Tại sao phải xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia? Bởi biểu tượng văn hóa quốc gia là sự kết tinh những giá trị tinh túy, đặc sắc nhất thể hiện rõ lịch sử, truyền thống, tâm hồn, cốt cách, trí tuệ của cả cộng đồng dân tộc. Nhìn vào biểu tượng văn hóa quốc gia, người ta có thể dễ dàng nhận biết đó là bản sắc, diện mạo của quốc gia nào.
“Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia để quảng bá ra thế giới”. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong “Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại sao phải xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia? Bởi biểu tượng văn hóa quốc gia là sự kết tinh những giá trị tinh túy, đặc sắc nhất thể hiện rõ lịch sử, truyền thống, tâm hồn, cốt cách, trí tuệ của cả cộng đồng dân tộc. Nhìn vào biểu tượng văn hóa quốc gia, người ta có thể dễ dàng nhận biết đó là bản sắc, diện mạo của quốc gia nào. Nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, khi truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc dễ bị xói mòn, xóa nhòa do sự tác động sâu rộng của quá trình hội nhập quốc tế, thì việc xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần giữ vững vị thế, hình ảnh quốc gia dân tộc.
Việt Nam luôn tự hào vì có truyền thống lịch sử mấy nghìn năm với một nền văn hiến lâu đời, với truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường và giành chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến giữ nước, giải phóng dân tộc, được nhân dân thế giới khâm phục. Dù chưa có những công trình văn hóa đồ sộ, kỳ vĩ, nhưng hình ảnh Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chiếc áo dài truyền thống hay món phở Hà Nội… cũng được bạn bè quốc tế biết đến từ lâu. Mới đây, chiếc nón lá bài thơ Huế-đại diện cho nón lá Việt Nam-được Tạp chí Rough Guides của nước Anh, bình chọn vào tốp trang phục truyền thống ấn tượng nhất thế giới.
Dẫn chứng ra các ví dụ đó để thấy, Việt Nam ít nhiều cũng đã có biểu tượng văn hóa được bạn bè thế giới biết đến. Tuy vậy, những biểu tượng đó chưa thực sự lan tỏa sâu rộng ra khắp năm châu bốn biển. Mặc dù nước ta có tiềm năng tài nguyên văn hóa- du lịch hết sức dồi dào, phong phú, song một phần do chưa biết cách khai thác đúng tầm, phần khác do chưa đủ nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm và cũng bởi thiếu tầm nhìn, chính sách, nên đến nay nước ta vẫn chưa xây dựng được biểu tượng văn hóa quốc gia ngang tầm với nền văn hóa, lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Trong 21 năm qua (1993-2014), Việt Nam đã có 20 di sản được vinh danh ở tầm thế giới, trong đó chỉ có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản thiên nhiên-văn hóa hỗn hợp, còn lại 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo khảo sát gần đây của ngành du lịch, có tới 70% du khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu là để tìm hiểu, khám phá về văn hóa Việt Nam. Đó là những tiềm năng, lợi thế mà chúng ta cần tiếp tục khai thác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch, phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn, chúng ta phải chú trọng đầu tư nguồn lực, trí tuệ để sớm xây dựng những công trình văn hóa, sản phẩm văn hóa thực sự tiêu biểu, có giá trị sâu sắc về tư tưởng, nghệ thuật và thẩm mỹ, phản ánh đậm nét về lịch sử, truyền thống, văn hóa, sức mạnh của con người và đất nước Việt Nam. Việc đầu tư này có thể tốn kém, nhưng sẽ mang lại những giá trị văn hóa, du lịch bền vững cho đất nước.
Biểu tượng văn hóa quốc gia là chiều sâu, sức mạnh của một nền văn hóa. Một khi xây dựng được những công trình, sản phẩm văn hóa-với tư cách là biểu tượng văn hóa quốc gia-chúng ta không chỉ có cơ hội làm cho văn hóa Việt Nam đủ sức lan tỏa, vang xa và thẩm thấu vào trái tim bạn bè quốc tế, mà còn khẳng định được vị thế, tầm vóc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thế giới đương đại./.
Thiện Văn (QĐND)