Ðồng thời, chính quyền Ðài Loan (Trung Quốc) thông báo ghi nhận
trường hợp mắc cúm A(H6N1) đầu tiên trên người. Tuy nhiên, hiện nay WHO
vẫn chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi lại và giao lưu thương mại,
nhưng đã có khuyến cáo các du khách đến khu vực có ổ dịch không nên tiếp
xúc với gia cầm và đến các chợ bán gia cầm sống. Bên cạnh đó, WHO đang
tiếp tục theo dõi sự biến chủng của vi-rút cúm gia cầm lây sang người và
nguy cơ của sự biến chủng lây từ người sang người.
Tại Việt Nam, thời điểm này chưa phát hiện nhiễm cúm A(H7N9), cúm
A(H10N8), cúm A(H6N1) trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, từ đầu năm
2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận hai trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên
người tại tỉnh Bình Phước và Ðồng Tháp, cả hai trường hợp này đều chết.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả hai trường hợp nói trên đều có tiền sử
dịch tễ tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết.
Nhận định về tình hình dịch bệnh, nhất là cúm A(H7N9), PGS, TS Trần
Ðắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Cúm A(H7N9) có tỷ
lệ tử vong cao, diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ lớn xâm nhập
vào nước ta do dịch có số ca mắc gia tăng đột biến trong hơn một tháng
đầu năm 2014, với số ca mắc nhiều hơn so với số tích lũy của cả năm
2013. Ðặc biệt, ghi nhận nhiều trường hợp mắc mới tại tỉnh Quảng Ðông
(Trung Quốc), là nơi có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương
mại và trao đổi hàng hóa lớn. Ðiều đáng lo ngại, vi-rút cúm A(H7N9) lưu
hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng cho nên khó
khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia
cầm.
Tuy nhiên tổ chức Nông lương Liên hợp quốc vừa thông báo có kết quả
xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9) từ mẫu bệnh phẩm lấy từ gia cầm
tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là tỉnh giáp với Việt Nam, nơi có hai ca
bệnh trong tháng 1-2014. Ðiều này cung cấp thêm bằng chứng về sự tồn
tại của vi-rút trên gia cầm và nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Bên cạnh đó, việc buôn bán vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung
Quốc rất khó kiểm soát. Thêm vào đó là tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ
lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư khiến
cho việc kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra gặp khó khăn. Vấn đề bảo đảm an
toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú
trọng, làm tăng nguy cơ dịch bệnh, cũng như thời tiết giao mùa Ðông -
Xuân thuận lợi cho vi-rút cúm phát triển làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
PGS, TS Trần Ðắc Phu cho biết: Trước tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9)
diễn biến hết sức phức tạp, tăng cao đột biến tại Trung Quốc, có nguy cơ
rất lớn xâm nhập vào nước ta và tình hình cúm A(H5N1) có nguy cơ bùng
phát trở lại, nhằm chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, Cục Y
tế Dự phòng đề nghị các cấp có thẩm quyền tập trung chỉ đạo công tác
giám sát sự lưu hành các chủng vi-rút cúm trên gia cầm, nhất là chủng
vi-rút cúm A(H7N9), cúm A(H10N8), cúm A(H6N1) và cúm A(H5N1) và khi dịch
xuất hiện kịp thời thông báo cho Bộ Y tế để triển khai các biện pháp
phòng lây truyền bệnh sang người. Phối hợp với các cơ quan chức năng
trên địa bàn triển khai quyết liệt công tác quản lý thị trường nhằm ngăn
chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm
khắc các trường hợp lưu thông, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không
được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, nhất là tại các chợ
đầu mối...
Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động
phòng, chống dịch cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) không hoang mang làm ảnh
hưởng việc cung ứng và tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm; khuyến
cáo người dân không sử dụng thực phẩm mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc;
không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ
sinh; tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống cúm A(H7N9) và
cúm A(H5N1) trong mùa lễ hội năm 2014...