Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 20/8/2012 10:8'(GMT+7)

Một vài suy nghĩ về công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay

Để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, mỗi quốc gia, dân tộc có những truyền thuyết riêng thể hiện tư tưởng về lòng yêu nước, tính tự quyết của dân tộc mình, tạo sức đề kháng chống ngoại xâm. Việt Nam ta có dòng chủ lưu trong lịch sử văn hóa của mình từ văn hóa Văn Lang, văn hóa Đại Việt cho đến nay. Đây chính là “bộ lọc” quan trọng để gạn đục khơi trong khi tiếp nhận văn hóa bên ngoài.

Tư tưởng và đấu tranh tư tưởng là sản phẩm của lịch sử, nó như một dòng chảy từ xa xưa đến nay, bởi vì con người không bao giờ ngừng suy nghĩ, tìm tòi lối đi và lời giải đáp cho đời sống thực tại của mình. Và đương nhiên, con người ngày càng hoàn thiện hơn nhận thức của mình đối với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Do những thành tựu về khoa học, con người ngày càng thông minh hơn, tự tin hơn, được trang bị khả năng lớn hơn để tồn tại. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề mà loài người chưa giải đáp được một cách triệt để đối với chính bản thân con người (tuổi thọ, bệnh nan y,…).

Đối với những vấn đề xã hội, nhìn bao quát là sự giàu – nghèo trên thế giới, áp bức và bị áp bức, bất công và công bằng, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc, chiến tranh và hòa bình, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội có những bước tiến mới.

Thế kỷ XX đã trôi qua, nỗi đau mất mát của hai cuộc chiến tranh thế giới, của bom nguyên tử tàn sát hàng loạt người, những trận đói giết chết hàng triệu, chục triệu con người vẫn chưa nguôi. Đồng thời, thế kỷ đó để lại dấu ấn về sự thăng hoa lý tưởng tiến đến một xã hội công bằng, bình đẳng, nhân đạo qua Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Nhưng cũng trong phạm vi này, thế kỷ XX không khỏi buồn rầu trước sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu gây tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Ngay cả đương kim Tổng thống Nga Putin cũng đã từng nói lên suy nghĩ sâu lắng: “Nếu ai không tỏ ra thương tiếc đối với sự đổ vỡ của Liên bang Xô Viết thì người đó không có trái tim. Nhưng nếu ai còn mơ tưởng nó trở lại như cũ thì người đó không có khối óc”. Muốn hay không, thế kỷ XX cũng để lại nhiều bài toán lớn cho thế kỷ XXI phải giải đáp. Đến lượt mình, thế kỷ XXI cũng phải tiếp tục trả lời cho những câu hỏi do chính thế kỷ này đặt ra. Đây chính là những vấn đề cho công tác tư tưởng, nếu không theo kịp diễn biến của khách quan thì nó sẽ rơi vào yếm thế hoặc một thứ thuốc an thần.

Công tác tư tưởng có sức mạnh riêng của nó, trong cuộc đấu tranh giai cấp, vai trò của nó rất lớn. C.Mác đã từng chỉ rõ: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó xâm nhập vào quần chúng” (1). Thực ra, công tác tư tưởng không phải là chiếc đũa thần, muốn đổi màu hoặc thay đổi hình thù của thực tiễn là được. Công tác tư tưởng có thể nâng mặt tốt, mặt thiện, mặt đẹp lên vị trí chủ đạo- giữ vai trò chi phối. Muốn thế, tư tưởng phải hóa thân, đủ độ rung cảm để chuyển hóa cái xấu nhiều thành xấu ít và cao hơn là cái tốt.

Bối cảnh quốc tế hiện nay có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Thắng lợi của xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ hợp tác và phát triển sẽ tạo niềm tin cho nhân dân ta. Đồng thời, những bất ổn do chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp… gây nên tâm trạng lo lắng trong nhân dân. Các khuynh hướng tư tưởng lý luận, chính trị thế giới cả tiến bộ và phản động tiếp tục đấu tranh gay gắt sẽ tác động đến sự ổn định của các quốc gia, dân tộc. Cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, nhất là công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong xã hội hiện đại ngày càng xâm nhập mạnh, khó kiểm soát, làm ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, lối sống của con người, đặc biệt là lớp trẻ.

Trong nước, toàn Đảng, toàn dân ta đang phấn đấu hoàn thành những mục tiêu lớn, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Một đặc trưng lớn của thời kỳ chúng ta đang sống là Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền, cầm quyền trên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, cầm quyền để bảo vệ, củng cố nền độc lập đó, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu. Trong nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tư tưởng là của toàn Đảng, của người đứng đầu cấp ủy, không thể khoán trắng công tác tư tưởng cho người làm tuyên giáo.

Nhìn một cách khách quan, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ta lớn hơn nhiều so với trước. Đó là thuận lợi cơ bản của công tác tư tưởng. Đồng thời, công tác tư tưởng cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới gay gắt. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, phân hóa tư tưởng. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí chưa được khắc phục. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho lòng dân không yên. Hiện tượng xuống cấp về đạo đức xã hội, nhất là đối với lớp trẻ đang thực sự là một vấn đề lo ngại cho trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ. Những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng XHCN, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp trong nội bộ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là những vấn đề mà công tác tư tưởng không thể không lưu tâm.

Mỗi giai đoạn cách mạng có những nhiệm vụ chính trị khác nhau, do đó công tác tư tưởng có những mục tiêu khác nhau, nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ từng thời kỳ. Cái khó của người làm công tác tư tưởng là làm thế nào để dẫn dụ lòng người từ hiểu chưa đúng đến hiểu đúng, từ chưa tin yêu đến tin. Điều đó thật không dễ dàng. Ngày xưa các cụ truyền dạy, muốn lập nghiệp trước hết phải lập thân và lập ngôn. Nếu coi tuyên giáo là một nghề thì có hai việc khó khăn nhất trong nghề này, đó là nói và viết. Nói và viết sai sẽ mang họa. Cụ Lê Quý Đôn từng khuyên bảo: “Bệnh từ miệng ăn vào, họa từ miệng nói ra”. Lập ngôn là truyền bá tư tưởng của mình. Ngày nay, Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, thì việc truyền bá ở đây không còn của riêng ai, mà trở thành sự nghiệp chung của những người làm công tác tư tưởng của Đảng. Việc truyền bá bây giờ có cả một hệ thống binh chủng công tác tư tưởng, bao gồm các cơ quan chuyên trách công tác tuyên giáo, các cơ quan văn học, nghệ thuật, xuất bản, các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống các trường khoa học xã hội …

Trong ngành Tuyên giáo, người làm nghề “thuyết khách” giống như “đầu bếp cho nhiều người ăn”, làm sao cho hợp khẩu vị được tất cả, nên sự khen, chê sau một buổi thuyết trình là bình thường, dễ hiểu. Có điều, biết sử dụng gia vị hợp lý, biết nhu cầu của người thưởng thức để đáp ứng số đông là một việc phải phấn đấu. Mặt khác, hiện nay nhiều lượng thông tin không còn là "độc quyền" của người làm công tác tuyên giáo như trước đây, nên đòi hỏi phải có sự dày công nghiên cứu, chuẩn bị của người làm công tác tư tưởng. Dù hoàn cảnh nào thì yêu cầu nhất quán trong công tác tư tưởng vẫn là tính chiến đấu và tính thuyết phục. Không ai dám có quyền vỗ ngực cho mình quyền thuyết giáo, còn "tín đồ" đông đảo có bổn phận nghe. Thời đại này nghe và nhìn phải theo mẫu. Chúng ta có mẫu của Bác Hồ, có mẫu của biết bao chiến sĩ trung kiên, của biết bao nhiêu Bà mẹ anh hùng… Thực ra, thời nào, lúc nào cũng có những tấm gương tốt. Bác Hồ đã chỉ rõ: "Một tấm gương sống còn hơn cả một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều quan trọng là tìm và xác định mẫu đúng nghĩa của nó, không nên tạo ra sự phản cảm.

Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, chúng ta tự hào về những thành tựu mà các thế hệ nối tiếp nhau đã tạo dựng nên. Chúng ta biết ơn các thế hệ đi trước để lại những bài học quý báu. Chúng ta mong muốn cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho lĩnh vực thiết yếu, nhưng đầy khó khăn và phức tạp này bằng cả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cũng như chính sách, chế độ đối với họ. Chúng ta mong muốn những người có chức, có quyền phải là những người làm công tác tư tưởng số một với cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm, công minh, trung thực, yêu cái thiện đến cùng. Lòng dân là bài học chung cho tất cả các lĩnh vực, nhưng nó xuyên suốt trong công tác tư tưởng, nhất là ngày nay, trình độ dân trí được nâng lên, nhân dân rất tinh tường trong phân biệt đúng – sai, nhân dân mới là người bảo vệ và tạo điều kiện cho Đảng ta tồn tại và phát triển./.

Khuất Minh Phương
----------------------

(1) C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1994, t.1, tr.580.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất