Thứ Ba, 24/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 26/1/2017 15:35'(GMT+7)

Mùa xuân, đọc lại câu đối Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ chúc Tết nhân dân Hà Bắc năm 1967. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ chúc Tết nhân dân Hà Bắc năm 1967. (Ảnh tư liệu)

Kể từ Tết Nhâm Ngọ (1942) - Tết đầu tiên sau 30 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước trở về kêu gọi toàn dân đoàn kết, đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, cho đến Tết Kỷ Dậu (1969) - mùa xuân cuối cùng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước hơn 24 bức thư và 22 bài thơ chúc tết nhân dịp đầu năm mới.

Trong những bức thư, bài thơ đó của Người, có những câu đối tết vừa giản dị, nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc, vừa thể hiện đậm nét truyền thống văn hoá dân tộc, vừa thể hiện những định hướng chiến lược của cách mạng, những kết quả và niềm tự hào, phấn khởi của nhân dân ta trong những ngày đầu xuân năm mới.

Xuân Giáp Thân (1944), trong bài “Chào xuân”, Người có một câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, vừa toát lên không khí mừng xuân mới, vừa biểu lộ tinh thần và khí thế cách mạng:

Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng
Viết bài chào Tết, chúc Thành công.

Xuân Bính Tuất (1946) là một mùa xuân đặc biệt, mang đậm dấu ấn lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta - đây là tết đầu tiên, mùa xuân đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, nhân dân ta thực sự được thực hiện quyền làm chủ đối với vận mệnh đất nước mình. Vui mừng đón một mùa xuân mới - Xuân Dân chủ, Tết Dân quyền - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Tết này mới thật Tết dân ta, đồng thời Người cũng gọi Tết 1946 là Tết Độc lập, Tết Dân quyền. Trong không khí hân hoan đó, Người đã viết câu đối chúc Tết, mừng Xuân, mừng nền độc lập của nước nhà với những lời lẽ hóm hỉnh mà sâu sắc.

Rượu Cộng hoà, hoa bình đẳng, mừng Xuân Độc lập
Bánh Tự do, giò bác ái, ăn Tết Dân quyền.

Cũng trong dịp này, trong bài thơ “Mừng báo Quốc gia”, với 8 câu thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “chuyển hóa” vào đó 2 cặp câu đối khá hoàn chỉnh, vui vẻ, giản dị, chứa đựng trong đó cả không khí vui tết đón xuân và lý tưởng của những người cách mạng:

“Độc lập đầy vơi ba cốc rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa”.

“Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,
Cả nước chung vui phúc cộng hoà”.

Trong Thư Chúc mừng năm mới Bính Tuất (1946), Người cũng có đôi câu đối khẳng định một niềm tin chắc chắn đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta: Kiến quốc chóng thành công/Kháng chiến mau thắng lợi; cùng với đó là lời chúc gửi tới đồng bào cả nước và chiến sỹ ngoài mặt trận: Chiến sỹ hăng hái chống địch/Đồng bào an toàn mừng xuân.

Xuân Đinh Hợi (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đọc lời chúc Tết tại chùa Trầm (Hà Đông) - Nơi đặt Đài Tiếng nói Việt Nam, sư cụ chủ trì chùa Trầm đã chuẩn bị sẵn giấy bút và xin Người câu đối, Người đề tặng: Kháng chiến tất thắng/Kiến quốc tất thành.

Tết Quý Tỵ (1953) - thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta quyết định chuyến hướng chiến lược sang thế chuẩn bị tổng phản công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Người viết thư chúc Tết với đôi câu đối thể hiện tinh thần quyết tâm và khẳng định niềm tin vào thành công của sự nghiệp cách mạng:

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
Độc lập thống nhất nhất định thành công.

Tết Ất Mùi (1955), sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ trở về Thủ đô Hà Nội, trong niềm vui mới, Người đã viết câu đối:

Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ - Tam dương khai thái
Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm - Ngũ phúc lâm môn.

Trong không khí quân và dân miền Bắc ra sức thi đua xây dựng xã hội chủ nghĩa và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, quân và dân miền Nam dũng cảm gan dạ chiến đấu chống quân thù, Tết Bính Thân (1956), trong lời chúc mừng năm mới, Người đã khái quát tinh thần khí thế tiến công của hai miền Nam, Bắc trong cặp câu đối: Miền Bắc thi đua xây dựng/Miền Nam giữ vững thành đồng.

Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thơ văn như một thứ vũ khí  hữu hiệu, đồng thời cũng để gửi gắm niềm tin, ý chí của mình, qua đó khích lệ, động viên và nhân lên quyết tâm của quân và dân cả nước tiến tới mục tiêu độc lập - hòa bình - hạnh phúc. Trong số di sản thơ văn, bài viết khá đồ sộ của Người để lại, những bức thư và câu đối chúc Tết tuy không nhiều, nhưng luôn mang giá trị tinh thần quan trọng đối với đồng bào ta trong hành trình đi tiếp con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Trong không khí mừng xuân vui tết, đọc lại những câu đối của Người không chỉ là để ngẫm ngợi về một nhân cách lớn, mà còn để hiểu hơn về khí chất của một bậc vĩ nhân - dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn giữ vững niềm tin./.

Võ Đình Liên
Ban Dân vận Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất