Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 20/1/2009 15:2'(GMT+7)

Vướng mắc trong kiểm định chất lượng giáo dục

Lớp học tiền hòa nhập cho học sinh khiếm thị tại Hội Người mù thành phố Hà Đông.

Lớp học tiền hòa nhập cho học sinh khiếm thị tại Hội Người mù thành phố Hà Đông.

Từ kiểm định chất lượng...

Bảo đảm chất lượng bao gồm những chủ trương, biện pháp, cơ chế hoạt động để nâng cao chất lượng đào tạo. Còn kiểm định chất lượng là cơ chế thường xuyên duy trì các chuẩn mực, để nâng cao chất lượng bao gồm:  đánh giá; kiểm toán có phân tích, lý giải những quyết định của nhà trường; Kiểm định (hiện nay đây là xu hướng hơn 60% số quốc gia trên thế giới áp dụng), theo hai mức: Ðạt hay không đạt. Tuy nhiên, theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng  thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Bộ GD - ÐT), nếu chỉ dừng ở mức đó, thì chưa ổn mà KÐCLGD phải đưa ra được kết luận "Trường này bảo đảm được chất lượng" hoặc ngược lại. Nói những điều trên, để thấy KÐCLGD ở nước ta còn là vấn đề mới, còn điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện cả về nội dung, cơ chế... trong   quá trình quản lý cùng triển khai áp dụng ở thực tiễn.

Quá trình KÐCLGD thường chia ra hai bước: 1) Ðánh giá trong (do các trường đại học tự đánh giá); 2) Ðánh giá ngoài (do Ðoàn chuyên gia đánh giá). Trên cơ sở đó, Hội đồng Quốc gia kiểm định xem xét hai đánh giá này và quyết định công nhận (nếu kết quả đánh giá trong và ngoài khớp nhau), hoặc không công nhận (nếu vênh nhau) và sẽ phải đánh giá lại. Hiện, Hội đồng Quốc gia kiểm định (có nhiệm kỳ hoạt động năm năm) bao gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đào tạo, cán bộ quản lý Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cán bộ quản lý vụ chức năng (ÐH, TCCN...) và một số thành phần ngoài như đại diện các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ), các hiệp hội khoa học... Tuy nhiên, cơ chế KÐCLGD này vẫn là "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Vì thế, hướng tới, KÐCLGD cần là tổ chức độc lập với Bộ GD - ÐT; để sự đánh giá, công nhận thật sự khách quan. Và đây, cũng là xu hướng phổ biến trên thế giới.

Ðến thời điểm này, có 173 trường ÐH đang triển khai (có 20 trường đã được kiểm định, bao gồm cả đánh giá trong, đánh giá ngoài). Có 178 trường trong số 208 trường CÐ cả nước đang thực hiện đánh giá trong (tự đánh giá). Thực tiễn KÐCLGD ở 20 trường đại học (với 61 tiêu chí) cho thấy, các tiêu chí mà các trường dễ đạt nhất là xác định mục tiêu, tổ chức quản lý và công tác học sinh, sinh viên. Khó nhất và cũng dễ gây tranh cãi nhất là các tiêu chí  liên quan đến chương trình và hoạt động đào tạo. Sự đánh giá, xếp loại cho thấy, phần lớn tiêu chí này (liên quan trực tiếp nhất đến chất lượng) các trường chỉ đạt mức 1, rất khó đạt mức 3, mức 4. Và nếu tính trung bình, các mức độ đạt tiêu chí về chương trình đào tạo, hoạt động đào tạo của các trường vẫn luôn đứng ở mức thấp nhất so với các tiêu chí khác. Thực tiễn đánh giá ngoài cũng cho thấy, ngay cả những trường tốp đầu đạt tới 80% (của 61 tiêu chí) trở lên, thì những trường đó cũng phải "phấn đấu" tiếp mới có thể đạt yêu cầu.

... Ðến phản hồi từ các trường

Tại Trường ÐH Kinh tế quốc dân, một trường ÐH lớn đã được KÐCLGD, GS, TS Phan Công Nghĩa, Phó Hiệu trưởng cho rằng: KÐCLGD là việc phải làm, để dựa vào đó, làm căn cứ quản lý chất lượng. Từ kết quả và thực tiễn đánh giá ngoài, GS, TS Phan Công Nghĩa đề đạt cơ quan KÐCLGD cần xây dựng bộ tiêu chí cho từng loại hình trường (thí dụ: Phòng thí nghiệm của trường khối khoa học kỹ thuật, khác với khối kinh tế...). Kiểm định là cả một quá trình, một chu trình liên tục (vòng 1, vòng 2...), không thể chỉ là một lần kiểm định duy nhất, để các trường có ý thức luôn nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ðể kiểm định có hiệu quả, các trường xây dựng được hệ thống thông tin lưu trữ, tập hợp các minh chứng. Hiện tại ngành mới chủ trương KÐCLGD các trường; tiến tới cần KÐCLGD chương trình đào tạo, nhất là hiện nay, ngành đang triển khai áp dụng việc giảng dạy theo các chương trình tiên tiến của thế giới. Muốn được quốc tế thừa nhận về bằng cấp, các chương trình tiên tiến cũng cần được kiểm định. Nhưng GS, TS Phan Công Nghĩa hết sức băn khoăn và cho rằng, trong các tiêu chí, khó khăn nhất là tiêu chí nghiên cứu khoa học. Không chỉ do hợp đồng thỉnh giảng của các trường kinh tế, khoa kinh tế nhiều khiến các giảng viên "chạy sô", ảnh hưởng lớn đến công tác nghiên cứu khoa học; mà trong thực tế, khác với khoa học, kỹ thuật, khoa học cơ bản, để đăng tải một đề tài nghiên cứu khoa học; về kinh tế trên một tạp chí quốc tế là  rất khó do đặc điểm kinh tế nước ta khác với các nước trên thế giới.  Hay tiêu chí về giảng viên/sinh viên là rất cần, nhưng nếu tuyển nhiều giảng viên, thu nhập giảng viên hiện nay sẽ giảm sút, rút cục, họ sẽ đi trường khác. Như vậy, gắn với KÐCLGD còn là vấn đề tài chính cho đào tạo, nếu không rất khó bàn về tiêu chí, dù tiêu chí của chúng ta còn thua xa quốc tế. Ngay con số 20 trường đã được KÐCLGD thì các trường cũng chỉ được công bố đã kiểm định, còn kết quả kiểm định ra sao hầu như chưa thấy công bố.

Còn tại Trường ÐH Bách khoa Hà Nội, một trường đại học lớn nhưng chưa được đánh giá ngoài, Trung tâm bảo đảm chất lượng GD của trường thành lập tháng 10-2008, mới được khoảng hai tháng rưỡi với ba nhiệm vụ: Thanh tra giáo dục; Xây dựng các chuẩn kiểm định, từ đó giúp việc Ban Giám hiệu định hướng sự phát triển của nhà trường, và xây dựng các dự án chiến lược bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo. Theo Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng và Phó Giám đốc Ðinh Văn Hải, kết quả đánh giá trong (tự đánh giá) cho thấy, dù được coi là trường kỹ thuật hàng đầu nhưng cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường đáng lo ngại. Phòng học chật chội, có những môn học ghép bốn lớp/giảng đường. Môi trường nghiên cứu khoa học thiếu thốn, không có cả phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên. Ðặc biệt đội ngũ giảng viên, tuy số lượng có học hàm, học vị cao chiếm tỷ lệ khá, nhưng hai năm nay, số lượng về hưu khá lớn. Cụ  thể số giảng viên là giáo sư, năm 2006: 42 người, năm 2008 còn 22 người; số phó GS, năm 2006: 147 người, năm 2008, còn 135 người. Ở một trường đào tạo kỹ thuật vào loại lớn nhất cả nước, mà những điều kiện bảo đảm chất lượng, thiếu thốn như vậy, thì chất lượng đào tạo "chính danh" sẽ ra sao, khi hướng tới việc đánh giá ngoài, nhằm "lọt" qua cánh cửa KÐCLGD.

Tại hội nghị sơ kết về công tác KÐCLGD đại học mới đây, ý kiến của đại diện Trường ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh lại nêu một góc độ khác. Ðó là lãnh đạo nhà trường quản lý các khoa cho đến giảng viên lại chưa quan tâm tới công tác bảo đảm chất lượng đào tạo cả giảng dạy lẫn nghiên cứu khoa học. Lý do cơ bản, giảng viên nhà trường luôn quá tải về khối lượng công việc, nhất là về giảng dạy. Một khi "cầu" còn cao hơn "cung" thì rõ ràng, bảo đảm chất lượng nói riêng, việc KÐCLGD nói chung chưa thể trở thành nhận thức sâu sắc và hành động tích cực của các trường.

... Và hướng tới "văn hóa chất lượng"

Việc không quan tâm đúng mức tới KÐCLGD không phải của riêng Trường ÐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, mà là tâm lý phổ biến của nhiều trường ÐH. Vì việc KÐCLGD sẽ dễ dàng làm bộc lộ sự yếu kém của các trường. Ðây là một tâm lý thực tế. Nhưng một thực tế khác cũng đáng quan tâm và ngành cần có biện pháp kiểm soát, định hướng hoặc chỉ đạo. Ðó là KÐCLGD với nhịp độ nhanh, do áp lực tâm lý, do mục tiêu kiểm định, kể cả tâm lý bệnh thành tích, cũng sẽ dễ dẫn đến việc "kiểm định rởm", công nhận ào ào, và "cho qua hết". Do đó, các tiêu chí đánh giá không chỉ mang tính chất định tính, mà cần phải được định lượng cụ thể, rõ ràng, bảo đảm sự đánh giá chính xác. Trong đánh giá đội ngũ giảng viên, ngoài những tiêu chí về phẩm chất, trình độ chuyên môn, tay nghề... nếu không định lượng (tỷ lệ giảng viên/sinh viên/bộ môn, thì làm sao có thể đánh giá đúng chất lượng. Việc đánh giá tiêu chí còn cần sự kết hợp với thông tin phản hồi của các thành phần tham gia vào đào tạo và sử dụng đào tạo: Sinh viên đang học, sinh viên cũ, các doanh nghiệp... Không chỉ ở ta, việc đánh giá và KÐCLGD các nước đều cần được kết hợp các góc độ khác nhau, bảo đảm cả định tính và định lượng. Việc đánh giá không chỉ ở tổng thể, mà dần dần đi sâu vào từng lĩnh vực, từng mặt. Dần dần, tạo cho mọi thành phần: Cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên một ý thức, một tâm lý và tâm thế từ chấp nhận đến tự giác tham gia vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó hình thành nên "văn hóa chất lượng". KÐCLGD được coi là biện pháp, công cụ, phương tiện; nhưng xây dựng "văn hóa chất lượng" của các trường, của toàn ngành mới là mục tiêu cuối cùng của lĩnh vực này.

          KIM DUNG

Do công tác bảo đảm chất lượng còn mới mẻ, nên trước hết cần phải tuyên truyền để tạo nên sự hiểu biết và nhận thức cho đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên. Nhưng muốn xây dựng "văn hóa chất lượng" trong trường, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo từ Bộ Giáo dục và Ðào tạo đến cơ sở, các đại học, trường đại học, học viện... Có biện pháp thu hút sự tham gia, cam kết thực hiện công tác bảo đảm chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, giảng viên, sinh viên.

TRỊNH THỊ ÐỊNH

(Ban Bảo đảm chất lượng giáo dục Ðại học Huế)

------------------

Từ thực tiễn triển khai công tác tự đánh giá (đánh giá trong), Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận thấy có 10 điểm là yếu tố dẫn đến thành công: Ðó là: 1) Phải có sự quyết tâm của lãnh đạo nhà trường. 2) Xây dựng và lập kế hoạch  cho toàn bộ quá trình tự đánh giá chất lượng nhà trường.  3) Cử người có năng lực tham gia các nhóm chuyên trách. 4) Chỉ đạo quyết đoán và phù hợp thực tiễn của Ban Giám hiệu, và sự điều hành của bộ phận thường trực. 5) Phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân thực hiện. 6) Khai thác tối đa hồ sơ, tài liệu. 7) Có sự hợp tác, trao đổi thông tin giữa các nhóm khi viết báo cáo tiêu chí. 8) Thường xuyên nắm được thông tin từ cơ quan chức năng chỉ đạo. 9) Tận dụng tốt chuyên gia tư vấn. 10) Có kinh phí hợp lý cho thực hiện tự đánh giá.

ÐINH TUẤN DŨNG

(Trung tâm Khảo thí và KÐCLGD
- Trường ÐH Kinh tế quốc dân)

--------------------

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua, nhưng công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại những bất cập, yếu kém. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng về công  tác đánh giá và KÐCLGD chưa thật sự sâu sắc. Một số người chưa thấy được vai trò của KÐCLGD đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ðiều này dẫn đến việc triển khai KÐCLGD ở một số trường còn mang tính hình thức, chất lượng các báo cáo tự đánh giá chưa cao, vai trò của các trung tâm, phòng, hoặc tổ bảo đảm chất lượng còn mờ nhạt, công tác cải tiến chất lượng còn hạn chế...

NGUYỄN AN NINH
Cục trưởng Khảo thí và KÐCLGD
Bộ Giáo dục và Ðào tạo


(Theo Nhân Dân)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất