Gần nửa năm sau ngày chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến hành
chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Afghanistan và lại là cuộc tấn công vào sào huyệt của lực lượng Taliban - nơi mà người tiền nhiệm của ông chưa động chạm tới.
Như vậy, vị tổng thống mới của nước Mỹ không chỉ tiếp tục cuộc chiến tranh mà người tiền nhiệm đã phát động ở đất nước này, mà trên thực tế còn tiến hành cuộc chiến tranh đầu tiên của chính mình trên cương vị Tổng thống nước Mỹ.
Có thể thấy ngay là Mỹ theo đuổi mục tiêu rất cao với chiến dịch quân sự này và vì thế cũng phải chấp nhận không ít rủi ro. Mục tiêu của Mỹ đúng là đánh vào sào huyệt của Taliban và trụ lại ở đó, có nghĩa là tiêu diệt những căn cứ cuối cùng của Taliban, xóa sổ những khu vực đất thánh của Taliban. Nhưng đó không phải là mục tiêu duy nhất mà Mỹ theo đuổi với chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua này.
An ninh và ổn định không được đảm bảo ở Afghanistan, trong khi thời điểm cuộc bầu cử tổng thống ở đây đang tới gần, Chính phủ Pakistan đang dốc sức, quyết tâm không để Taliban tiếp tục gây bạo loạn và kích động ly khai, Taliban hoạt động không chỉ ngày càng mạnh mẽ mà còn táo tợn và liều lĩnh hơn ở Afghanistan...
Tất cả những chuyện ấy đã buộc Mỹ và đồng minh phải đối đầu quân sự quyết liệt hơn với Taliban ở Afghanistan, mà lại phải càng sớm càng tốt vì càng chần chừ thì Taliban càng có thời gian để củng cố lực lượng và chế ngự người dân ở khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Mỹ và Pakistan có thể cùng nhau tạo thành thế gọng kìm, đẩy Taliban vào bước đường cùng.
Chiến dịch quân sự này thể hiện quyết tâm của chính quyền mới ở Mỹ trong việc thiết lập, đảm bảo và duy trì an ninh và ổn định ở Afghanistan - mà mấu chốt của quá trình ấy là đánh Taliban đến mức tổ chức này không còn khả năng đe dọa chính an ninh và ổn định đó ở Afghanistan.
Nhưng đồng thời, chính quyền mới ở Mỹ cũng còn muốn qua đó phát đi thông điệp là sẵn sàng sử dụng sức mạnh và những ưu thế khác của Mỹ để thực hiện lợi ích của Mỹ không chỉ ở Afghanistan.
Cho tới nay, ông Obama luôn chủ ý thể hiện sự khác biệt so với người tiền nhiệm, đặc biệt trong chuyện sử dụng vũ lực quân sự của Mỹ. Nhưng với chiến dịch quân sự này, ông Obama đưa lại bằng chứng cho thấy, khi cần thì cả chính quyền mới ở Mỹ cũng không ngần ngại sử dụng phương cách chủ lực của chính quyền tiền nhiệm.
Có thể nói, chiến dịch quân sự này cũng còn là một cách Mỹ thể hiện thái độ về những gì mới xảy ra ở Iran và CHDCND Triều Tiên. Nó là cuộc chiến đầu tiên và cũng là thử thách lớn đầu tiên của ông Obama./.
(Theo Lao Động điện tử)