Ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, của thiên tai đã khó, nhưng khó hơn là ứng xử như thế nào để đứng lên sau thảm hoạ và phát triển bền vững.
Không chỉ đối với nước ta, thiên tai là thách thức với tất cả các quốc gia trên khắp hành tinh. Lũ lụt, sạt lở đất, sóng thần… mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của hàng ngàn người.
Việt Nam - 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu cũng đang đứng trước những ẩn hoạ khó lường của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Dự báo tốt sẽ giảm bớt được phần nào những thiệt hại từ thiên tai gây ra nhưng quan trọng hơn là ứng xử với thiên tai như thế nào cho phù hợp khi biến đổi khí hậu đang gây những ẩn hoạ khó lường.
Quả thật mới qua nửa đầu tháng 5, thời tiết miền Bắc đã có những dấu hiệu khá bất thường: không khí lạnh tăng cường khiến nhiều vùng thuộc miền núi phía Bắc như Sìn Hồ (Lai Châu) hay Sapa (Lào Cai) “đón” rét hại giữa mùa hè. Chỉ cách đây một tuần, trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng đã hoành hành ở tỉnh Lào Cai. Cột nước lũ cao hơn 3 m đã khiến cho 400 nhà dân bị ngập nước, tràn bùn; trong đó có khoảng 200 ngôi nhà bị đổ sập, đất cát vùi lấp, trôi hết đồ đạc… Các chuyên gia khí tượng thuỷ văn nhận định: không thể coi đây là hiện tượng bình thường so với trung bình nhiều năm.
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây nên, thời tiết bất thường cần được dự báo và cảnh báo sớm, chính xác và cộng đồng phải có biện pháp chủ động đối phó.
Nằm giáp biển Đông, năm nào cũng chịu ảnh hưởng của 5 - 10 trận bão, nhưng xem ra cách ứng xử với thiên tai ở nước ta còn thiếu chuyên nghiệp, thậm chí thiếu nhận thức, lơ là, chủ quan.
Hàng năm, chúng ta vẫn nói rất nhiều về những biện pháp ứng phó với thời tiết bất thường như rét đậm, rét hại ở vùng núi phía Bắc; phải làm sao để tránh thiệt hại về người và đàn gia súc khi thiên tai xảy ra. Thế nhưng năm nào có rét đậm rét hại là y như rằng đàn gia súc bị thiệt hại nặng nề. Đỉnh điểm của thiệt hại là năm 2010 vừa qua vẫn có tới 26.000 con gia súc bị chết do giá rét. Đó đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn những thông tin đau lòng về cái chết của những người dân “không sợ bão” vẫn đi kiếm củi, bắt cá khi lũ về. Đó là cách ứng xử với thiên tai chưa đúng mực và không thể đổ lỗi cho cái nghèo.
Khi thiên tai không được báo trước, hậu quả sẽ thật khó lường. Có một thực tế là gần đây, những bản tin dự báo thời tiết nhiều khi còn chung chung, chưa chính xác, khiến người dân mất lòng tin. Đã đến lúc cần đánh giá, thay đổi và nâng cấp không chỉ thiết bị, mà cả năng lực của hệ thống dự báo Việt Nam. Bởi rõ ràng, công tác dự báo hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Thiên tai, xét cho cùng là cách thiên nhiên quay lưng lại với con người. Khi rừng bị tàn phá không thương tiếc, cân bằng sinh thái ngày một mất dần, ô nhiễm công nghiệp diễn ra một cách ồ ạt, xô bồ thì khái niệm “rừng vàng biển bạc” đã khác đi rất nhiều. Khi quy luật tự nhiên dần mất đi cũng là lúc thiên tai diễn ra ngày một khốc liệt hơn.
Bài học tự đứng lên sau thảm hoạ mà Nhật Bản vừa trải qua sẽ mãi còn nguyên giá trị của nó với những nước thường xuyên phải hứng chịu những cơn giận dữ của thiên nhiên. Đó là bài học của sự chủ động, kiên cường trong ứng phó với thảm hoạ, là tầm nhìn về phong cách ứng phó chuyên nghiệp hơn. Bát gạo cứu đói có thể làm ấm lòng những người dân đứng lên sau thảm hoạ nhưng sâu xa hơn phải làm sao biến những hỗ trợ ấy thành những dự án đầu tư phát triển cụ thể đối với các vùng miền để năm sau thiệt hại không lớn bằng năm trước.
Để tầm nhìn ấy thành hiện thực, cũng không thể thiếu sự tham gia và đóng góp của kinh tế tư nhân, các tổ chức đoàn thể xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong quá trình tái thiết sau thiên tai và xây dựng an sinh xã hội. Ứng phó với thiên tai đã khó, nhưng khó hơn là ứng xử như thế nào để đứng lên sau thảm hoạ và phát triển bền vững./.
Nguyễn Mỹ Hà/VOV