Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong việc tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư hiện đại và cạnh tranh hơn.
“Mười nước ASEAN là đối tác kinh tế, đối tác chiến lược của Mỹ. Một khu vực ASEAN phát triển năng động với 600 triệu dân được kỳ vọng là thị trường xuất khẩu đặc biệt quan trọng giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay”. Đây là thông điệp được các quan chức Mỹ khẳng định một lần nữa trong các cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Siem Reap, Campuchia, hôm 30/8.
Bắt đầu các hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44, sáng 30/8 đã diễn Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp ASEAN-Mỹ. Đây là diễn đàn doanh nghiệp cấp cao chính thức đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN từ trước đến nay, là dịp để các đại diện doanh nghiệp Mỹ và ASEAN trao đổi quan điểm về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ; cùng đưa ra các đề xuất về chính sách và cơ chế thông qua đối thoại trực tiếp với các bộ trưởng kinh tế, thương mại của ASEAN.
Với chủ đề “Kinh tế Kỹ thuật số và Đổi mới”, diễn đàn tập trung thảo luận những chủ đề như điện toán đám mây, những đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN nhận định, trong 10 nước ASEAN, mới chỉ có Singpore và Brunei đạt ngưỡng các nước phát triển, tính theo thu nhập bình quân đầu người. Các nước còn lại vẫn ở mức thu nhập trung bình và dưới trung bình. Đổi mới công nghệ và áp dụng nền kinh tế kỹ thuật số chính là giải pháp giúp các nền kinh tế ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
|
Đại sứ Mỹ tại ASEAN David Carden phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN-Mỹ |
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại ASEAN David Carden nhấn mạnh, với lợi thế về công nghệ thông tin, kỹ thuật số tiên tiến, Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong việc tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư nhanh chóng, hiện đại và cạnh tranh hơn.
“Thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và kinh tế kỹ thuật số cũng có vai trò không thể thiếu trong việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Chỉ riêng mạng Internet đã đóng góp nhiều cho tăng trưởng hơn kinh tế hơn bất kỳ lĩnh vực truyền thống nào. Công nghệ sẽ giúp thống nhất mười nước ASEAN thành một thị trường duy nhất, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công nghệ số cũng sẽ giúp kết nối người dân ASEAN trong một tương lai chung”, Đại sứ David Carden nói.
Trong Hội nghị Tham vấn diễn ra sau đó, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Đại diện Thương mại Mỹ ghi nhận, bất chấp các khó khăn hiện nay, quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn phát triển bền vững, đạt 194 tỷ USD trong năm 2011. Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ năm của Mỹ. Quan trọng hơn, Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba vào ASEAN, với các dự án trị giá 160 tỷ USD trong năm 2011././.
Theo VOVnews