Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 13/1/2012 19:23'(GMT+7)

Một góc nhìn về diện mạo sân khấu năm 2011

Cảnh trong vở Thương nhớ trầu cau của Nhà hát chèo Quân đội.

Cảnh trong vở Thương nhớ trầu cau của Nhà hát chèo Quân đội.

Xét trên bề mặt, hoạt động sân khấu năm 2011 nổi bật với năm sự kiện tiêu biểu, thu hút đông đảo giới nghệ sĩ tham gia và nhận được sự quan tâm của dư luận. Sự kiện đáng chú ý đầu tiên là Liên hoan sân khấu tuồng truyền thống lần thứ hai tại Bình Ðịnh trong tháng 4. Liên hoan cho thấy ngành tuồng đã xây dựng được một đội ngũ diễn viên trẻ vừa có thanh, vừa có sắc, tâm huyết với nghề, đủ khả năng thể hiện các vai diễn kinh điển, phần nào tiếp nối được đường nét xử lý diễn xuất của các nghệ nhân bậc thầy cũng như những đóng góp ở các nghệ sĩ tài năng của thế hệ trước truyền lại. Bên cạnh đó, cũng đặt ra một số vấn đề bức xúc như việc phục dựng các tích tuồng cổ như thế nào là thích hợp. Trung thành tuyệt đối với nguyên bản hay phải có sự cải biên, chỉnh lý. Vai trò của đạo diễn trong khi phục dựng các tác phẩm truyền thống có gì khác so với khi dàn dựng sáng tác mới. Các thành phần phụ trợ như thiết kế mỹ thuật, âm nhạc có đóng góp thế nào vào chỉnh thể chung của những vở diễn truyền thống này để vừa lột tả được tinh thần vốn có, vừa phát huy được những tìm tòi mới?

Sự kiện thứ hai là Liên hoan nghệ thuật múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất vào tháng 6-2011 tại Hải Dương. Ngay từ đầu, ban tổ chức liên hoan đã xác định rõ yêu cầu với các phường rối tham gia không nên thay đổi, cải tiến hay làm mới dẫn đến tình trạng làm biến dạng tinh thần, diện mạo của các trò diễn dân gian, mà cố gắng trung thành tối đa với nó, nhưng cũng cho phép các tiết mục mới sáng tác trình làng. Mục đích của liên hoan lần thứ nhất này không dừng lại ở tính chất gặp gỡ, giao lưu giữa các nghệ nhân mà còn là dịp để thấy được hiện trạng của múa rối dân gian, kêu gọi sự quan tâm của các cơ quan chuyên trách nhà nước và sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội.

Trong năm vừa qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã góp phần tham gia có hiệu quả vào đời sống tinh thần chung khi phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức một số cuộc liên hoan sân khấu và còn tiến hành tổ chức các sự kiện mang ý nghĩa và quy mô lớn. Ðáng chú ý là Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch) đúng vào ngày giỗ Tổ nghề được tổ chức khá trang nghiêm, vừa tươi vui, vừa đậm đà bản sắc nghệ thuật truyền thống, thu hút đông các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên. Ðây thật sự là những giờ phút cảm động của các thế hệ nghệ sĩ được hội ngộ và giao lưu, là dịp tôn vinh nghệ thuật sân khấu, tôn vinh các nghệ sĩ, để từ đó, mỗi người đều cảm thấy tự hào về nghề nghiệp, thấm thía hơn trách nhiệm của người nghệ sĩ với dân tộc, với đất nước. Hội cũng đã đứng ra tổ chức Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất, khu vực phía bắc tại Quảng Ninh vào đầu tháng 9 thành công ngoài dự kiến, đồng thời đã đặt ra những vấn đề thật sự đáng báo động về thực trạng trình diễn hài trên sân khấu nước ta hiện nay và cách tháo gỡ để có thể đóng góp hiệu quả hơn vào quá trình đi tìm một tiếng cười lành mạnh. Mặt khác, ta thấy các nghệ sĩ đành phải quay về diễn lại các tiết mục, các trích đoạn quen thuộc hay vay mượn của nước ngoài các mẫu hình, các miếng trò hài vì khan hiếm những kịch bản hài hay. Bởi thế, tiết mục được tán thưởng nhiều về nội dung vẫn là các tích trò cổ hay các tiểu phẩm phóng tác kịch nước ngoài.

Sự kiện thứ năm là Liên hoan sân khấu chèo về đề tài đương đại theo sáng kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn, có sự phối hợp chặt chẽ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu diễn ra tại Thái Bình cuối tháng 11, đầu tháng 12, đã thể hiện sự nỗ lực hết mình của các đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều tiết mục dẫu có cải tiến mới nhưng làm phai nhạt chất chèo. Ðã có nhiều làn điệu chèo cổ cố gắng mang đến sự thay đổi nhất định mà người nghe sành chèo vẫn cảm thấy có phần lạm dụng và thắc mắc phải chăng cứ nhồi nhét thật nhiều lớp có hát chèo là sẽ ra được vị chèo? Ða phần các vở diễn chỉ xoay quanh tích truyện cùng những vấn đề quen thuộc từng đặt ra ở các kỳ liên hoan, hội diễn trước. Chính vì thế, kết quả giải thưởng từ tiết mục đến nghệ sĩ vẫn gây dư luận không thật "tâm phục, khẩu phục".

Bên cạnh năm sự kiện nổi bật nêu trên, sân khấu năm 2011 ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ được phong độ vốn có. Nhưng nếu ở Hà Nội, các đoàn nghệ thuật sân khấu Nhà nước vẫn độc diễn chẳng có đối thủ cạnh tranh nên dễ rơi vào đơn điệu thì tại thành phố phương nam sôi động, thế thượng phong mấy năm qua lại thuộc về khu vực sân khấu xã hội hóa ngoài công lập, còn những đoàn nghệ thuật do Nhà nước quản lý, bao cấp chỉ cố duy trì sự tồn tại là chính. Nhìn một cách tổng quát hoạt động sân khấu, có thể thấy, khu vực sân khấu truyền thống như một nét nhấn đậm của năm qua. Ði sâu hơn, nếu chèo và cải lương đang gắng gỏi tìm cách bứt phá thì kịch nói vốn năng động lại đang tỏ ra chững lại và điều đó đáng để những người làm sân khấu phải suy nghĩ. Với vài nét về diện mạo sân khấu 2011 tuy chưa thật đầy đủ nhưng cũng là một cách cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho một năm mới 2012 có thêm những thành tựu và thành công hơn.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất