(TG) - Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác phát triển nền Đông y và Hội Đông y tại Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật:
NHẬN THỨC CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VỀ VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ CỦA ĐÔNG Y TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN
Ngay sau khi Chỉ thị số 24-CT/TW được ban hành, tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu ban hành các kế hoạch, quyết định quan trọng để triển khai thực hiện. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành 02 kế hoạch, 01 quyết định; UBND tỉnh ban hành 01 chỉ thị, 01 chương trình hành động; 10 quyết định…như: Kế hoạch số 03-KH/TU triển khai quán triệt thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Chỉ thị số 24/CT-UBND, ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh Về nâng cao y đức và chất lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; Quyết định 2706/QĐ-UBND, ngày 18/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phát triển Y dược học cổ truyền và Hội Đông y tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020;…; 27/27 huyện/thị xã/thành phố ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị và các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh, nổi bật là huyện Vĩnh Lộc đã ban hành chỉ thị riêng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đông y và hoạt động của Hội Đông y(1).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền những nội dung cơ bản của Chỉ thị; phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh YHCT, kiến thức chăm sóc sức khỏe thường thức bằng YHCT. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn ứng dụng các phương pháp đơn giản của y dược cổ truyền cho Nhân dân tự phòng, tránh và chữa một số chứng, bệnh thông thường tại cộng đồng; cung cấp các tài liệu về y dược cổ truyền, giới thiệu các cây thuốc gia đình; thực hiện tuyên truyền trực tiếp đến người dân qua các buổi khám, chữa bệnh, các Chương trình tiêm chủng, uống Vitamin, phòng, chống suy dinh dưỡng; sử dụng đội ngũ y tế thôn bản phối hợp với Hội Đông y và Chi hội Đông y các xã, thị trấn trực tiếp tuyên truyền đến từng hộ gia đình về lợi ích của đông y trong phòng và điều trị bệnh. Ngoài ra, các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh đã biên tập, phát hành trên 3.000 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về khám chữa bệnh bằng YHCT, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với công tác chăm sóc sức khỏe bằng YHCT.
HỆ THỐNG KHÁM, CHỮA BỆNH BẰNG ĐÔNG Y VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐÔNG Y, ĐÔNG DƯỢC ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ KIỆN TOÀN
Với sự vào cuộc quyết liệu của tỉnh và ngành y tế, các giải pháp để phát triển công tác y dược học cổ truyền được tập trung chỉ đạo, góp phần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng điều trị bằng y học cổ truyền. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y, đông dược không ngừng được củng cố và hoàn thiện từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Sở Y tế Thanh Hóa đã bố trí cán bộ, chuyên viên phụ trách theo dõi, tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai, đôn đốc thực hiện việc quản lý, triển khai công tác y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh; 27/27 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đều bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách làm công tác quản lý, theo dõi y dược cổ truyền.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, tăng cường bổ sung nhân lực, tăng cường giường bệnh cho khoa y học cổ truyền để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Do đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh đông y và kết hợp đông y với y học hiện đại (chủ yếu là các loại bệnh mạn tính thường gặp như: đau lưng, đau khớp, thoái hóa cột sống, tai biến mạch máu não)…, tại tuyến tỉnh chiếm 4,9%, tuyến huyện chiếm 24% trên tổng số khám, chữa bệnh chung tại các bệnh viện trong tỉnh.
Hệ thống y tế công lập khám, chữa bệnh bằng đông y: Tuyến tỉnh có Bệnh viện y dược cổ truyền tỉnh với quy mô 230 giường bệnh nội trú (thực kê 311 giường); 07/13 bệnh viện có khoa YHCT gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện đa khoa khu vực thị xã Nghi Sơn.; tuyến huyện có 25/27 bệnh viện đa khoa huyện có khoa đông y (tăng 03 huyện so với năm 2008); tuyến xã có 476/559 trạm y tế xã, phường, thị trấn có vườn thuốc nam và sử dụng thuốc nam điều trị mốt số bệnh thông thường (tăng 123 xã so với năm 2008). Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân cũng được quan tâm đầu tư xây dựng và thực hiện có hiệu quả. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 01 Bệnh viện chuyên khoa tư nhân YHCT (Bệnh viện y dược Cổ truyền An Khang huyện Như Thanh).; 11 Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa YHCT; 507 cơ sở tư nhân khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền do bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền hoặc lương y là người chịu trách nhiệm chuyên môn; 25/31 phòng khám đa khoa khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có bộ phận Y học cổ truyền.
CÔNG TÁC NUÔI TRỒNG, THU HOẠCH, SỬ DỤNG DƯỢC LIỆU VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG LĨNH VỰC ĐÔNG Y TIẾP TỤC ĐƯỢC QUAN TÂM
Tỉnh Thanh Hóa có gần 1.000 loài cây dược liệu, trồng với diện tích khoảng 5.000 ha, chủ yếu được trồng tại các huyện Trung du và đồng bằng có đất bãi, đất đồi núi thấp như các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương,..., trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý (theo số liệu Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ - Viện Dược liệu Việt Nam), một số giống dược liệu được chuyển giao từ Viện Dược liệu Việt Nam về trồng như: ba kích, đinh lăng (huyện Thạch Thành); sinh địa, đinh lăng, hòe hoa (huyện Thọ Xuân); cà gai leo, xạ đen, khôi nhung (huyện Lang Chánh); ích mẫu, mã tiền (huyện Quan Sơn)….. Đặc biệt có 1 vườn bảo tồn các nguồn dược liệu quý hiếm và các cá thể loài thuốc quý hiếm theo hướng hiện đại do Công ty Ngọc Thảo Sơn kết hợp với Viện Dược liệu Bộ Y tế bảo tồn 200 loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc; khu bảo tồn Pha Phanh bảo tồn 240 cây thuộc bản địa tại huyện Quan Hóa.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác phát triển dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu, phối hợp với Hội Đông y tỉnh chỉ đạo Hội Đông y các cấp hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh… tổ chức vườn cây thuốc nam, gắn việc trồng và sử dụng thuốc nam, chăm sóc sức khỏe cộng đồng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trong những năm qua đã có 15 đề tài khoa học cấp tỉnh nghiên cứu về dược liệu như các đề tài: Xây dựng quản lý phát triển cho sản phẩm quế ngọc huyện Thường Xuân; Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cây Sachi tại Thanh Hóa; mô hình sản xuất, chế biến nấm dược liệu…. Ngoài ra, ngành Y tế đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị. Các tổ chức, cá nhân trong ngành đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cấp tỉnh có giá trị khoa học và thực tiễn cao, được ứng dụng hiệu quả vào công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Từ năm 2008 đến năm 2023, có 27 đề tài nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại (có 1 đề tài cấp tỉnh, 26 đề tài cấp cơ sở), các sản phẩm từ đề tài được ứng dụng trong khám, chữa bệnh.
Thanh Hóa có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình như: Mô hình trồng Quế, Sa nhân trên địa bàn huyện Thường Xuân; mô hình trồng Hòe hoa trên địa bàn huyện Nga Sơn, Hà Trung; mô hình trồng cây Sinh địa trên địa bàn huyện Nga Sơn. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất dược liệu với người dân như: Công ty TNHH Thương mại, du lịch Út Phương liên kết trồng cây cà gai leo, sachi, nghệ tại huyện Triệu Sơn; Công ty TNHH Tuệ Linh liên kết trồng cây giảo cổ lam tại huyện Đông Sơn; Công ty CP Dược phẩm Đỗ Phát liên kết trồng cà gai leo, đinh lăng tại thị xã Nghi Sơn; Công ty CP Nghệ Việt liên kết trồng nghệ tại huyện Thạch Thành; Công ty CP Triệu Sơn (Triso Group) liên kết trồng cây Sâm Báo tại huyện Vĩnh Lộc; Công ty Trí Việt đầu tư mở rộng diện tích trồng cây sâm Bố Chính trên địa bàn huyện Như Xuân... Ngoài ra, còn hàng chục doanh nghiệp thu mua dược liệu của người dân trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống thương lái; Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Phong Cách Mới sản xuất các sản phẩm được chế biến từ rau má gồm: Trà rau má, thạch rau má; lương y Hoàng Văn Hùng Chủ tịch Hội Đông y TP Thanh Hóa, đã có 2 sản phẩm: An Tràng Hoàn và Rượu Tỏa Dương được công nhận là sản phẩm OCOP, đánh giá 3 sao., Nguyễn Thị Lan Anh, chủ cơ sở Đông y Quang Anh, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, đã nghiên cứu bài thuốc được công nhận OCOP gồm: Ngâm chân Mộc Việt và Lá xông cảm lạnh… là những nơi nghiên cứu, đưa sản phẩm thuốc nam trở thành sản phẩm đạt chất lượng OCOP.
VAI TRÒ NÒNG CỐT HỘI ĐÔNG Y TRONG PHÁT TRIỂN NỀN ĐÔNG Y VIỆT NAM ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG
Tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức Hội Đông y các cấp. Đến nay, có 1 Hội Đông y cấp tỉnh; 24/27 Hội Đông y cấp huyện; 349/559 Hội đông y cấp xã, với 2.790 hội viên. Hầu hết các Hội Đông y từ tỉnh Hội đến cơ sở Hội có sự kết hợp chặt chẽ với y tế nhà nước trong các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, bảo vệ môi trường, kế hoạch hóa gia đình, quản lý hành nghề chuyên môn.
|
Hội Đông y tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án “Phát triển nền Đông y và Hội Đông y tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, bảo tồn các cây, vị thuốc bản địa, tích cực nuôi trồng, thu hái, phát hiện dược liệu sạch, an toàn, bảo đảm đủ dược liệu làm thuốc. Do đó, vườn thuốc của các cơ sở Hội và hội viên các cấp ước có 34.900m2, với hàng trăm loại dược liệu quý, như: Sâm Báo, Sâm Cau, Lá Khôi.... Toàn tỉnh có 87 phòng chẩn trị tại Hội Đông y xã, phường, thị trấn; 264 phòng chẩn trị tư nhân hoạt động có uy tín, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị bằng phương pháp đông y, như: Chữa bệnh xương khớp của lương y Lê Văn Thiện; chữa thoát vị đĩa đệm của lương y Quách Lê Thanh (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân); chữa bệnh về gan, mật của lương y Quách Thế Lăng (xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc)… Đến nay, có 103 bài thuốc gia truyền có giá trị do các lương y cống hiến đang được áp dụng trong khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, tỉnh Hội mở lớp bồi dưỡng chuyên môn Đông y tại văn phòng tỉnh Hội cho cán bộ, hội viên, cán bộ y tế có nhu cầu học Đông y; kết hợp với trường Bách Nghệ đào tạo nhiều lớp y sĩ y học cổ truyền; mở các lớp đào tạo cấp chứng chỉ lương y theo quy định và cập nhật kiến thức cho đội ngũ lương y trên địa bàn khi có nhu cầu. Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh là đơn vị đầu mối tuyến tỉnh đã tổ chức đào tạo liên tục về y học cổ truyền đối với nhân viên y tế đang làm y dược cổ truyền tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong thời kỳ mới, nên trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị còn chưa thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân về Pháp lệnh hành nghề y dược, vai trò của Hội Đông y cũng như phương pháp, bài thuốc điều trị bằng đông y. Đội ngũ cán bộ làm công tác y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn còn hạn chế. Vườn thuốc nam mới chỉ là vườn mẫu với một số loại thông dụng, chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu. Việc bảo tồn, nuôi trồng, khai thác, chế biến dược liệu chưa được quan tâm đúng mức.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, tỉnh Thanh Hóa xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư, các chương trình, đề án của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh; gắn kết chặt chẽ công tác phát triển Hội Đông y với công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của Tỉnh.
Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đeạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về công tác phát triển nền Đông y
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý y dược cổ truyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà Nước về y dược cổ truyền.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bổ sung nguồn nhân lực cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế về y, dược cổ truyền, đến năm 2030 đạt chỉ tiêu 400 giường bệnh. Củng cố và phát triển Khoa Y học cổ truyền trong Bệnh viện đa khoa tuyến huyện; kết hợp hiệu quả giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị. Tăng cường, củng cố và phát triển cơ sở khám, chữa bệnh của các cấp Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở theo quy định của pháp luật.
Bốn là, nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu
Xây dựng đề án bảo tồn và phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch dược liệu theo quy mô công nghiệp, gắn liền với đẩy mạng công tác quy hoạch, ưu tiên các loại câu, con chữa bệnh tốt, giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam, thuốc dân gian, thuốc gia truyền để đưa vào sản xuất với quy mô lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng trong và ngoài tỉnh; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên ngành có liên quan, các địa phương đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp, quy hoạch bảo tồn gen các cây, con làm thuốc, đặc biệt những cây, con quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về y dược cổ truyền, tập trung hợp tác trong các hoạt động, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và học tập kinh nghiệm các nước có nền y dược cổ truyền phát triển.
Nguyễn Tuyết Nhung
Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa
(1) Chỉ thị số 31-CT/HU, ngày 05/5/2014 của Ban Thường vụ huyện ủy Vĩnh Lộc về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đông y và hoạt động của Hội Đông y.