Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí lần này nhằm mục đích ca ngợi, làm nổi bật tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội ta.
Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí các nhà báo, các văn nghệ sỹ tích cực, chủ động phát hiện, cổ vũ, góp phần nhân rộng gương người tốt, việc tốt trong xã hội.
Một năm qua, cuộc vận động sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh và thành phố, các cơ quan Trung ương và quân đội tích cực hưởng ứng tham gia. Nhiều Ban, ngành, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức cho văn nghệ sĩ, nhà báo đi thực tế cơ sở, động viên anh chị em viết bài, tác phẩm. Nhiều tờ báo Đảng, Tạp chí Văn nghệ đã có chuyên trang, chuyên mục đăng tải các tác phẩm viết về chủ đề Bác Hồ và “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cho đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận được gần 1000 tác phẩm báo chí, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam đã nhận được 1250 tác phẩm văn học, nghệ thuật của các nhà báo, văn nghệ sĩ của 63 tỉnh, thành trong cả nước gửi về đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương khen thưởng. Cụ thể là:
Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các hội viên, các nhà báo tích cực tham gia cuộc vận động. Các báo Nhân Dân. QĐND, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN; các báo đảng địa phương, đài PTTH địa phương; các báo, tạp chí trung ương duy trì đều đặn chuyên mục, chuyên trang về cuộc vận động; tích cực phát hiện, nêu gương, góp phần nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong xã hội. Trong đó, có một số tác phẩm có chất lượng tốt như Tiết kiệm từ mâm cỗ của Cát Huy Quang; Đoàn công binh N13 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Phòng công tác Đảng, Báo QĐND; Cẩm Xuyên làm theo Bác Hồ từ những điều giản dị của Tiểu Phương; Đồng bào dân tộc thiểu số làm theo gương Bác của Thảo Nguyên; Những hạt gạo nghĩa tình của Quốc Trung và Thanh Phong; Người Dao bản Cuôn học tập và làm theo lời Bác của Đức Thành và Khắc Hồng... Hội đồng xét chọn của Hội nhà báo Việt Nam đã chọn ra 10 tác phẩm để gửi Ban chỉ đạo, ban tổ chức cuộc vận động Trung ương xem xét và trao tặng phẩm. Ngoài ra, để khuyến khích các nhà báo và cơ quan báo chí hăng hái tham gia Cuộc vận động, Hội Nhà báo Việt Nam còn có tặng thưởng của Hội cho 20 tác phẩm khác (13 tác phẩm báo in, 7 tác phẩm PT, TH).
Các Hội văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương đã động viên, cổ vũ hội viên tham gia cuộc vận động. Các hội trung ương đã lựa chọn được 48 tác phẩm; Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNTTW đã lựa chọn được 5 tác phẩm trong số 250 tác phẩm của hội VHNT các địa phương gửi về đề nghị Ban chỉ đạo Cuộc vận động khen thưởng.
Cùng với công tác tuyên truyền, cổ vũ, các hội Mỹ thuật Việt Nam, Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhạc sĩ Việt Nam, Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Điện ảnh Việt Nam, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam… đã tổ chức một số chuyến đi trại sáng tác thực tế, để hội viên có thêm sự rung cảm, có điều kiện sáng tác, quảng bá về cuộc vận động. Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản về chủ đề Bác Hồ gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đất nước đổi mới. Đã có một số kịch bản phim về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và sựå nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và nhân dân ta như Đêm trước rạng đông của Đoàn Hữu Nam; Nhà tiên tri của Hoàng Nhuận Cầm; Nhìn ra biển lớn của Nguyễn Thị Hồng Ngát; Hồ Chí Minh của Bạch Diệp…
Đài THVN, Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Hãng phim Hội Điện ảnh, Hãng phim Truyện Việt Nam và Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoàn thành các bộ phim tài liệu về Bác Hồ: Sức lan toả của một nhân cách, 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn từ thế kỷ XXI; Bác Hồ sự cảm hoá kỳ diệu...
Hội Nhà văn Việt Nam đã có các tác phẩm như: Cha và con của nhà văn Hồ Phương; Bác Hồ - Cây đại thọ của Đoàn Minh Tuấn; Về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh của Thành Duy; Đặc sắc văn hoá Hồ Chí Minh của Nguyễn Gia Nùng; Đọc thơ Hồ Chí Minh của Lê Xuân Đức...
Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam với các tác phẩm: Làm theo lời Bác của Nguyễn Lành; Những trái tim hồng của Trương Ánh Hồng; Tình quân dân của Nguyễn Tất Bê...
Hội Nhạc sỹ Việt Nam với các tác phẩm: Nước non - tên Người của Chu Minh; Dấu chân Người lội suối chiều mưa của Vũ Văn Viết; Bài ca từ dấu chân Người của Ngọc Thịnh; Trời hửng của Nguyễn Văn Nam...
Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam với các kịch bản: Niềm tin và ánh sáng của Hà Văn Cầu; Dấn thân tìm đường của Hoài Giao; Ngã ba nẻo đời của Ngọc Thụ; Đường phía trước của Vũ Quang Vinh...
Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam với các kịch bản: Thành phố những bài ca của Nguyễn Đức Thịnh; Thăng Long - Hồ Chí Minh của Lê Huân; Mùa xuân nhớ Bác của Tô Nguyệt Nga...
Hội Mỹ thuật Việt Nam sau 2 tháng phát động, ngày 19/5/2008 đã tổ chức thành công cuộc triển lãm tranh Cổ động về đề tài Bác Hồ gây được sự chú ý của công chúng. Đến nay, Hội có thêm các tác phẩm: Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam; bộ tranh cổ động về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tác phẩm điêu khắc Nắm cơm ông Ké của Phan Văn Thăng; Bộ tranh cổ động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Trần Mai...
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức cho hội viên đi thực tế, sưu tầm ca dao, những câu chuyện về Bác Hồ trong dân gian. Riêng Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam còn giới thiệu với công chúng các tác phẩm: Người nhà gác của Hà Thị Cẩm Anh; Tôi được gặp Bác Hồ của Kim Nhất; Bhum Adei (Quê em) của Đàng Năng Quạ, Mùa đã đi qua của Huỳnh Nguyên; Làng mình của Mã A Lềnh...
Hội Kiến trúc sư Việt Nam với các công trình: Nhà ở Miền Trung với chất liệu tre truyền thống; Nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình; Phố xóm công nhân...
Cùng với việc sáng tác, quảng bá biểu diễn tác phẩm cũng được nhiều đoàn nghệ thuật chú ý. Các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong tuyên truyền, quảng bá tác phẩm. Đó là: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Đài THVN, Đài TNVN, Đài Truyền hình TPHCM. Các đơn vị nghệ thuật có: Nhà hát Chèo Việt Nam, Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Hà Nội; NSND Trung Đức; NSUT Thanh Thanh Hiền; NSUT Nguyễn Phú Kiên; nghệ sỹ Ngọc Cao.
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động trong toàn quân, trong các đơn vị nghệ thuật nhiều hoạt động sáng tác, biểu diễn về chủ đề Bác Hồ và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều chương trình, tác phẩm được dàn dựng công phu, phục vụ nhân dân, quân đội trong dịp Tết - 2009.
Nhìn lại một năm triển khai cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có thể thấy: kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Điều quan trọng hơn là: năm tháng đã phôi pha, đất nước ta trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng tấm lòng và tình cảm của người nghệ sĩ, nhà báo vẫn tâm huyết gắn bó với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Các giá trị tư tưởng, đạo đức mới được hình thành trên nền tảng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được đơm hoa kết trái qua những nhân tố mới của cuộc sống.
Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo, quảng bá tác phẩm về chủ đề thiêng liêng, cao quý này của đội ngũ nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ. Mặt khác cũng cần phải thấy đề tài về Bác Hồ và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn luôn là một chủ đề khó. Suốt mấy chục năm qua đã có nhiều nghệ sĩ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Đỗ Nhuận, Chu Minh, Văn Cao, An Thuyên… cùng hàng trăm nhà báo, văn nghệ sĩ, ca sĩ… từng đạt những đỉnh cao sáng tạo và biểu diễn về chủ đề này.
Tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí đòi hỏi phải có sự tìm tòi sáng tạo, không chấp nhận sự lặp lại thô thiển, dễ dãi. Nhà văn Hồ Phương trong dịp gặp mặt đầu Xuân 2009 tâm sự: “Để viết được tiểu thuyết “Cha và con”, kể về cuộc đời của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và người con là Nguyễn Tất Thành, ông đã phải bỏ ra nhiều năm đi sưu tầm, nghiên cứu tư liệu. Ông về Đồng Tháp, về quê Bác và những địa danh nơi cụ Phó Bảng đã từng sống”. Còn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng (Huế) để có được Ca dao về Bác Hồ ở Bình Trị Thiên, có những tư liệu ông tích cóp từ 30 năm trước, qua bao thế hệ sinh viên đi sưu tầm, chắt lọc để có công trình. Công việc nghiên cứu khoa học, cũng như lao động nghệ thuật chân chính luôn là một việc làm cẩn trọng, công phu, trách nhiệm khoa học không bao giờ chỉ là công tác tuyên truyền, cổ động đơn giản. Thêm nữa, đối với việc sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề Bác Hồ ngoài tâm huyết của người nghệ sĩ còn xuất phát từ tình yêu trong sâu thẳm đáy lòng của người nghệ sĩ đối với Bác Hồ, có như vậy mới có được những tác phẩm hay, có giá trị lâu bền.
Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí còn tiếp tục kéo dài đến năm 2011. Các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh, thành phố, các Hội văn học, nghệ thuật, Hội Nhà báo cần tích cực, chủ động động viên, cổ vũ anh chị em văn nghệ sĩ, nhà báo tham gia. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có được các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí hay về chủ đề Bác Hồ và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật./.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Vụ trưởng Vụ Văn hóa, văn nghệ