Chủ Nhật, 6/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 3/2/2011 6:40'(GMT+7)

Mùa xuân này ở Sà Phìn

Một  khu đô thị vùng cao Sà Phìn

Một khu đô thị vùng cao Sà Phìn

 Thấp thoáng màu xanh của những thân sa mộc thẳng mình trong sương giá cộng với những nương ngô mướt màu đã xoa dịu đi những chỏm đá xù xì và điểm tô thêm một nét dịu dàng cho cùng cao nguyên đá kì vĩ địa đầu Tổ quốc.

Cây sa mộc như ý chí của con người, còn màu xanh của ngô tượng trưng cho niềm hy vọng lớn lao và nuôi dưỡng đồng bào ta hàng ngàn đời kiên cường sống trên đá.
Nụ cười thân thiện cùng cái bắt tay thật chặt, chủ tịch xã Vàng Mí Lía đã không giấu nổi niềm phấn khởi của ông cũng như bà con nơi đây. Ấy là Chủ tịch Vàng muốn nói đến Chương trình xoá nhà tạm theo Quyết định 167 mà xã được thụ hưởng. Nếu như chương trình 135 giúp cho xã có điện, đường, trường trạm thì chương trình 134 và 167 đã mang đến cho bà con những căn nhà xây kiên cố để yên tâm làm ăn, vì có “an cư ” thì mới “lạc nghiệp” được!

Những năm trước mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong khi các nơi rộn ràng chuẩn bị đón Tết thì bà con nơi đây lại lo chống chọi lại những đợt lạnh khắc nghiệt tràn về từ phương Bắc, còn xuân này đã khác, “người dân Sà Phìn đã ấm hơn rồi nhà báo ạ” - chủ tịch xã Vàng phấn khởi chia sẻ, ông còn cho chúng tôi biết thêm, từ khi chương trình 134 đến chương trình 167 được triển khai đến nay đã xoá được trên 90 % số nhà tạm, còn giai đoạn 2 sẽ tiến hành xóa bỏ toàn bộ 100% nhà tạm. 7 triệu hỗ trợ từ chương trình 167 cộng với 8 triệu vay không lãi suất trong 5 năm cho mỗi hộ dân đang ở nhà tạm, ngoài ra những hộ nhà tạm còn nhận thêm 7 triệu đồng do Tổng công ty xăng dầu Việt Nam hỗ trợ. Xã đã phối hợp với cán bộ tham mưu từ trên cử về giúp đỡ triển khai chương trình, giám sát công việc và tổ chức cho các bản làng tự bình bầu, rồi đi thị sát trực tiếp, nhờ đó tiền hỗ trợ đến đúng tay người cần xoá nhà tạm. Hình thức hỗ trợ được Đảng ủy xã và bà con nhất trí qui thành vật liệu xi măng sắt thép, tấm lợp... Nhà nước đưa máy xay đá về tận bản, bà con chỉ việc bỏ công xay đá làm cát để xây nhà, còn nhà nào làm bằng trình tường (tường bằng đất) thì được qui đổi nhận tiền. Nhờ vậy dịp này lên với Sà Phìn “khác những lần trước nhiều quá!” – Chúng tôi nói vui khi cùng chủ tịch xã Vàng Mí Lía thị sát xuống bản và được chứng kiến sự khởi sắc của vùng cao nơi đây. Từ quốc lộ 4C nhìn xuống một góc của Làng văn hoá Sà Phìn A, thấp thoáng đâu đó một đô thị vùng cao đầy hứa hẹn: Cũng nhộn nhịp phố chợ, trạm y tế, trường học, trụ sở UBND xã khang trang, tối đến điện sáng lung linh cả một vùng. Thêm nữa, Sà Phìn có di tích nhà Vương cổ kính, một trong những tiềm năng cho địa phương phát triển du lịch. Đồng bào nơi đây đã cảm nhận được hơi ấm của miền xuôi mà Chính phủ gửi gắm lên cho Sà Phìn. Người dân vui lắm. Anh Lầu Mí Páo, ở làng Lũng Hoà B, xã Sà Phìn nói: “Mình vui lắm, giờ trời có lạnh buốt mấy cũng không sợ nữa, có nhà ấm rồi, tối đến cả nhà mình quây quần bên nhau ai cũng vui, nhà mình biết ơn Đảng, ơn Nhà nước lắm!”.

Con người đã chinh phục tự nhiên, điều đó được chứng minh qua những con đường mới ngày đêm được mở mang vươn mình qua các “cổng trời” vào tận bản, nối gần hơn miền xuôi và miền ngược. Trên đường các đôi trai gái Mông đã có xe máy xuống chợ xen lẫn tiếng nổ rền của những đoàn xe tải ngày đêm miệt mài chở những chuyến hàng lên bản đã tạo cho nơi đây một hơi thở mới, ai cũng cảm nhận được niềm vui này. Sà Phìn đang thay da đổi thịt từng ngày.

Nguyễn Thế Lượng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất