Làm sao để giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong mỹ thuật
ứng dụng, đặc biệt là khi mỹ thuật ứng dụng Việt vẫn còn lúng túng trong
đề tài, cách thể hiện và vẫn còn những sản phẩm mỹ thuật Việt phải
“mượn” hình ảnh từ các điển tích nước ngoài?
Những vấn đề trên đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đưa ra tại
Hội thảo "Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” diễn ra ngày
28/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh do Trường Đại học Văn Lang phối hợp
với Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học, nhà phê bình nghiên cứu
mỹ thuật-văn hóa, họa sỹ, nhà sưu tầm, nghệ nhân; các doanh nghiệp, các
cơ sở đào tạo mỹ thuật.
Trăn trở của giới mỹ thuật
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu ngành mỹ thuật ứng dụng đã có dịp bày
tỏ những trăn trở của mình đối với ngành mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật
ứng dụng-lĩnh vực phong phú về loại hình, chuyên ngành và có sự phổ cập
sâu rộng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa Việt giữa những ảnh hưởng từ
nước ngoài.
Thạc sỹ-họa sỹ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học
Văn Lang chia sẻ, hiện nay người dân thường trọng hàng ngoại hơn.
Mặc dù hàng trong nước được sản xuất số lượng nhiều song còn hạn chế và
chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vẫn còn nhiều sản phẩm ngoại
lai, lấy mẫu mã từ nước ngoài.
Các sản phẩm vẫn chưa xây dựng được hình ảnh, đất nước, con người Việt
Nam. Du khách nước ngoài đến Việt Nam muốn tìm kiếm những sản phẩm đặc
trưng làm quà tặng cũng gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ông
Huỳnh Văn Mười cho rằng, một số hình thái văn hóa ngoại lai có vẻ đang
“lấn sân” vào môi trường sống, sinh hoạt của người Việt, như tình trạng
các không gian thờ tự của Phật giáo Nam Tông đang được trang trí sử dụng
tượng Phật ngoại, làm biến dạng phong cách dân tộc Việt, hay như việc
các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc thiểu số đang mất dần bản sắc riêng vì
không còn thực hiện cách tạo sợi, se sợi, nhuộm màu theo phương pháp
truyền thống.
Phó giáo sư-tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng bộ môn Văn hóa ứng
dụng-khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Thành phố Hồ
Chí Minh đánh giá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang thiếu và yếu trầm
trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là những sản phẩm mang đậm
bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữ hồn Việt trong sáng tác mỹ thuật ứng dụng
Những năm qua, sáng tạo mới độc đáo, hiện đại, mang chất “Việt Nam” đã
được nhiều nghệ sỹ mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc sư tìm tòi, nghiên cứu,
sáng tác, thể hiện.
Nhiều công trình, tác phẩm đã được quốc tế công nhận như thiết kế du
lịch của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Nghĩa, tác phẩm của các nhà thiết kế
thời trang Minh Hạnh, Lê Sỹ Hoàng ghi dấu ấn Việt rất đậm nét…
Tuy nhiên, xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa trên thế giới đã và đang đặt
ra nhiều thách thức đối với nền mỹ thuật Việt Nam trước việc đưa tác
phẩm Việt ra thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều Nghị quyết như Nghị quyết 23-NQ/TW
năm 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng văn học, nghệ thuật
trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 về “Xây dựng và
phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền
vững của đất nước” và nhận được sự tán thành, ủng hộ của giới chuyên môn
cũng như dư luận xã hội.
Để gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc, ông
Huỳnh Văn Mười cho rằng giới mỹ thuật cần trao đổi, chia sẻ, tìm ra
những biện pháp tư duy để thực hành sáng tạo, thiết kế mẫu mã, thi công,
sản xuất nên những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có giá trị thẩm mỹ, giá
trị kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần tạo môi trường để sinh viên, nhà thiết
kế, nghệ sỹ tương lai hiểu và nhận ra vai trò, nhiệm vụ chức năng đặc
biệt của mình trong nền mỹ thuật của Việt Nam và thế giới trên cơ sở đạo
đức nghề nghiệp, tinh thần sáng tạo, lòng tự trọng và tình yêu quê
hương Việt Nam.
Đối với việc phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống dân tộc, ông
Phan Quân Dũng chia sẻ, làng nghề là nơi có khả năng tuyên truyền, giới
thiệu tốt văn hóa vùng miền nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm
năng.
Theo ông, làng nghề được xem là nơi tiềm năng, phát huy tối đa giá trị
văn hóa bản địa. Điểm hạn chế của làng nghề là các mối quan hệ đối
ngoại, sản xuất và xuất khẩu khi mở rộng quy mô.
Vì vậy, nếu có chính sách cụ thể và hợp lý của chính quyền cùng với bàn
tay của doanh nghiệp hỗ trợ thì các sản phẩm mang đậm nét văn hóa địa
phương của Việt Nam sẽ được giới thiệu với nhiều nước trên thế giới./.
Gia Thuận (TTXVN)