Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 24/1/2009 13:14'(GMT+7)

Mùa xuân nghe chuyện cô giáo Pờ Mỳ Ly

Pờ Mỳ Ly là cô gái Hà Nhì đầu tiên của Sín Thầu đi học Đại học Sư phạm. Trai bản nhiều người thầm thương trộm nhớ cô nhưng không dám ngỏ lời. Mỳ Ly có vẻ ngoài xinh đẹp, lại có cái đầu sáng, hỏi cái gì cũng biết. Đứng trước cô, anh nào cũng thấy chân tay thừa thãi, miệng lúng búng không nói nên lời. Cha mẹ lo lắng còn Pờ Mỳ Ly dường như chẳng quan tâm. Ngày nào cô cũng bám lớp, bám bản, vừa dạy vừa học thêm tiếng H’Mông, tiếng Thái, tiếng Xiala…Bây giờ, Pờ Mỳ Ly là cô giáo thông thạo tới 5 thứ tiếng dân tộc. Học sinh nào cũng nhận cô là người của bản mình. Nhờ vậy, Pờ Mỳ Ly đi vận động trẻ em đến trường rất hiệu quả.

Một lần, em Hù Mí Hỵa học sinh lớp 5 mới 16 tuổi đã bị cha mẹ chuẩn bị cho về nhà chồng, Pờ Mỳ Ly xuống vận động gia đình cho em quay lại lớp, bố Hù Mý Hỵa bảo: “Cô giáo à. Học giỏi như cô giáo nên mới khó lấy chồng. Nó phải ở nhà thôi”. Pờ Mỳ Ly thuyết phục không được. Hôm đó, lần đầu tiên cô khóc vì chuyện chồng con. Cô đâu có kén chọn, trai bản vẫn đứng kín ngõ nhà cô hằng đêm nhưng trái tim cô chưa thấy rộn ràng trước ai…

Vào một buổi chiều đông 2003, em Tống Văn Hiệp, học sinh nội trú, trèo cây bị ngã xuống dòng suối cạn Nậm Nhé. Pờ Mỳ Ly đi ngang qua bắt gặp, cô vội sơ cứu nhưng vết thương vào vùng mặt, cổ khá nặng, máu chảy nhiều khiến cô giáo trẻ có phần luống cuống. Đúng lúc ấy thì một anh bộ đội đi tới. Thật may, anh là y sỹ, mang sẵn thuốc và bông băng. Sau buổi gặp bất ngờ ấy, cô giáo Pờ Mỳ Ly thấy bâng khuâng khó tả mỗi khi nhớ về anh bộ đội quân y đã hết lòng cứu chữa học sinh của cô.

Anh bộ đội ấy là thiếu uý chuyên nghiệp Lê Văn Nhân, quê ở Phú Lộc (Phù Ninh, Phú Thọ). Năm 2001, đang công tác ở một đơn vị đóng quân tại thành phố Việt Trì, y sỹ Lê Văn Nhân xung phong đi tăng cường cho bệnh xá quân dân y kết hợp của Nông trường 2 (Đoàn kinh tế quốc phòng B79). Chiều hôm ấy, Nhân đi khám bệnh cho bà con một số bản thuộc xã Mường Nhé, đang bước vội vì đường về đến đơn vị còn khá xa. Bất chợt gặp một cô giáo đang loay hoay với em học sinh bị ngã, Nhân liền đến giúp. Lúc chia tay bên dòng suối Nậm Nhé, Nhân đã kịp biết tên cô giáo trẻ là Pờ Mỳ Ly, người xã Sín Thầu…

Khúc dạo đầu trong giai điệu tình yêu giữa Nhân và Pờ Mỳ Ly lãng mạn như vậy nhưng họ vấp phải những biến tấu dữ dội. Biết Quân vì yêu một cô gái Hà Nhì nên kết thúc 3 năm tình nguyện đã xung phong ở lại Mường Nhé công tác khiến cả họ tộc phản đối kịch liệt. Có người còn thương hại, cho rằng anh bị bỏ bùa ngải. Người ta chạy vạy để được công tác nơi thành phố chẳng được, đằng này Nhân lại từ chối về thành phố để xin ở lại với Mường Nhé xa xôi và heo hút. Hơn nữa, Nhân là con trai cả, nhiều công việc gia đình, bố mẹ và các em đều trông chờ ở anh… Pờ Mỳ Ly cũng vậy, nhận phải cái lắc đầu kiên quyết của cha mẹ. Những người già trong bản khuyên cô: “Pờ Mỳ Ly à. Cái bụng bộ đội nó tốt lắm nhưng chỉ làm anh em được thôi. Làm vợ chồng với nó không được đâu”. Nghe người già kể những bất tiện về phong tục tập quán dưới xuôi, Pờ Mỳ Ly buồn lắm. Cái khoảng cách một ngàn cây số giữa Mường Nhé quê cô với Phú Thọ quê anh Nhân chưa xa bằng nét khác biệt văn hoá. Chỉ đơn giản như chuyện ở rể (trai Hà Nhì trước khi làm lễ cưới phải đến ở và làm việc cho nhà bố mẹ vợ 2 năm) thì anh Nhân đã không làm được, nói gì đến bao nhiêu rào cản khác…Nhiều đêm, Pờ Mỳ Ly khóc ướt nhoè cả trang giáo án…

Cũng như chàng trai trong “Xống chụ, son sao”, Nhân không chấp nhận để mất tình yêu. Nhưng anh không chạy vào rừng mà đi thuyết phục cha mẹ Mỳ Ly. “Nước chảy, đá mòn”. Sau một năm kiên trì “dân vận”, cha Pờ Mỳ Ly đành bảo: “Nhân à, tao thua cái lý, đồng ý gả Pờ Mỳ Ly cho mày. Tao cũng miễn hết mọi thử thách. Chỉ mong mày nói với gia đình dưới ấy cho cả hai bên thoải mái là được”.

Đám cưới của họ được tổ chức ngay dưới chân núi A-pa-chải vào đầu năm 2005, khi hoa ban đã bung nở trắng trời Tây bắc. Bộ đội Nông trường 2, giáo viên Trường Tiểu học Mường Nhé, bà con người H’Mông, Thái, Hà Nhì.. đến đốt lửa, nhảy múa rất vui. Ông Pờ Lèn Đự lẩy “Xống chụ, son sao” thành một khúc ca mới, hát trong ngày hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Năm 2009 này, con trai đầu lòng của họ đã lên ba, căn nhà gỗ nhỏ bé của họ nằm trên một sườn núi trắng mờ sương và đầy ắp tiếng cười. Bên dòng Nậm Nhé, người ta hát “Xống chụ, son sao” cải biên của ông Pờ Lèn Đự, nhiều người lại tiếp tục thêm thắt vào nhiều đoạn nữa, để hát lên như một khúc ca mừng đón niềm vui mới.

Nguyễn Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất