(TCTG)- Theo bản báo cáo đầu tiên của Ủy ban khí hậu Chính phủ Ôxtrâylia được công bố ngày 23/5, mực nước biển sẽ có thể dâng lên 1 mét trong một thế kỷ tới do khí hậu nóng lên. Bản báo cáo đã nêu rõ các bằng chứng về việc khí hậu trái đất nóng lên là rõ ràng và thập kỷ vừa qua đã ghi nhận mức nhiệt độ nóng nhất chưa từng có.
Dựa trên các số liệu khoa học mới nhất được thu thập trên thế giới, nghiên cứu trên cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính làm nhiệt độ trái đất tăng lên, các đại dương nóng hơn và mực nước biển tăng.
Giáo sư Will Steffen, quan chức Ủy ban khí hậu, nhấn mạnh: ‘‘Tôi cho rằng mực nước biển trung bình cao nhất vào năm 2100 sẽ cao hơn mực nước biển trung bình cao nhất của năm 1990 từ 50 centimet đến 1 mét’’.
Mặc dù dự báo trên cao hơn mức dự báo của Nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (GIEC) vào năm 2007, ở mức dưới 80 centimet, giáo sư Will Steffen chỉ rõ không có mâu thuẫn bởi GIEC đã nhắc đến khả năng mực nước biển có thể tăng cao hơn.
Giáo sư Will Steffen đã tuyên bố với báo chí: ‘‘Bây giờ chúng ta đã bị chậm mất 5 năm, chúng ta sẽ biết nhiều hơn về các chỏm băng. Chúng tôi có nhiều thông tin chính xác về đảo Groenland. Chúng tôi biết các lớp băng đang tan rất nhanh. Điều đó cho thấy cần nâng cao mức đánh giá mực nước biển sẽ tăng lên tới 1 mét’’.
Theo bản báo cáo trên, chỉ cần mực nước biển tăng 50 centimet sẽ gây tác động không mong muốn, với lũ lụt nghiêm trọng tại các thành phố ven biển của Ôxtrâylia như Sydney và Melbourne.
Ông Steffen đã chỉ rõ trong một số trường hợp, thiên tai bình thường xảy ra chỉ một lần/một thế kỷ, thì hiện xảy ra một lần/năm./.
Theo báo Liberation (Bài dịch)