Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/1/2017 15:34'(GMT+7)

Năm Dậu nói chuyện tranh con gà

Gà mẹ và gà con. (Tranh dân gian Đông Hồ)

Gà mẹ và gà con. (Tranh dân gian Đông Hồ)

Từ bao đời nay, gà vẫn là một con vật được người ta yêu quý, nuôi dưỡng chăm sóc để phát triển kinh tế, sử dụng trong văn hóa ẩm thực và đặc biệt là làm cỗ thờ cúng. Trong tâm thức của người Việt, gà là một trong những vật tế lễ ở các nghi thức tâm linh, được người đời dâng lên thần thánh, tổ tiên trong ngày giỗ, ngày hiếu, ngày hỉ, ngày tết.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới chưa lý giải được các “mã số bí ẩn” cấu trúc trên cơ thể con gà, khi rất nhiều người vẫn tin vào những việc như xem bói bằng chân gà, mào gà, cựa gà và cả tiếng gáy chuyển canh trong đêm của gà trống.

Do tác dụng phong phú về nhiều mặt vật thể và phi vật thể mà con gà đã đi vào đời sống văn hóa, nghệ thuật của người Việt, trong đó có tranh con gà.

Từ những năm tám mươi của thế kỷ XX trở về trước, vào những ngày trung tuần tháng chạp âm lịch, người dân khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ hải đảo đến rừng núi xa xôi lại tấp nập nhộn nhịp đi chợ sắm tết, chuẩn bị tết. Trong những vật phẩm truyền thống cần mua sắm như gạo nếp, lá gói bánh chưng, thực phẩm, dưa hành, vàng hương.v.v.. thường không thể thiếu một vài bức tranh tết để trang trí trong nhà.

Chơi tranh Tết của người Việt được coi là một thói quen tao nhã, đồng thời là một món ăn tinh thần, nhất là trong những ngày đầu xuân năm mới, được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm ăn vất vả, bận rộn. Tranh Tết còn mang tính biểu trưng cho sắc thái văn hóa và tâm linh, mong cầu quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc. Vì thế, có thể khẳng định, nghi thức chơi tranh Tết của nhân dân ta trước đây đã trở thành nhu cầu tinh thần, thậm chí là tín ngưỡng riêng có khi Tết đến Xuân về. Tranh Tết thường có những nội dung như nhị bình, tứ bình (sen, cúc, trúc, mai), đặc biệt là những bức tranh vui nhộn, màu sắc rực rỡ về các con vật (lợn, gà, trâu, ngựa) v.v... nhưng ấn tượng nhất là năm nào thì treo tranh con vật năm ấy theo quỹ đạo 12 con giáp.

Gà được xếp hàng thứ tư trong 12 con giáp. Năm Dậu nói chuyện tranh con gà cũng thấy nhiều điều thú vị. Ở nước ta trước đây có nhiều vùng làm tranh dân gian, trong đó tranh gà là một trong những nội dung được nhiều người ưa chuộng. Cha ông ta vẫn quan niệm gia súc, gia cầm, vườn rau, ao cá, lúa, ngô, khoai, sắn là gốc rễ của ấm no, đủ đầy cho cuộc sống; hình ảnh con gà thể hiện rất rõ sự bình đẳng, bởi nó gần gũi, gắn bó với cả người nghèo và người giàu có.

Hầu như trong các dòng tranh dân gian của nước ta, nhất là tranh Tết, trong 12 con giáp thì con trâu, con lợn và con gà được nhiều người “ưa chuộng” hơn cả. Bởi thế, ngoài việc năm nào thì “chơi tranh” có hình con giáp năm ấy, đa số người dân vùng Bắc Bộ trước đây Tết nào cũng trang trí trong nhà các bức tranh về một trong ba con vật trên.

Đặc biệt, tranh Tết dân gian rất ít thấy vẽ về hai con vật là chó và khỉ. Đối với dòng tranh dân gian Đông Hồ (hay còn gọi là tranh làng Hồ) thì tuyệt đối không thấy có tranh về chó và khỉ. Nhưng tranh gà thì lại rất phổ biến.

Tranh dân gian của mỗi vùng miền thường có những điểm không giống nhau, thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm sống khác nhau của mỗi cộng đồng. Hình ảnh con gà trong tranh làng Hồ có cách biểu hiện khác biệt về đường nét, bố cục và màu sắc so với hình tượng gà trong tranh dân gian hàng Trống, tranh xứ Huế...

Tranh làng Hồ (kể cả gà trống, gà mái hay gà con) đều toát lên sự mềm mại, ngộ nghĩnh, chân chất, thể hiện tâm hồn chất phác, thuần hậu của người nông dân; bên cạnh đó là đường nét duyên dáng, uyển chuyển thông qua các động tác sinh hoạt. Bức tranh gà “Gà m và gà con” - với hình ảnh gà mẹ đang chăm chút, âu yếm mớm thức ăn cho các con, bầy gà con quấn quýt trong sự đùm bọc, che chở của gà mẹ - bằng đường nét mộc mạc nhưng vẫn thể hiện được sự sinh động, ấm cúng, đáng yêu. Với chất liệu giấy điệp và những gam màu tự nhiên - lấy từ hoa lá - đã đẩy tính vui tươi, nhộn nhịp trong tranh lên một bước hoàn hảo. Người xem liên tưởng đến một ngày mùa no đủ, sau vụ gặt hái của làng quê. Sức hấp dẫn - đối với mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già - khi ngắm nhìn bức tranh gà “Gà mẹ và gà con” chính là cách miêu tả cấu trúc bố cục thể hiện sự vui nhộn, tinh nghịch của những chú gà con ríu rít bên gà mẹ, nhảy lên lưng mẹ.

Các bức tranh gà của dòng tranh dân gian Đông Hồ, từ đàn gà "gà mẹ và gà con” cho đến gà trống “Gà gáy lúc bình minh”… đều gắn liền và biểu đạt rất rõ nếp sống, quan niệm, tư duy nền văn hóa lúa nước của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trong những ngày Tết trước đây, nhiều gia đình vẫn thường treo/dán tranh đàn gà, đàn lợn đối xứng nhau ở hai bên bàn thờ gia tiên. Vào năm Dậu, người ta thường treo hai tranh gà mái và gà trống thành nhị bình. Có thể nói con gà trong tranh dân gian Đông Hồ là một loại tranh khá đẹp, vì thế nhiều gia đình trưng xong trong dịp tết lại lấy xuống cuộn tròn cho vào ống luồng hay ống nứa cất đi để năm sau “chơi Xuân” tiếp.

Ở đô thành thời trước, tranh gà Hàng Trống (Hà Nội) cũng là một loại tranh khá đẹp với cách vẽ tạo hình theo lối họa vô định thể, phối hợp màu rất điêu luyện trên giấy, chủ yếu là tranh độc bản. Những con gà trống trong tranh toát lên sự uyển chuyển về đường nét, rực rỡ, lung linh, huyền ảo về màu sắc. Tranh gà vẽ độc bản hạn chế được cái nhìn mặc định, vì thế việc biểu đạt tính cách con vật của họa sĩ sinh động và mang tính nghệ thuật cao hơn. Nghệ nhân tranh Hàng Trống vào những dịp tết còn thường sáng tạo những mẫu tranh mới, từ nội dung cho đến bố cục, cấu trúc, tạo hình màu sắc và chất liệu (giấy hoặc vải)… để bán “chạy” hơn. Ngày nay, nhiều người còn lưu giữ được những bản vẽ với nhiều thể loại, chất liệu, trong đó tiêu biểu là tranh Tết Hàng Trống với hình ảnh con gà “vang bóng một thời”.

Bên cạnh tranh làng Hồ, tranh Hàng Trống, tranh gà dân gian ở xứ Huế cũng khá phong phú, đa dạng, mang cá tính, sắc thái riêng. Có thể nói, trong những di sản nghề truyền thống ở Huế thì tranh dân gian vẽ con gà là một điển hình, mặc dù hiện nay đã mai một. Người Huế vẽ tranh chỉ để phục vụ vào dịp Tết, tranh gà dân gian xứ Huế bên cạnh đường nét rực rỡ, thướt tha còn thể hiện rất rõ nội dung trào phúng, trong đó có những độc bản mang tính xã hội sâu sắc - phê phán, mỉa mai những thói hư tật xấu như tính hiếu thắng, ích kỷ, gia trưởng, cãi lộn...

Nhân nói đến tranh dân gian xứ Huế về con gà, tôi lại nhớ ở Huế vẫn thường lưu truyền bài thơ dân gian khá hóm hỉnh “nửa nạc nửa mỡ” mang dáng dấp thơ Hồ Xuân Hương như sau:

“Vui xuân nhằm tiết tháng ba,
Ông bà cao hứng bắt gà đá chơi
Gà ông cất cổ gáy hơi
Gà bà thủ bộ đợi thời gà ông


Đá nhau một chập ướt lông
Gà bà trúng cựa, gà ông gục cần”.


Sở dĩ người viết dẫn ra bài thơ này vì nó có liên quan tới nội dung một bức tranh độc bản lưu truyền trong dân gian về con gà khá nổi tiếng ở xứ Huế, gắn liền với câu chuyện dân gian về hai vợ chồng ở làng quê nọ thường xuyên cãi lộn, ẩu đả lẫn nhau, không ai chịu nhường nhịn, gây ảnh hưởng đến xóm làng. Mọi người ra sức khuyên nhủ nhưng cặp vợ chồng nọ không chịu thay đổi. Nhân Tết năm Dậu, mấy người bạn nhờ một nghệ nhân họa cho một bức tranh theo ý thơ “đá gà” nêu trên để tặng cặp vợ chồng hay cãi nhau đánh lộn kia. Trong bức tranh là hình ảnh một cặp gà trống mái mào đỏ, miệng há dữ tợn, xù lông, vươn cánh, tung chân đá nhau như gà chọi. Dưới tranh ghi dòng chữ “Đá gà đón xuân”. Được bạn đem tặng bức tranh Tết đúng vào dịp năm mới, vợ chồng nhà kia vui lắm, cảm ơn rối rít. Nhưng sau đó ngắm bức tranh, anh chồng thốt lên “làm chi có chuyện chọi gà mà gà mái đá nhau với gà trống, rõ là họ xỏ mình”. Chị vợ nói ngay “thì tôi và ông có lúc nào nhường nhau đâu mà chẳng đá nhau”...

Tranh con gà với nội dung châm biếm tương tự như trên là một trong những nội dung đặc sắc, riêng có trong dòng tranh Tết dân gian ở xứ Huế. Sau này, khi báo chí và công tác tuyên truyền, cổ động phát triển, nhiều họa sĩ đã sử dụng biếm họa với hình ảnh con gà để phê phán, chế diễu những tiêu cực, thói hư, tật xấu trong cuộc sống xã hội. Bên cạnh tranh cổ động về một nội dung xã hội nào đó, thì biếm họa với hình ảnh con gà thường xuất hiện trên nhiều tờ báo tường và báo Tết vào những năm Dậu.

Thời nay, người ta ít chơi tranh dân gian ngày Tết, nhưng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên các tờ báo Tết lại xuất hiện nhiều tranh hài hước, châm biếm mang màu sắc dân gian, gắn với những vấn đề xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập. Việc sử dụng hình tượng con vật, trong đó có con gà trong các bức biếm họa thường được “ẩn dụ” để phê phán, đả kích những thói tật như lãng phí, cửa quyền, lộng hành, hiếu thắng, háo danh, tham nhũng, lãng phí và nhiều vấn đề tiêu cực khác….

Nhớ lại, trong năm Dậu ở thập kỷ trước, để châm biếm những ông “sếp” vi phạm chủ trương “Dân số-Kế hoạch hóa gia đình”, có tạp chí đã in hình ảnh một chú gà trống cồ có dáng vóc to lớn, mào to, mắt đỏ, đầu nghiêng nghiêng, hai chân đứng oai vệ, phía dưới là ba gà con đang chăm chú nhìn lên gà “bố”. Bức tranh có tựa đề “Vẫn lên chức”. Ngẫm ra mới thấy sự thâm thúy, có thể hiểu ông “bố gà” được lên chức “bố” nhờ có các “gà con”, nhưng ẩn sau đó là thông điệp phê phán: Sinh con thứ ba mà vẫn được lên chức cao hơn.

Lại có bức tranh miêu tả hình ảnh gà mái “vợ” đang dùng mỏ “gắp” các phong bì trong ngăn kéo, còn gà trống “chồng” quay lưng vỗ cánh dướn cổ gáy to. Dưới tranh là tựa đề “Tôi không nhận quà của ai”.

Nhằm phê phán những ông “sếp” không khiêm tốn, thiếu tính cầu thị, luôn cho rằng mọi thành tích của tập thể là “nhờ có tôi”, có họa sĩ đã vẽ bức biếm họa với hình ảnh con gà trống đứng trên gò đất cao, rướn cổ gáy “ò ó o…”, phía xa là mặt trời đang nhú lên. Dưới tranh ghi “Tưởng có tiếng gáy là mặt trời lên”. Thực tế xã hội hiện nay vẫn đang còn những “chú gà ảo tưởng”: cứ ngỡ nhờ có tiếng gáy của mình mới có bình minh...

Con gà trong tranh luôn là một đề tài phong phú, nó không chỉ xuất hiện trong tranh dân gian, tranh hài hước - biếm họa mà còn là một đề tài được nhiều họa sĩ đương đại đưa vào các tác phẩm nghệ thuật. Có thể nói, gà là một con vật gắn bó mật thiết với đời sống con người, cho nên, trong lĩnh vực nghệ thuật hội họa, gà cũng là một “biểu tượng nghệ thuật” với những chiều cạnh khá phong phú, đa dạng, thu hút sự quan tâm sáng tạo của các nghệ sĩ.

Rõ ràng, từ một con vật hiền lành mà ẩn chứa trong đó nhiều điều thú vị hấp dẫn, thậm chí là huyền bí, gắn với mỗi vùng miền và dân tộc. Có thể khẳng định, con gà vừa mang tính văn hóa vật thể, ẩm thực vừa đậm nét văn hóa phi vật thể. Xét về mặt tâm linh tín ngưỡng thì hình tượng con gà là cả một kho di sản văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú. Ở khía cạnh nghệ thuật tạo hình, hình ảnh con gà đã, đang và sẽ vẫn còn sống động trong tiềm thức và ý thức của giới nghệ sĩ cũng như mỗi người dân Việt.

Năm Dậu, tản mạn về chuyện tranh con gà cũng là để chiêm nghiệm một điều: Mọi hình tượng nghệ thuật và những biểu tượng chỉ có thể đi vào lòng người một cách thực chất khi nó gắn với con người, gắn với cuộc sống, gắn với chiều sâu văn hóa dân tộc. Mọi sự thăng hoa và đỉnh cao - không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật hội họa - cũng không thể thoát ly được gốc rễ của bản chất sự thật và những điều tưởng chừng rất giản dị trong cuộc sống. /.

Họa sĩ
Hoàng Hoa Mai




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất