Trước tình trạng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như dịch sởi đã xảy ra rải rác tại một số địa phương và dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát , Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đối với bệnh sởi, dịch đang xảy ra rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa và hai thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân do một số cháu không được tiêm đầy đủ 2 mũi vắcxin phòng bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có những biện pháp rất quyết liệt, có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở y tế và các ngành phối hợp tiêm phòng cho tất cả trẻ có trong danh sách chưa được tiêm mũi 1 và mũi 2. Đồng thời, Bộ đã tổ chức giao ban trực tuyến hướng dẫn qui trình tiêm chủng và kiểm tra đối với các tỉnh; thực hiện qui trình chẩn đoán điều trị để giảm tỷ lệ tử vong các cháu.
Nhìn chung sởi là bệnh lành tính, nếu có tử vong là do gia đình đưa trẻ đến bệnh viện muộn. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do các cháu không được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, sau khoảng 3 – 5 năm, số trẻ được tiêm chủng không đủ sẽ dẫn đến số tích lũy trẻ không có miễn dịch tăng lên và tạo ra những đợt tăng của bệnh. Tốt nhất là các bà mẹ phải đưa con đi tiêm chủng đầy đủ cả hai mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng (mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi).
Đồng thời với dịch sởi, dịch cúm gia cầm cũng đang có nguy cơ lan rộng. Hiện nay nước ta có khoảng 20 tỉnh, thành phố đang ghi nhận dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ liên quan trong công tác phòng chống dịch. Về phía ngành y tế, đã tăng cường tuyên truyền để người dân tránh tiếp xúc và ăn những thực phẩm liên quan đến gia cầm mắc bệnh hoặc chết. Hai trường hợp tử vong vừa qua đều có sử dụng gia cầm chết. Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân những biện pháp phòng bệnh rất đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, tăng cường sức đề kháng.
Đối với tuyến điều trị, ngành y tế tăng cường tập huấn, đặc biệt là các đơn vị huấn luyện điều trị; chuẩn bị cơ số thuốc, máy móc, trang thiết bị cũng như tập huấn nhân lực để đối phó kịp thời khi dịch xảy ra.
* Hiệu quả của việc triển khai “đường dây nóng”
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Đường dây nóng” là giải pháp mà ngành y tế triển khai nhằm giải quyết một cách tức thời và quyết liệt đối với những bức xúc của người dân khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập.
Qua hai tháng triển khai “đường dây nóng” bước đầu đã phát huy hiệu quả. Theo đó, gần 50% cuộc gọi không đúng nội dung hoặc thử xem có đúng là “đường dây nóng” không; còn lại khoảng 50% cuộc gọi đúng nội dung, như phản ánh thái độ, qui trình khám chữa bệnh. Trong số các phản ánh đúng thì có gần 40% phàn nàn về thái độ của các y, bác sỹ như không hướng dẫn tỉ mỉ hoặc cáu gắt.
Các trường hợp phản ánh với bệnh viện thì bệnh viện xử lý; những trường hợp phản ánh lên Sở Y tế thì Sở Y tế phải xử lý ngay; nếu phản ánh đến Bộ Y tế thì cán bộ trực hoặc gọi điện xử lý hoặc gửi công văn yêu cầu Sở Y tế xử lý.
Cụ thể như trường hợp một cháu bé đi tiêm chủng nhưng phải về vì không có vắc xin. Ngay sau khi nhận được phản ánh, cán bộ trực “đường dây nóng” của Bộ Y tế đã gọi điện ngay xuống địa phương và cháu bé đã được tiêm chủng ngay. Hoặc trường hợp một cụ già khi đến bệnh viện tỉnh khám bệnh đã bị bác sỹ từ chối. Sau khi nhận được phản ánh qua “đường dây nóng”, trường hợp này đã được thông báo ngay cho giám đốc bệnh viện và cụ già cũng đã được khám, điều trị ngay. Một trường hợp khác là khi Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đi kiểm tra về trực Tết đã nghe một cụ già phàn nàn về thái độ của y, bác sỹ, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có công văn gửi Sở Y tế của địa phương đó. Ngay sau đó, bác sỹ và điều dưỡng trực hôm đó đã bị cảnh cáo tại giao ban toàn thể bệnh viện; đồng thời chuyển công tác khác. Một trường hợp nữa tại Bạc Liêu, sau 2 lần nhận được phản ánh qua “đường dây nóng” về trường hợp hộ lý nhận tiền của người dân, cán bộ đó đã bị buộc thôi việc…
“Đường dây nóng” hiện được triển khai theo 3 mức, tại Bộ Y tế khi nào nhận được phản ánh sẽ xử lý ngay, sau đó là đến Sở Y tế. Còn tại bệnh viện, các lãnh đạo phải thay phiên trực 24/24 giờ để xử lý các phản ánh của bệnh nhân và người nhà. Biện pháp này trước tiên làm giảm các bức xúc của người dân, đồng thời cũng là cách để các cán bộ y tế phải chấn chỉnh ngay về thái độ và tinh thần phục vụ. Cách đây vài ngày, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư về Qui tắc ứng xử đối với cán bộ làm công tác dịch vụ y tế. Đây cũng là lần đầu tiên thái độ, qui tắc ứng xử, thực chất là đạo đức nghề nghiệp được văn bản hóa. Đây là cơ sở, hành lang pháp lý cho giám đốc các bệnh viện có thể khen ngợi, hoặc xử lý những trường hợp vi phạm.
Tại các bệnh viện, các lãnh đạo thay phiên nhau trực trả lời ý kiến phản ánh của người dân. Tiếp theo, giai đoạn II, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Viettel thành lập tổng đài di động. Tổng đài này có thể một lúc tiếp nhận và xử lý hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến ở tất cả mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, với những văn bản qui phạm pháp luật, bằng hình thức khen thưởng cũng như kỷ luật, trừ tiền lương, tiền thưởng, thậm chí buộc thôi việc là những biện pháp có tính chất răn đe đối với cán bộ ngành y có sai hạm, trong đó những người tốt sẽ tiếp tục phát huy còn những người chưa tốt thì phải điều chỉnh thái độ, hành vi của bản thân mình.
* Giảm quá tải tại các bệnh viện
Trước bức xúc của người dân về tình trạng quá tải của bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Để khắc phục quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án giảm tải bệnh viện” với nhiều biện pháp. Đặc biệt, để giải quyết thực trạng này cần cả hệ thống chính trị và nhiều bộ, ban, ngành liên quan cùng tham gia. Thứ nhất là phải tăng thêm số giường bệnh vì số giường bệnh trên 10.000 dân của nước ta rất thấp. Bộ Y tế cũng đã xây dựng và triển khai đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Các bệnh viện trung ương sẽ chuyển giao kỹ thuật cao và hiện đại cho 45 bệnh viện ở 32 tỉnh. Như vậy, sau một thời gian khoảng 2 – 3 năm, 45 bệnh viện tỉnh này sẽ tự triển khai kỹ thuật đó và bệnh nhân sẽ không phải chuyển lên tuyến trên. Đồng thời, đề án 1816 chuyển giao công nghệ từ tuyến trên xuống tuyến dưới cũng sẽ giúp tuyến dưới tự thực hiện được các kỹ thuật cao. Hiện nay, nhiều tỉnh đã tự làm được những kỹ thuật cao như mổ tim, can thiệp tim mạch ngay tại chỗ và bệnh nhân được chăm sóc chu đáo.
Đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt để xây dựng 5 bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, sau 3 – 5 năm các bệnh viện sẽ hoàn thành và hình ảnh các bệnh viện trung ương tuyến cuối tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện.
Trước tình trạng người bệnh phải chờ lâu khi đi khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bộ Y tế đã ban hành quyết định 1313 với nội dung: Cải thiện và mở rộng phòng khám, kê thêm khoa phòng khám bệnh, tăng thêm bác sỹ, khám sớm hơn và kết thúc sớm hơn; người bệnh có thể lấy số thứ tự, thậm chí được hẹn giờ khám trên điện thoại. Tại khoa khám bệnh ở một số bệnh viện đã được kê thêm ghế cho bệnh nhân ngồi chờ; có cửa riêng cho trẻ dưới 6 tuổi và người già. Đồng thời, ngành y tế đã giảm bớt thủ tục từ 9-12 chữ ký để thanh toán bảo hiểm xuống còn 6 chữ ký. Tất cả các xét nghiệm đều cố gắng lấy mẫu bệnh phẩm ngay tại nơi khám bệnh để người bệnh không phải đi lại nhiều… Như vậy, thời gian khám bệnh trung bình đã giảm 40 phút, có những nơi giảm một tiếng đồng hồ.
Tại một số bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được khám bệnh trong ngày; tuy nhiên cũng có trường hợp xét nghiệm phức tạp phải 2 – 3 ngày sau mới có kết quả. Như vậy, bước đầu với quyết định 1313 về cải cách thủ tục hành chính, mở rộng khoa khám bệnh và tăng cường bác sỹ, giờ khám bệnh, giảm bớt các thủ tục đã giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân./.
TTX