Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 19/3/2009 11:9'(GMT+7)

Một đồng tiết kiệm là một đồng làm ra

Do nghèo đói nên vẫn còn nhiều trẻ em  ở  Tà Rụt  bị suy dinh dưỡng. Ảnh tư liệu

Do nghèo đói nên vẫn còn nhiều trẻ em ở Tà Rụt bị suy dinh dưỡng. Ảnh tư liệu

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chị Nhung đã trao đổi cách “làm theo” của bản thân với cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước về những việc làm hiệu quả từ tiết kiệm. Chị cho biết: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ không may mất sớm khi người em út còn nằm nôi. Tôi phải giúp bố lao động, lo từng bữa ăn. Thấm thía nỗi cơ cực của cái đói, cái nghèo, nên khi được Hội phụ nữ huyện cho đi học tập các chuyên đề về Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tôi vô cùng phấn khởi, nhất là được học tập về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”.

Sau lớp học đó, chị cùng cán bộ Hội phụ nữ xã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền. Có chi hội xa 5km đường rừng, có chi hội phải qua sông, qua đò, nhưng các chị không ngại vất vả, kiên trì tuyên truyền với mong ước có nhiều phụ nữ hiểu hơn về Cuộc vận động và biết cách học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Tà Rụt 2 là thôn nghèo của xã, có gần 45% hộ nghèo, 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Nhung bày tỏ: “Qua học tập, tôi càng hiểu để thoát khỏi đói nghèo, không chỉ chăm lao động, tăng gia sản xuất, mà còn phải biết cách tiết kiệm. Một đồng tiết kiệm là một đồng làm ra. Tôi quyết tâm tiết kiệm thật tốt, để chị em khác học tập, noi theo. Vì ở thôn tôi, nhiều chị em vẫn quan niệm: Mình đã quá nghèo, có gì để mà tiết kiệm!”.

Chị Nhung đã làm một ống nứa, đều đặn bỏ vào ống 1.000 đồng/ngày. Trong nhà chỉ có một bóng đèn, nhưng chị luôn nhắc nhở thành viên trong gia đình chỉ bật đèn khi thật cần thiết, vừa tiết kiệm điện, vừa không ảnh hưởng giấc ngủ của mọi người. Hiểu được quyết tâm của chị, chồng và các con rất đồng tình, ủng hộ chị trong thực hành tiết kiệm.

Trước đây, đồng bào thôn Tà Rụt 2 không có thói quen làm chuồng nuôi gia súc gia cầm, cũng không biết tận dụng phân chuồng ủ thành phân xanh để chăm bón cây trồng. Chị Nhung tận dụng cây trên rừng quây lại làm chuồng phát triển đàn bò, dê; dùng phân chuồng, đào hố ủ với lá cây, đem bón cho vườn, rừng. Với cách làm tiết kiệm đó, gia đình chị trồng được 2 héc-ta rừng xanh tốt; trong chuồng nuôi 2 con bò, 3 con dê, một đàn gà... Từ cách làm hiệu quả đó đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định. Từ một hộ nghèo (năm 2006), nay gia đình chị đã thoát nghèo bền vững, mua được tivi, xe máy...

Kết quả đó thực sự thuyết phục chị em nghèo trong thôn làm theo. Đến nay, trong chi hội Tà Rụt 2 đã có 35 chị làm ống nứa tiết kiệm (từ 500 đồng đến 1.000 đồng/ngày); 40 chị thay đổi cách dùng điện để tiết kiệm; 10 chị tiết kiệm đất bằng cách tăng diện tích trồng rau màu; 10 chị làm hố ủ phân xanh. Vừa qua, hội viên trong chi hội đã nhất trí bổ những ống nứa tiết kiệm, gom tiền giúp 5 hội viên nghèo đang gặp khó khăn. Chị Nhung tự hào cho biết: “Nhận thức của cán bộ, hội viên trong chi hội đã thực sự chuyển biến về mọi mặt sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động. Biết sắp xếp thời gian, chi tiêu hợp lý cũng là làm theo lời Bác”.

Theo Mai Phương- QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất