Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 27/2/2014 10:20'(GMT+7)

Niềm tin từ đề án 1816

 Từ việc chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới cho cơ sở, trình độ chuyên môn của cán bộ ngành Y tế Lào Cai đã được nâng lên, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống, bước đầu đem lại niềm tin cho nhân dân địa phương.

Được hưởng lợi nhiều nhất từ đề án 1816 có lẽ là những người dân nghèo nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh Lào Cai, những người không có điều kiện đi xa để khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện tuyến huyện của tỉnh giờ đã thực hiện được những ca phẫu thuật khó đòi hỏi trình độ và tay nghề cao như mổ cấp cứu bệnh nhân bị vết thương xuyên thấu phổi và ngừng thở, phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân vỡ gan...

Mặc dù đã hơn một năm trôi qua, song gia đình anh Sìn A Vinh, 21 tuổi, ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến người thân mình cận kề cái chết do bị tai nạn trượt ngã khi vào rừng lấy củi. Khi ấy, Sìn A Vinh nhập viện trong trạng thái hôn mê, da lạnh, xanh, mạch đập nhanh, nhỏ, niêm mạc nhợt nhạt, khó thở. Kíp trực của Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát tối hôm đó, do bác sỹ Lê Quyết Thắng phụ trách chẩn đoán đây là một ca bệnh nặng đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật cao. Rất may các y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Bát Xát trước đó đã được những thành viên trong Đề án 1816 truyền đạt những kinh nghiệm và cách xử lý ghép gan, nên đã tự tin quyết định mổ cấp cứu bệnh nhân. Bác sỹ Lê Quyết Thắng cùng các đồng nghiệp đã tiến hành mổ, xử lý phần gan bị tổn thương, ca mổ kéo dài 2 tiếng. Sau phẫu thuật một thời gian ngắn, sức khỏe của bệnh nhân Sìn A Vinh dần hồi phục và xuất viện sau đó 2 tuần.

Xã Phìn Ngan là một xã vùng sâu của huyện Bát Xát với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Từ khi triển khai Đề án 1816, người dân ở đây đã được hưởng lợi trong việc khám chữa bệnh. Bà Vàng Lở Mẩy, cán bộ y tế cơ sở trên địa bàn vui mừng: “Có bác sĩ ở huyện về tận đây khám chữa bệnh cho bà con, bà con yên tâm lắm, mong các bác sĩ về đây nhiều hơn, để bà con khi bị bệnh nặng khỏi phải đi khám bệnh xa”.

Trong 5 năm qua, gần 900 cán bộ y tế luân phiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chuyển giao 869 kỹ thuật và trực tiếp khám, chữa bệnh cho trên 147.200 lượt người, phẫu thuật hơn 6.200 ca, cứu sống hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao... Từ năm 2009 đến nay, cán bộ y tế từ các bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao cho cán bộ y tế tỉnh 266 kỹ thuật; tỉnh chuyển giao cho các huyện 344 kỹ thuật; huyện chuyển giao cho các xã 259 kỹ thuật. Ngoài ra, theo Đề án 1816 đã có 240 lớp tập huấn về chuyên môn được mở cho gần 2.790 học viên tham gia. Nhờ đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã tự chủ được nhiều kỹ thuật cao như nội soi đại tràng, mở thông màng phổi tối thiểu, chọc hút nang thận, cấp cứu ngừng tuần hoàn, điều trị sẹo lồi, chọc dò dịch não tủy qua ống sống thắt lưng, sinh thiết gan, dẫn lưu đường mật qua da, chụp CT-Scanner bằng máy simen 2 dãy... Riêng trong năm 2013, có 310 kỹ thuật vượt tuyến thuộc các chuyên ngành: mắt, tai-mũi-họng, chẩn đoán hình ảnh, vi sinh-ký sinh trùng, giải phẫu bệnh và tế bào học, xét nghiệm... được thực hiện tại các đơn vị y tế, phát huy hiệu quả điều trị cho bệnh nhân tại tỉnh, giảm đáng kể tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến. Vì thế, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, người dân ngày càng tin tưởng vào đội ngũ y bác sỹ trên địa bàn.

Đề án 1816 đã giúp ngành y tế Lào Cai khắc phục những khó khăn về nhân lực và góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Với sự tâm huyết, tận tụy của đội ngũ cán bộ luân phiên xuống cơ sở, đặc biệt là cán bộ trẻ, chắc chắn chất lượng y tế vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục được nâng lên…/.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất