(TG)-Quán triệt nghị quyết của Đảng là một hoạt động quan trọng trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Thông qua các đợt học tập, quán triệt nghị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần biến nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống.
Bên cạnh một số địa phương, đơn vị làm tốt công tác triển khai học tập, quán triệt theo đúng hướng dẫn của cấp trên, việc học tập và quán triệt nghị quyết ở cơ sở nhìn chung chưa thật sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở đi học nghị quyết với mục đích là để hoàn thành nhiệm vụ đảng viên, chưa xác định học là để làm, học là để triển khai nhiệm vụ.
Chính vì thế, việc học nghị quyết chưa tạo được sự chuyển biến trong cán bộ, đảng viên cơ sở. Việc triển khai còn diễn ra hình thức. Trong các buổi học tập, người tham gia chỉ ngồi nghe mà không ghi chép, có người tranh thủ thời gian làm việc riêng mà không quan tâm nội dung truyền đạt của các đồng chí báo cáo viên, do đó các buổi hội nghị chỉ diễn ra một chiều.
Khi tổ chức lấy ý kiến góp ý về các chương trình hành động, kế hoạch của địa phương, đơn vị thì vẫn còn tình trạng một số cán bộ ghi vào văn bản hai chữ “đồng ý” coi như xong trách nhiệm thảo luận, góp ý của mình. Việc triển khai quán triệt nghị quyết ở địa bàn khu dân cư diễn ra hết sức khó khăn, chủ yếu là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương và lực lượng tuyên truyền viên cơ sở và việc tập hợp người dân đến nghe truyền đạt không thể đảm bảo được số lượng và thành phần đã mời.
Đã từng có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã tỏ ra hết sức tâm tư về vấn đề này: "Truyền đạt Nghị quyết ở cơ sở diễn ra hết sức khó khăn, nếu buổi triển khai trễ một chút người dân sẽ bỏ về để lo bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo viên truyền đạt chưa có sự chuẩn bị chu đáo, năng lực truyền đạt còn hạn chế, vì thế khi truyền đạt, chỉ cần đọc qua nghị quyết coi như đã triển khai xong, nhưng đó lại là cách truyền đạt được nhiều người đồng ý nhất, vì như thế buổi học có thể kết thúc sớm".
Vì vậy để việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết ở cơ sở đi vào nề nếp và đạt được kết quả như mong muốn trong thời gian tới, các cấp ủy cơ sở cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Trước tiên, phải thay đổi cách nghĩ từ các cấp ủy cơ sở, phải xác định rõ việc học tập quán triệt Nghị quyết là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong hệ thống Đảng và chính quyền đề từ đó để có hướng đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi hội nghị học tập và quán triệt nghị quyết đi vào thực chất hơn.
Thứ hai, trước khi mở hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy cơ sở phải cố gắng đảm bảo đầy đủ tài liệu cho người tham gia học tập, vì hiện nay nhiều đơn vị vẫn còn tình trạng đọc to nghe chung. Kết hợp với phương pháp nghe triển khai và tự nghiên cứu là chính. Đồng thời hội nghị phải dành thời gian để trao đổi giữa báo cáo viên và người tham gia học tập quán triệt để mang tính gợi mở, trao đổi rút kinh nghiệm.
Thứ ba, cần có lộ trình xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp mình có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng với đòi hỏi của công việc. Chú trọng việc tập huấn để nâng cao kỹ năng tuyên truyền miệng cho đội ngũ này.
Thứ tư, trong triển khai nghị quyết, các cấp ủy cơ sở cần phải mạnh dạn tập trung phần lớn thời gian cho những vấn đề liên quan sát sườn đến địa phương, đơn vị mình để từ đó triển khai có trọng tâm, tránh việc triển khai dàn trải sẽ gây buồn chán cho người nghe. Đặc biệt, trong xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp mình cần ngắn gọn, chọn những việc trọng tâm liên quan với địa phương, đơn vị mình để thực hiện tránh việc Trung ương có gì, địa phương có đó sẽ làm cho các văn bản cụ thể hóa mang tính hình thức, sao chép từ trên.
Thứ năm, trong việc triển khai quán triệt nghị quyết yếu tố góp phần không nhỏ cho thành công của buổi quát triệt là vai trò của người tham gia. Cấp ủy cơ sở phải gắn với việc liên hệ kiểm điểm 27 biểu hiệu quy thoái của cán bộ đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, trong đó có biểu hiện suy thoái lười học tập chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó chỉ rõ vai trò của cán bộ, đảng viên, quần chúng cốt cán phải xác định việc học tập nghị quyết của Đảng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mỗi người, với mục đích nhận thức đúng đắn, đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.
Việc học tập, quán triệt nghị quyết là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Nếu không được chú trọng, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả các buổi học tập thì các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước vào hiện thực cuộc sống./.
Đỗ Thu Bình
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Bình, Bình Thuận