Cùng với lý luận văn học và lịch sử văn học, phê bình văn học là một bộ phận của khoa nghiên cứu văn học, là khoa học phân tích và đánh giá tác phẩm văn học, nhà văn và hiện tượng văn học. Phê bình văn học chủ yếu có tác động trực tiếp đến vấn đề văn học và tác phẩm văn chương đương đại nên hoạt động phê bình văn học nghiễm nhiên là một phần quan trọng của đời sống văn học.
Lịch sử phê bình văn học Việt Nam tính từ thời điểm ra đời tác phẩm có tính khoa học đầu tiên là “Phê bình và cảo luận” (Nam Ký tùng thư xuất bản, 1933) của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý (1908-1978), cho đến nay là một chặng đường dài. Thời điểm hơn 10 năm đầu thế kỷ 21, phê bình văn học Việt Nam đứng trước cơ hội rút ngắn khoảng cách với trình độ phê bình văn học thế giới, song vẫn còn đó nhiều trở ngại mà để vượt qua cần phải sự chung tay của rất nhiều người tâm huyết.
Nếu phê bình văn học hiện nay được phân chia theo hai loại là phê bình học thuật và phê bình báo chí thì phê bình học thuật có thể nói là nhiều mảng sáng hơn. Rất nhiều cây bút trẻ quyết dấn thân đã hình thành một lớp các nhà phê bình kế cận nhiều triển vọng như: Trần Ngọc Hiếu, Trần Thiện Khanh, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến, Ngô Hương Giang… Thế hệ nhà phê bình học thuật trẻ này vẫn sẽ chưa thể thoát khỏi thân phận “con dao pha”, không thể chuyên tâm làm phê bình mà vẫn phải ôm đồm những công việc khác. Trong khi đó, các nhà phê bình trẻ không phải ai cũng đủ trình độ và thời gian đọc, dịch trực tiếp các lý thuyết phê bình nước ngoài để áp dụng nhằm kiến giải các vấn đề văn học Việt Nam một cách sâu sắc hơn. Nếu có các dịch giả chuyên dịch các tác phẩm lý thuyết kinh điển thì công việc của các nhà phê bình sẽ đỡ vất vả. Song, các dịch giả lại không mấy mặn mà dịch các tác phẩm đầy rẫy những thuật ngữ rắc rối nên thiết nghĩ, thông qua những tổ chức nghề nghiệp uy tín như Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học hoặc lập ra một Ủy ban dịch thuật để thẩm định bản dịch và tài trợ cho các dịch phẩm lý thuyết văn học nước ngoài còn chưa chuyển ngữ sang tiếng Việt. Đây là một việc làm thiết thực, hỗ trợ các nhà phê bình và thúc đẩy trình độ phê bình văn học Việt Nam tiệm cận mặt bằng thế giới ở cấp độ tư duy, nhận thức, tri thức.
Một hạn chế có thể thấy rõ ở phê bình học thuật đó là thiếu sự liên kết để có thể hoàn thành những dự án nghiên cứu văn học. Những đề tài lớn nghiên cứu văn học thường do một cơ quan Nhà nước chủ trì huy động trí tuệ của các nhà khoa học cùng chung tay giải quyết. Song, khi đề tài kết thúc, ai nấy lại trở về với công việc của cá nhân hoặc cơ quan mình mà không hợp tác gắn kết với nhau để lập ra một đường hướng nghiên cứu hay đi sâu vào một đề tài mới. Ai cũng biết, mỗi một phương pháp phê bình không thể là “chìa khóa vạn năng” lý giải mọi chiều kích của tác phẩm, tình trạng “đơn thương độc mã” trong phê bình văn học chỉ giúp soi sáng phần nào một giai đoạn văn học nào đó, những giai đoạn khác thì bỏ ngỏ. Vấn đề là Nhà nước không phải lúc nào cũng sẵn kinh phí chi cho các dự án nghiên cứu văn chương nên chính các nhà khoa học và quan trọng hơn là các cơ quan nghiên cứu lớn cần ngồi lại với nhau để cùng thống nhất một số phương hướng nghiên cứu, tránh tình trạng chia cắt như hiện nay.
Bước đầu, cần rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu của các viện với giảng dạy ở các trường, thay vào đó phải tăng cường việc nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, trong đó có việc đưa các giáo sư đầu ngành về các trường đại học. Việc này có rất nhiều lợi ích, không chỉ các nhà nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu còn thiếu về học thuật trong sinh viên để khỏa lấp khoảng trống; mà sinh viên lại được cập nhật các thành tựu phê bình mới để hiểu sâu sắc về một vấn đề trong văn học. Những sinh viên sau này ra trường nếu làm công việc liên quan đến phê bình văn học chắc chắn sẽ được trang bị một số kiến thức căn bản về khoa học văn học; từ đó, nhìn nhận các hiện tượng văn học một cách khách quan, trình bày những cách đọc thuyết phục. Phê bình văn học Việt Nam những năm gần đây không phải không có thành tựu nhưng lại không đến được với những người có nhu cầu. Không hiếm sinh viên ngữ văn ở các trường đại học lớn gần như không có khả năng hiểu được các lý thuyết phê bình văn học đương đại, tệ hơn, họ bị “hổng” kiến thức trầm trọng do vẫn đọc và học theo những giáo trình cũ, không cập nhật các kết quả nghiên cứu văn học mới. Một khi đã có “đặt hàng” từ các trường đại học, hẳn nhiên sẽ kích thích các nhà nghiên cứu thực hiện các dự án một cách tận tụy, đầy hứng khởi; thay vì mỗi năm làm qua loa vài ba đề tài để đủ chỉ tiêu, thời gian còn lại đi vào “mảnh đất” nghiên cứu của mình mà không chắc sẽ có tác dụng gì với những bạn đọc có nhu cầu.
Hai giải pháp nói trên dành cho phê bình học thuật thực sự không đòi hỏi khoản kinh phí lớn từ ngân sách. Và nếu tiết kiệm kinh phí từ những lớp bồi dưỡng ngắn ngày không hiệu quả hay tài trợ in ấn những cuốn sách nghiên cứu vô thưởng vô phạt mà tập trung kinh phí cho những công việc trọng tâm, trọng điểm thì sẽ góp phần đưa phê bình văn học ở nước ta có thêm bước phát triển về chất. Một khi sinh hoạt học thuật trở nên lành mạnh, những tiếng nói vị khoa học, vị nghệ thuật nhiều lên thì những tiếng nói lạc lõng, phi văn chương, có dụng ý xấu về chính trị, đạo đức... khó có tác động đến dư luận./.
Trần Hoàng Hoàng (QĐND)