Thứ Bảy, 19/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 8/10/2017 8:10'(GMT+7)

Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển

Đội tuần tra chung của Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Lào tại mốc quốc gia 255. (Ảnh: qdnd.vn)

Đội tuần tra chung của Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Lào tại mốc quốc gia 255. (Ảnh: qdnd.vn)

Thực hiện nghị quyết và tiếp tục phát huy thành quả của những năm trước, công tác biên giới lãnh thổ của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng đường biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó phải kể đến công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của nước ta (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Kon Tum) với 10 tỉnh của Lào (Phongsaly, Luang Prabang, Houaphanh, Borikhamxay, Khammouane, Savannakhet, Saravane, Xiengkhuang, Sekong và Attapeu). Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, từ năm 1978 đến 1987, Việt Nam và Lào đã phối hợp thực hiện, hoàn thành việc phân giới toàn bộ đường biên giới ở trên thực địa, xây dựng được tổng số 214 cột mốc tại 199 vị trí mốc. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã bộc lộ một số hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới. Xuất phát từ thực tiễn trên, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất cùng phối hợp xây dựng và bắt đầu triển khai thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào từ năm 2008.

Trên thực tế, việc triển khai công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào gặp phải không ít khó khăn. Khu vực biên giới Việt Nam-Lào có địa hình hết sức hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ bất thường, nên việc vận chuyển vật tư, vật liệu lên đường biên giới là một trở ngại lớn. Hầu hết các địa bàn triển khai công tác cắm mốc là vùng sâu, vùng xa, chưa có đường giao thông, dân cư thưa thớt, kinh tế-xã hội chậm phát triển nên rất khó huy động phương tiện, trang bị kỹ thuật và nhân công. Dọc tuyến biên giới, trong lòng đất, khe núi, đáy sông còn nhiều bom, mìn, vật cản nổ còn sót lại sau chiến tranh, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch có nhiều hoạt động chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ngăn cản việc thi công, xây dựng mốc, lực lượng thổ phỉ thường xuyên có các hành vi gây nguy hại cho công tác bảo vệ cột mốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho lực lượng cắm mốc.

Khó khăn là vậy, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của hai nước, đến nay, công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã được hoàn tất với 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí. Tại Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, tổ chức ở Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc cho biết, công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nên bộ đã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng triển khai nhiệm vụ hoàn thành tốt. Theo đó, Bộ TN&MT đã điều động 50 cán bộ kỹ thuật được lựa chọn từ các cơ quan, đơn vị, biệt phái xuống 10 đội cắm mốc của 10 tỉnh trực tiếp làm công tác kỹ thuật xác định vị trí mốc trên thực địa. Bộ TN&MT còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cắm mốc cho toàn bộ lực lượng kỹ thuật, đội trưởng, đội phó các đội cắm mốc và cán bộ các tỉnh tham gia công tác cắm mốc. Công tác tập huấn được duy trì đều đặn hằng năm nhằm rút kinh nghiệm, đồng thời bổ sung kiến thức mới cho lực lượng cắm mốc. “Các cán bộ kỹ thuật được giao nhiệm vụ này là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng được huấn luyện về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, được tập huấn thường xuyên. Chuyên viên kỹ thuật giúp việc Ban chỉ đạo là những chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong công tác biên giới. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng lực lượng kỹ thuật thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành toàn bộ công việc được giao”, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh.

Trong số 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào, Điện Biên có tổng chiều dài đường biên giới lớn thứ hai (360km) nhưng lại có nhiều cột mốc nhất. Ngoài ra, địa hình chia cắt, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại cũng khó khăn nhất trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào. Mặc dù vậy, công tác cắm mốc được triển khai đồng bộ, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, Ban chỉ đạo cắm mốc của tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với đặc điểm, trình độ dân trí vùng biên giới Việt Nam-Lào; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc, nhờ đó công tác cắm mốc luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các tỉnh thuộc phía bạn Lào có chung đường biên giới. “Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc khảo sát, tiến hành họp song phương với Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh Phongsaly và Luang Prabang. Trong các cuộc họp song phương, hai bên thỏa luận, thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết tồn tại, thống nhất cơ chế tiến hành, cơ chế bảo đảm an ninh vùng biên giới, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cắm mốc”, ông Lê Thành Đô phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.

Việc hoàn thành thắng lợi công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào có ý nghĩa hết sức thiết thực và to lớn về mọi mặt, thể hiện rõ quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào vì một đường biên giới chung giữa hai nước hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Trên thực địa, đường biên giới được thể hiện rõ ràng bằng hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bảo đảm tính trường tồn và thống nhất trên toàn tuyến. Thành quả này góp phần giải quyết triệt để các vấn đề về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu nhận biết về vị trí đường biên giới; mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, nhất là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị. Trên bình diện chính trị-pháp lý, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào là thành quả chung của nhân dân hai nước, là minh chứng thuyết phục cho việc hai bên giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ sở thương lượng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế./.

Hoàng Vũ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất