Theo số liệu đánh giá của UNESCO, trong những năm gần đây, tuy số lượng
trẻ em thất học giảm từ 60 triệu em năm 2008 xuống 57 triệu em hiện nay, song tỷ
lệ trẻ em không được đến trường tại những khu vực xảy ra chiến sự lại có xu
hướng tăng lên.
Ngày 12/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã
công bố số liệu thống kê cho thấy có tới một nửa trong tổng số 57 triệu trẻ em
trên toàn thế giới hiện không được cắp sách tới trường, đang sinh sống tại những
quốc gia có chiến tranh hoặc xung đột vũ trang.
Theo số liệu đánh giá của UNESCO, trong những năm gần đây, tuy số lượng
trẻ em thất học giảm từ 60 triệu em năm 2008 xuống 57 triệu em hiện nay, song tỷ
lệ trẻ em không được đến trường tại những khu vực xảy ra chiến sự lại có xu
hướng tăng lên.
Thực tế trên đã chứng tỏ tính khốc liệt của chiến trường và
những tác động xấu của nó đến cuộc sống của những người dân vô tội.
Trong tổng
số 28,5 triệu trẻ em sống tại những vùng có chiến tranh không được đi học, có
tới 44% sống ở châu Phi, 19% tại khu vực Tây Nam Á và 14% ở các nước Arập.
Theo nhận xét của UNESCO, các bé gái là nhóm chịu thiệt thòi nhất tại
những quốc gia đang có chiến tranh, ngoài việc phần lớn không được đi học, rất
nhiều em còn phải lao động bắt buộc để kiếm sống, thậm chí không ít trong số đó
bị cưỡng bức tình dục, bị ép lấy chồng ngoài ý muốn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới
sức khỏe cũng như cuộc sống tinh thần.
Phát biểu nhân dịp công bố các số liệu trên, bà Irina Bocova, Tổng Giám
đốc UNESCO, kêu gọi các quốc gia xem xét nghiêm túc những tác động tiêu cực của
chiến tranh đối với giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ, vấn đề cho tới nay vẫn
chưa được quan tâm đúng mức.
Trên cơ sở đó, các chính phủ cần đưa ra những biện
pháp thiết thực để sớm chấm dứt các cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn
giáo giúp trẻ em được cắp sách đến trường và không phải chịu những tác
động tiêu cực từ chiến tranh, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng một tương lai
tốt đẹp cho thế hệ trẻ./.
(TTXVN)