Giáo sư Nguyễn Trần Hiển đã cho biết như vậy khi trong thời gian gần
đây, tại Trung Quốc đã có một số trường hợp nhiễm và tử vong do nhiễm
cúm A/H10N8 từ gia cầm.
Chiều 8/2, trả lời phóng viên Vietnam+, giáo sư Nguyễn Trần
Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, thời gian
vừa qua ngành y tế đã xét nghiệm rất nhiều các ca bệnh viêm phổi nặng
nghi ngờ do nhiễm virus cúm gia cầm, tuy nhiên cho đến giờ phút này chưa
phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm H10N8 ở người.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển đã cho biết như vậy khi trong thời gian gần
đây, tại Trung Quốc đã có một số trường hợp nhiễm và tử vong do nhiễm
cúm A/H10N8 từ gia cầm.
Trước tình hình trên, để phòng chống bệnh cúm A/H10N8 lây sang người,
ông Hiển cho biết tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện vệ sinh dịch
tễ, sở y tế các tỉnh thành phố tăng cường công tác giám sát chặt chẽ
các ca bệnh viêm phổi cấp tính ở người, những chủng bệnh bất thường để
kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xem do virus cúm nào gây ra để có
các biện pháp khống chế kịp thời.
Để phòng tránh bệnh cúm A/H10N8 lây từ gia cầm sang người, Viện trưởng
Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương khuyến cáo người dân an toàn sinh học
trong chăn nuôi, dùng bảo hộ lao động khi tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ
có bệnh. Khi người dân phát hiện có gia cầm chết hàng loạt cần báo cáo
với các cơ sở y tế và thông báo cho chính quyền địa phương.
Đặc biệt, ông Hiển nhấn mạnh biện pháp đơn giản mà phòng bệnh hiệu quả
là người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để hạn chế việc phơi
nhiễm với các virus có trong gia cầm trong môi trường.
Trong công tác bảo quản thực phẩm, người dân cần tránh để lẫn thức ăn sống với thức ăn chín.
Theo giáo sư Hiển, hiện nay giới chuyên gia dịch tễ cũng lo ngại virus
cúm H10N8 lưu hành lặng lẽ ở các đàn gia cầm, nhưng vẫn có nguy cơ lây
truyền sang người. Trường hợp lây nhiễm virus cúm này có thể bệnh diễn
biến nặng dẫn tới tử vong./.
TTX