chịu đựng nỗi đau mất đồng đội hoặc chứng kiến nỗi đau của người thân đồng đội. Những câu thơ văn xuôi trùng trùng, lớp lớp, day dứt khắc khoải là nơi để họ gửi gắm tâm tư:

Bạc mắt mùa màng, cát trắng lăm dăm mặt, bầu trời khoanh một vòng tròn trắng. Những hạt mầm nhao lên cơn khát.
Người ủ giấc mơ vào đêm che chở, ý nghĩ ngược xuôi con đường. Trăng cuối tháng mơ hồ rớt ngoài cửa sổ, bản đồng ca ran vang màn sương mờ đục cõi sinh.
Đâu đó dậy bước đoàn quân. Lá rừng xào xạc rẽ đường qua gai bụi. Tiếng ai ấm áp xa xôi ngày gặp mặt. Những gương mặt xa dần, tiếng đạn bom chìm khuất. Bia mộ viết vu vơ không tên đất tên người. Sông Vệ buồn bã chảy bên đồi Đình Cương, vết thương rỉ máu luênh loang gọi rừng xưa run rẩy tím màu hoa.

("Ngày đang mở sáng" - Trần Anh Thái)

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt vẫn luôn hiện hữu trong dòng suy nghĩ, trong cơn mơ, lẩn quất trong mỗi không gian sống của cuộc sống người lính thời hậu chiến. Nó trở thành nỗi ám ảnh, thành những mảng kí ức, hằn in khắp nơi trên quê hương. Với những người lính trở về từ cuộc chiến, hiện tại và quá khứ cứ đan xen, lẫn lộn và luôn lẩn khuất đâu đó.

Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng nó chưa thể phai nhòa trong kí ức vì đâu đó vẫn còn hình ảnh của chiến tranh. Nó hiện lên trong giấc mơ của người lính, trong nỗi đau mất mát của người mẹ, trong ánh mắt sợ hãi của người em, trong nỗi cô đơn của người góa phụ và trong cảnh côi cút của những đứa trẻ mồ côi.

Bừng thức đàn chim vút ngang mái nhà tranh mỏng mảnh. Cây vú sữa trái mùa rụng lá tím bầm mặt đất. Những ngọn cỏ thiếu nguồn sinh úa ngọn xanh xao. Sông Vệ kiệt dòng nhằng nhẵng bờ tre ngã bóng. Ngày tháng loanh quanh ô đất mảnh vườn.
Đêm toan tính không đâu ngày trĩu nặng. Nước mắt chảy ròng trên má con thơ.
Chị mỗi ngày bước mỏi, bàn chân heo hắt cánh đồng.
Mặt người gập đất.


Dường như dấu ấn chiến tranh vẫn còn hằn rất rõ trên số phận của những người lính và người thân của họ. Những người phụ nữ vừa phải vật lộn với cuộc sống khó khăn thời hậu chiến vừa phải chịu đựng nỗi đau, nỗi cô đơn. Bằng những câu thơ đầy day dứt, cảm xúc tuôn trào, nhà thơ đã lột tả rất rõ nỗi buồn chiến tranh trong thời hậu chiến. Những kỉ niệm của một thời anh hùng mà bi tráng đã trở thành một phần máu thịt của người lính. Dù “ngày đang mở sáng” nhưng những mảng tối của chiến tranh vẫn đâu đây. Và điều đó tạo nên sức mạnh để những người lính bước tiếp vào ngày mai bằng bản lĩnh, niềm kiêu hãnh và cả sức mạnh của nỗi đau.

3. Chiến tranh đã đi qua, nhưng nó chưa bao giờ trở thành quá khứ trong cuộc đời của những người lính đã từng tham gia trận mạc. Những hồi ức đau thương, những thực tế dữ dội của chiến tranh luôn ám ảnh họ. Bài thơ "Cánh rừng nhiều đom đóm bay" của Nguyễn Đức Mậu đã miêu tả cái tâm thế đó bằng những hình ảnh rất cụ thể. Không gian của bài thơ là một góc rừng Trường Sơn thời chiến tranh chống Mĩ, thời gian trải dài trong một ngày đêm, nhân vật chính là người lính trong một đơn vị đang hành quân qua khu rừng... Tất cả những cảnh huống đó đòi hỏi một hình thức thể hiện thích hợp, lạnh lùng, dữ dội nhưng quặn thắt đớn đau: Chiến tranh lùi xa, con đường mòn Trường Sơn bao giờ tôi trở lại? Đâu cái giếng nước hoà máu người tôi uống trong cơn khát, gốc cây rào rào bầy mối đục mòn đêm. Đâu năm ngôi mộ vô danh đắp bằng nỗi đau nước mắt. Nơi cánh rừng có nhiều đom đóm bay. Trong ngày lễ mừng chiến thắng, hàng mấy chục năm sau chiến tranh, người lính vẫn đau đáu một nỗi niềm nhớ về những đồng đội cũ đã nằm lại nơi chiến trường xưa. Những kỉ niệm ấy đã giúp cho họ sống xứng đáng với non sông đất nước hôm nay: (...) Không có ngày vui nào không đi kèm với ngày thương ngày nhớ (...) Bạn ở đâu dưới đất đen, đá đen, cây mục đen, hầm chữ A đen, trọng điểm đen, bóng cây đen trong dải rừng già Trường Sơn. Hơi ấm duy nhất của bạn trong mùa đông chỉ là đất mẹ. Hơi mát duy nhất của bạn trong mùa đông chỉ là chút gió quạt từ cánh bướm hoang. Để có ngày hôm nay, ba triệu người Việt Nam đã ngã xuống (...) Hãy về cùng tôi, một người lính bình thường như bao người lính khác… ("Đất nước" - Phạm Tiến Duật).

“Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều”, càng đi sâu vào cuộc chiến, phải chứng kiến nhiều hơn những cảnh tượng giết chóc kinh hoàng, đẫm máu, thế hệ những người lính chống Mĩ không còn đủ vô tư như thời trước" Đường ra trận mùa này đẹp lắm" (Phạm Tiến Duật). Đó là một thế hệ bầm dập bởi chiến tranh và đã mất đi những ảo tưởng ngây thơ về cuộc chiến: Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/ Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết/ Ta vượt bao đèo cao chót vót/ Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta/ Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ/ Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng ("Những bông hoa không chết" - Lưu Quang Vũ). Lưu Quang Vũ trở thành người lính ngay từ những năm đầu chống Mĩ. Chi phối thơ anh thời kì này là cái nhìn lạc quan, trong trẻo, đầy tin cậy: Ta đi giữ nước yêu thương lắm/ Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình. Nhưng chỉ vài năm sau đó, cái nhìn về chiến tranh trong thơ anh đã khác hẳn. Đấy là một cái nhìn trực diện, chân thực và đau đớn. Chiến tranh, trước hết gắn liền với chết chóc và bi kịch: Thời bạo tàn lửa cháy khắp nơi/ Những thây người gục ngã/ Những nhịp cầu sụp đổ/ Những toa tàu rỗng không ("Những bông hoa không chết"); Nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy/ Những tháng năm đã mất/ Những nhịp cầu gẫy gục/ Những toa tàu đã sụp đổ tan hoang ("Những đứa trẻ buồn"); Tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất/ Đều trôi qua trong bụi xám chiến hào (…)/ Ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh/ Với những mũi lê với phát đạn đầu tiên/ Chúng tôi đã không còn trẻ nữa ("Cơn bão"). Lưu Quang Vũ căm ghét chiến tranh bởi sự bạo tàn của nó. Chiến tranh hủy diệt những gì tốt đẹp nhất: tuổi trẻ, tình yêu, những khát vọng tuổi thơ… Nhìn vào cuộc chiến, Lưu Quang Vũ không những thương thế hệ mình phải hi sinh tuổi trẻ, mà anh còn xót thương cả những kẻ đứng bên kia chiến tuyến.

Hành trình vào chiến tranh của Lưu Quang Vũ cũng là hành trình nhận thức lại cuộc đời. Lưu Quang Vũ đã mang một cái nhìn khác và tìm một chất thơ hoàn toàn khác với giai đoạn trước của anh và khác với cả khuynh hướng chung của thế hệ thơ chống Mĩ.

Có thể nói, nhìn lại các sáng tác trường ca và thơ đương đại, tập trung vào chủ đề, cảm hứng viết về chiến tranh, chúng ta sẽ nhận ra những dịch chuyển về góc nhìn, thái độ, suy tư và cảm xúc của con người hậu chiến. Độ lùi thời gian là một nguyên do, nhưng có lẽ, sâu thẳm nhất chính là giá trị nhân văn, nhân bản của đời sống con người. Chiến tranh là đau thương, vì vậy, để hướng tới sự sống tốt đẹp hơn, việc nhìn nhận lại những biến cố ấy, soi chiếu bằng hệ giá trị nhân văn, phổ quát, thơ và trường ca Việt Nam hiện đại nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung, đã cho thấy một chặng vận động mới của đời sống, lịch sử và văn chương./.
______________________________________________

(1) Gabrielle Schrader: Văn học chiến tranh Việt Nam - một cái nhìn khái quát, http://helium.com.
(2) Thanh Thảo: Từ đêm mười chín nghĩ về anh hùng ca và trường ca, Tạp chí Thơ, số 6/2006.
 

Lưu Khánh Thơ (Văn nghệ Quân đội)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất