Thứ Sáu, 20/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 31/10/2013 14:26'(GMT+7)

Nam Ðịnh nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống các trường chính trị

Cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng kiến thức an ninh - quốc phòng tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Ý Yên.

Cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng kiến thức an ninh - quốc phòng tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Ý Yên.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Ðịnh  Trần Văn Chung, thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, các huyện, thành phố trong tỉnh tiến hành tổng rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và tuyển dụng đủ định biên cho các đơn vị, với tổng biên chế hơn 5.000 người. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống các trường chính trị ở Nam Ðịnh đã mở khoảng 400 lớp đào tạo, bồi dưỡng LLCT, chuyên môn nghiệp vụ cho khoảng 40 nghìn lượt học viên.

Hằng năm, TTBDCT thành phố (TP) Nam Ðịnh mở từ 25 đến 28 lớp, bao gồm các loại chương trình như đào tạo sơ cấp LLCT, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới, bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ, đoàn thể chính trị xã hội, bồi dưỡng kiến thức an ninh - quốc phòng cho cán bộ cơ sở, với khoảng 3.000 lượt học viên theo học. Giám đốc TTBDCT thành phố Nam Ðịnh Trần Thị Ngoan cho biết: Tại TTBDCT cấp huyện hiện nay có rất nhiều đối tượng đào tạo. Nội dung, chương trình của từng đối tượng tương đối giống nhau, vì vậy, trong quá trình giảng bài, đòi hỏi giảng viên phải hết sức linh loạt, vận dụng đúng, sát thực tiễn, phù hợp công việc của từng đối tượng.  Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra tình trạng, mỗi trung tâm, thậm chí có giảng viên khi vận dụng, liên hệ chưa phù hợp nội dung, yêu cầu bài giảng. Khắc phục tình trạng này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các TTBDCT tổ chức hàng chục buổi hội thảo, hội giảng và đi đến thống nhất "Các TTBDCT cấp huyện là nơi trang bị kiến thức cả về phương diện lý luận và thực tiễn cho cán bộ huyện và cơ sở".

Cùng với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hệ thống các trường chính trị ở Nam Ðịnh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngang tầm nhiệm vụ. Với vai trò "nhạc trưởng" trong chuyên môn, Trường chính trị Trường Chinh từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, quản lý có trình độ ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ðối với các TTBDCT, theo quy định có từ bốn đến sáu biên chế nên cán bộ quản lý của các trung tâm đều tham gia đứng lớp và sử dụng giảng viên kiêm chức đều là những cán bộ giàu kinh nghiệm thực tiễn, có ý thức, trách nhiệm cao. Từ năm 2011 đến nay, hệ thống các trường chính trị trong tỉnh đã mở 63 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; kỹ năng nắm bắt, làm chủ công nghệ thông tin và đào tạo trung cấp luật cho khoảng 2.000 lượt học viên thuộc 22 chức danh của chính quyền cấp xã. Các lớp học này đều được các huyện và cơ sở đánh giá cao.

Giám đốc trung tâm Trần Văn Thế cho biết: "Mọi hoạt động của trung tâm đều đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Huyện ủy. Hằng năm, trung tâm gửi kế hoạch định hướng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT tới tất cả các ban, ngành và các xã trong huyện để họ chủ động xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở đó, trung tâm lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của toàn huyện. Kế hoạch chung này do Thường trực Huyện ủy phê duyệt. Số giảng viên kiêm nhiệm gồm 13 đồng chí cũng do Thường trực Huyện ủy quản lý, phân công nhiệm vụ trên cơ sở tham mưu của giám đốc trung tâm. Vì lẽ đó, mọi chương trình, lịch giảng của trung tâm đều "thông đồng, bén giọt", hiếm khi xảy ra tình huống giảng viên kiêm nhiệm bận công việc đột xuất không lên lớp được. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, huyện Ý Yên cơ bản chuẩn hóa được đội ngũ cán bộ cấp xã và có bước đột phá trong bồi dưỡng LLCT, chuyên môn cho cán bộ, đảng viên ở thôn, xóm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập là phần lớn các đơn vị còn lúng túng với bài toán "TTBDCT thuộc khối Ðảng hay chính quyền quản lý". Một số giám đốc trung tâm than phiền, khổ nhất là những lúc đi xin kinh phí. Cơ quan chức năng ở khối chính quyền "nâng lên đặt xuống" nhiều lần mới duyệt. Thậm chí có trường hợp khi trung tâm làm dự án xin mua bộ máy chiếu trị giá khoảng 60 triệu đồng nhưng khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ được 40 triệu đồng với lý do địa phương còn nghèo, phải tiết kiệm; hoặc tự tiện cắt xén cả kinh phí hoạt động thường xuyên của TTBDCT. Về vấn đề này, Giám đốc Trần Văn Thế cho rằng, cần phải xem xét từ hai phía, có thể là do cấp ủy, chính quyền ở đó còn xem nhẹ, "khoán trắng" công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho TTBDCT; hoặc do trung tâm chưa chủ động vươn lên tự khẳng định mình./.

Đăng Ngọc Oanh (nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất