Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 21/1/2017 21:45'(GMT+7)

Văn chương như là quà Tết

Kỳ vọng 200.000 bản sách sẽ được mừng tuổi Tết năm nay

Kỳ vọng 200.000 bản sách sẽ được mừng tuổi Tết năm nay

Phong vị đặc biệt

Tết trong văn chương như một phong vị đặc biệt, đôi khi nhuốm màu hoài cảm chứ không hẳn là náo nức, rộn ràng. Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn (Trường ĐH Văn hóa) cho biết, có hai dạng viết về Tết: Một là ghi lại các phong tục Tết của người Việt; hai là những sự kiện gắn với cá nhân và xã hội trong dịp Tết. Còn theo quan sát của TS. Lê Hương Thủy (Viện Văn học), trong văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn viết về Tết bằng tâm thức của cộng đồng và cảm nhận cá nhân trước những buồn vui về con người và cuộc đời, như các tác phẩm của Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Lê Lựu...

Văn học viết về Tết có sự chi phối mạnh mẽ của điều kiện xã hội, hoàn cảnh lịch sử. Như trong Người ngựa, Ngựa người của Nguyễn Công Hoan là cảnh sống khốn khó của người lao động nghèo những năm 1930 - 1940. Tết làng Mụa của Lê Lựu gắn với giai đoạn chiến tranh, thể hiện mong muốn cái Tết yên bình. Khi chiến tranh qua đi, Tết gắn liền với số phận người đàn bà hậu chiến, về cuộc sống đợi chờ, vắng bóng người đàn ông (Hai người đàn bà xóm Trại của Nguyễn Quang Thiều hay Lời thì thầm mùa xuân của Nguyễn Thị Thu Huệ). Còn ngày nay là niềm mong ước đoàn tụ, hay những phong tục Tết đậm bản sắc văn hóa vùng miền, như Giao thừa của Nguyễn Ngọc Tư... TS. Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) lại hướng cái nhìn về cái Tết trong văn chương cổ. Anh cho biết cách đây 100 năm có những biên khảo về phong tục Tết của Đào Duy Anh, Nhất Thanh, Phan Kế Bính… như An Nam phong tục, Đất lề quê thói, Việt Nam phong tục… viết ra để chấn chỉnh đời sống văn hóa của người Việt, đề xuất những sinh hoạt văn hóa mới phù hợp với cộng đồng, nói lên những nỗ lực cải cách văn hóa.

Nhưng dù xưa hay nay, các nhà văn đều gặp nhau ở một điểm khi viết về Tết là tâm thức hướng về nguồn cội, về cộng đồng, cùng những dự cảm về cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Tuân là người thích xê dịch, suốt đời khao khát những chuyến đi, nhưng ông cũng mong muốn được trở về nhà trong ngày 30 Tết, không muốn “tìm cảm giác tha phương” ở thời điểm kết thúc năm cũ và khởi đầu năm mới (Một người cha về ăn Tết).

Đời sống văn hóa, xã hội thay đổi khiến thói quen ăn Tết của người Việt thay đổi, hương vị Tết cũng khác. Nhìn lại văn chương cũng là nhìn lại dòng chảy văn hóa Việt. “Tết hiện hữu trong từng cảnh ngộ, trạng thái đời sống, những vui buồn của đời người và sự biến thiên của thời thế. Nhà văn ở phương diện thể hiện những cảm thức, góc nhìn về Tết chính là một cầu nối quá khứ và hiện tại” - TS. Lê Hương Thủy nhận định.

Mừng tuổi bằng sách

 Nhiều nhà sách đã kịp thời tung ra các sản phẩm ăn theo phong trào Mừng tuổi sách. Thaiha Books có những giỏ quà sách với mong muốn mang đến yêu thương, an vui cho người nhận. Alpha Books bán voucher “Lì xì sách, lộc hay đón Tết” với các mệnh giá 100.000, 200.0000 và 500.000 đồng… Nhà sách Đông Tây đưa ra hẳn danh mục gồm gần 100 đầu sách có thể làm quà mừng tuổi, thuộc các thể loại văn học, lịch sử, khoa học, phát triển trí tuệ…

Như trên đã nói, văn chương viết về Tết tương đối nhiều và các nhà văn, nhà thơ cũng thường chọn Tết để công bố tác phẩm mới (qua báo Tết), nhưng tục mừng tuổi bằng sách thì chưa phổ biến. TS. Trần Trọng Dương cho biết, lâu nay vào các dịp lễ, Tết, anh chỉ tặng sách cho con trẻ và bạn bè. Đó là những cuốn sách mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhưng cũng có là thể cuốn sách anh thích và muốn giới thiệu với bạn bè. Số người chọn cách tặng sách như TS. Trần Trọng Dương đang ngày càng tăng, nhưng chưa tạo thành phong trào rộng khắp.

Sau vài năm tổ chức tặng sách đêm giao thừa tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tết năm nay, Chương trình Sách hóa nông thôn phát động Mừng tuổi sách để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền, khuyến khích chia sẻ tri thức sâu rộng trong cộng đồng, với con số kỳ vọng là 200.000 bản sách. Thử làm phép tính giản đơn, nếu mỗi người bỏ ra 100.000 đồng mua 5 cuốn sách mừng tuổi cho 5 đứa trẻ, ra Tết, các trường học trên toàn quốc kêu gọi học sinh góp sách cho Tủ sách lớp học, thì mỗi lớp có thêm vài chục bản sách. Số người mừng tuổi sách tăng thì số trẻ được hưởng lợi cũng tăng gấp bội.

Ngay sau khi phát động, phong trào Mừng tuổi sách được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ. Liên minh STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) kêu gọi mỗi đơn vị thành viên đóng góp từ 1 triệu đồng để mua sách STEM, tạp chí khoa học… mừng tuổi. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Nam Định, Ninh Bình… đã hình thành các nhóm “mừng tuổi sách”, không chỉ tặng sách cho người quen, mà cả những người đi đón Giao thừa, tạo niềm vui bất ngờ dịp đầu xuân năm mới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những tín hiệu vui bước đầu. Để tạo dựng được văn hóa mừng tuổi sách thì cần thêm thời gian, thay đổi quan niệm, cách nghĩ. Hy vọng, “việc lan truyền hình ảnh Mừng tuổi sách trên mạng xã hội, trên báo chí và truyền hình sẽ đưa vào tâm trí xã hội sự chia sẻ và trân trọng tri thức” - anh Nguyễn Quang Thạch, người phát động phong trào Mừng tuổi sách nói.

Minh Hà (Báo Đại biểu nhân dân)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất