Chủ Nhật, 22/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 30/10/2014 10:28'(GMT+7)

Thống nhất một chương trình giáo dục nhưng linh hoạt và mềm dẻo

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi.

- Báo cáo thẩm tra Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban tại Quốc hội có đoạn "chương trình giáo dục hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh". Cơ sở nào để Ủy ban có kết luận như vậy?

- Việc giám sát giáo dục được Ủy ban Văn hóa Giáo dục thực hiện năm 2013. Các thành viên trực tiếp khảo sát ở các địa phương gồm 8 tỉnh, thành phố. Phía Bắc có Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hà Nội. Phía Nam có TP HCM, Tiền Giang, Gia Lai, Đồng Tháp.

Thường đến mỗi địa phương, trước khi làm việc với UBND tỉnh, chúng tôi làm việc với các Sở Giáo dục, trực tiếp đến các trường ở các cấp và loại hình giáo dục khác nhau. Ở những địa phương như Gia Lai, Lạng Sơn, chúng tôi đến cả trường nội trú, bán trú. 

Trên cơ sở khảo sát trực tiếp như vậy, kết hợp với báo cáo giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, Ủy ban đã tổng hợp và được kết quả là chương trình giáo dục hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh. Đánh giá này phản ánh tương đối đúng cho đa số cơ sở giáo dục trên cả nước.

- Việc quá tải thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Trước đây, nhà nước có chương trình dành riêng cho vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, yêu cầu sẽ nhẹ nhàng hơn, gọn hơn, tạo điều kiện cho học sinh những vùng này tiếp cận và nắm vững kiến thức. Về sau, điều này phải bỏ đi vì cả nước thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa. Như vậy là đã bỏ đi những giải pháp áp dụng riêng cho những đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối tượng khó khăn. Chương trình hiện hành vì vậy quá tải với nhóm học sinh này.

Không chỉ vậy, thực tế giám sát cũng cho thấy ngay cả học sinh ở vùng đồng bằng, thành phố vẫn đang bị quá tải, không phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Nguyên nhân là chương trình được thiết kế quá cao, quá nặng. Bên cạnh đó, khi thiết kế chương trình, ngành giáo dục cho rằng mình có đủ điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện chương trình sách giáo khoa ấy. Nhưng trên thực tế không thể thực hiện được vì điều kiện hạn hẹp.

Ví dụ khi thiết kế chương trình thì học sinh tiểu học, THCS được học 2 buổi mỗi ngày, nhưng thực tế chỉ một phần rất nhỏ được học đúng như thiết kế, còn lại đều không có điều kiện nên chỉ học một buổi mỗi ngày. Khi chương trình thiết kế học 2 buổi mà rút lại chỉ một buổi thì chắc chắn học sinh sẽ bị quá tải. Tất nhiên là ngành giáo dục đã có điều chỉnh, tuy nhiên vẫn dựa trên một chương trình được thiết kế, trên một yêu cầu cao, nên dù điều chỉnh thì cũng không phù hợp với một buổi mỗi ngày.

- Theo Ủy ban thì ngay cả giáo viên và cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này được lý giải thế nào thưa ông?

- Chương trình được thiết kế dành cho giáo viên đạt chuẩn, tuy nhiên thực tế có rất nhiều giáo viên, đặc biệt là vùng khó khăn chưa đạt yêu cầu. Thậm chí giáo viên còn chưa hiểu chương trình thì làm sao giảng dạy?

Chương trình được thiết kế trên tinh thần các cơ sở giáo dục có đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo việc dạy và học. Nhưng thực tế, trang thiết bị chưa đảm bảo được yêu cầu giảng dạy theo nội dung thiết kế. Có nơi thiết bị có nhưng giáo viên không có khả năng sử dụng, có nơi được trang bị nhưng không có chỗ để, không có phòng học bộ môn, phải xếp xó. Có nơi lại được trang bị thiếu đồng bộ không thể sử dụng. Nhưng cũng có cơ sở giáo dục học sinh phải học chay.

Với thực trạng như vậy, chỉ một bộ phận cơ sở giáo dục ở vùng phát triển đáp ứng được, còn ở những vùng khó khăn để đảm bảo truyền đạt được nội dung theo thiết kế rất khó khăn.

- Ý kiến của Ủy ban Văn hóa Giáo dục như thế nào trước thực trạng trên?

- Với những tồn tại như vậy, ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm ở lần đổi mới này. Theo đó, phải thiết kế một chương trình phù hợp với khả năng thực tế của ta hiện nay, tức là học sinh trung bình có thể tiếp thu được, giáo viên hiện có cơ bản giảng dạy được, và cơ sở vật chất hiện có đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Không cần phải tất cả, mà đông đảo giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục có thể đáp ứng được. Một phần nhỏ chưa đáp ứng được thì tập trung ưu tiên đầu tư để nó có thể có đủ điều kiện cùng tham gia vào quá trình đổi mới.

Lần trình dự thảo đề án trước, ngành giáo dục dàn đều tất cả cơ sở giáo dục, cho rằng cần bổ sung cơ sở vật chất. Vì vậy, số tiền dự toán rất lớn như chúng ta từng nghe là 70.000 tỷ đồng, rồi 34.000 tỷ. Đấy là vì họ tính cứ có một cơ sở giáo dục thì nhân với bao nhiêu tiền, cộng tổng số tiền chi cho các trường trên cả nước thì ra con số ấy. Bây giờ vấn đề đặt ra là phải thiết kế chương trình phù hợp với khả năng hiện có, chỉ 5-10% cần phải bổ sung. Như vậy thì mới hiện thực được.

- Vậy chương trình giáo dục phổ thông cần thiết kế như thế nào để khắc phục được sự không đồng đều giữa các vùng miền như ông vừa nói ở trên?

- Vẫn thống nhất có một chương trình nhưng không cứng nhắc áp dụng ở tất cả cơ sở giáo dục mà chương trình thống nhất ấy sẽ linh hoạt mềm dẻo. Nghĩa là sẽ có một phần mang tính chất bắt buộc với tất cả học sinh trên toàn quốc. Một phần mềm sẽ dành cho các địa phương thiết kế thêm nội dung về lịch sử văn hoá đặc thù của địa phương, có thể dựa trên thực tế trình độ học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất của từng nơi.

Ngoài ra, chúng ta dành thời lượng để chính các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phù hợp với trường họ. Ví dụ trường khó khăn, cơ sở vật chất kém, học sinh tiếp thu kém, giáo viên hạn chế thì thời lượng giảng dạy có thể tăng lên. Như bình thường học một buổi nhưng ở những nơi này có thể tăng lên 1,5 buổi để củng cố kiến thức. Những địa phương khá hơn như Hà Nội thì bổ sung kiến thức, kỹ năng ngoài kiến thức bắt buộc.

Như vậy gọi là một chương trình thống nhất nhưng bên trong có rất nhiều chương trình vì có phần "mềm". Dự thảo hiện nay Bộ Giáo dục thiết kế phần mềm ấy là 20% thời lượng và 80% là chương trình bắt buộc.


Hoàng Thùy
 thực hiện/VnExpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất