Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 31/10/2011 12:58'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức cấp huyện ở Hải Dương

Ảnh minh Họa

Ảnh minh Họa

  Sau gần 15 năm, hoạt động dạy và học ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở tỉnh Hải Dương đã cơ bản đi vào nề nếp, chất lượng chuyên môn không ngừng được củng cố và nâng cao, làm tốt công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở.
 Đạt được kết quả đó có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân quan trọng hàng đầu là nhờ có đội ngũ giảng viên kiêm chức.
Hiện nay, 12 Trung tâm cấp huyện của tỉnh có tổng số 192 giảng viên, trong đó, đội ngũ giảng viên kiêm chức là 152 đồng chí. Về trình độ chuyên môn, có 04 đồng chí thạc sĩ (chiếm 2,6%); có 148 đồng chí trình độ đại học, cao đẳng. Về trình độ lý luận, 100% có trình độ trung cấp và tương đương trở lên. Về chức vụ, có 02 đồng chí Bí thư huyện ủy, 03 đồng chí Chủ tịch UBND huyện, 05 đồng chí Phó Bí thư thường trực, 70 đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ. Số giảng viên kiêm chức còn lại là các đồng chí trưởng, phó và cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, trong đó nhiều đồng chí là ủy viên BCH đảng bộ cấp huyện...
Nhìn chung, đội ngũ giảng viên kiêm chức của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở Hải Dương cơ bản đủ về số lượng, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu; có trình độ, có vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, giữ nhiều cương vị lãnh đạo, một số đồng chí có năng lực sư phạm khá tốt. Do vậy trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên đã truyền đạt, kết hợp kiến thức lý luận gắn với thực tiễn ở địa phương làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ... Chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên. Việc quản lý điều hành và sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm chức, các huyện, thị, thành uỷ giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phối hợp với cơ quan chủ quản giảng viên, cùng với giảng viên bố trí sắp xếp công việc để tham gia giảng dạy. Trung tâm có trách nhiệm cung cấp giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo... cho từng giảng viên; thông báo lịch giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên giảng dạy có chất lượng, đồng thời chi trả phụ cấp giảng bài theo đúng chế độ hiện hành.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức, bên cạnh việc định kỳ tập huấn phương pháp giảng dạy cho giảng viên, nhiều Trung tâm đã chủ động phân công lại bài giảng phù hợp với sở trường của từng giảng viên, tổ chức cho giảng viên đi thực tế để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy, tổ chức dự giờ, nhất là dự giờ đối với các đồng chí giảng viên mới.
Một cố gắng đáng ghi nhận là, cho đến nay hầu hết các Trung tâm đã mua sắm máy chiếu đa năng và đưa vào sử dụng khá hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức của Trung tâm còn một số hạn chế: vẫn còn tình trạng bị động khi bố trí lịch giảng ở một số chương trình; chất lượng đội ngũ giảng viên không đồng đều; một số đồng chí còn ngại nhận giảng các chương trình mang tính lý luận cơ bản (như chương trình sơ cấp lý luận chính trị, phổ cập sơ cấp lý luận chính trị, đảng viên mới), ít quan tâm đến cập nhật bổ sung những lý luận, kiến thức mới vào giảng dạy; chuẩn bị giáo án lên lớp còn sơ sài, ngại tiếp cận công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng bài giảng không cao; một bộ phận giảng viên chưa thực sự dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy, chưa quan tâm nhiều đến việc dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy (như dự giờ, toạ đàm, chấp hành việc kiểm tra giáo án...).
Để nâng cao chất lượng giảng viên nói chung, giảng viên kiêm chức nói riêng nhằm đáp ứng với nhiệm vụ giảng dạy lý luận của Trung tâm cấp huyện trong tình hình mới, cần quan tâm làm tốt một số vấn đề sau:Tiếp tục củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng và quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng cán bộ cơ sở trong giai đoạn mới
Về số lượng, cấp uỷ huyện, thành phố cần chú ý rà soát, lựa chọn và bố trí xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức cho Trung tâm. Trung tâm chủ động rà soát số lượng, trình độ, thống kê, đánh giá việc tham gia giảng dạy, phát huy tác dụng của đội ngũ giảng viên kiêm chức trong thời gian qua để tham mưu với cấp ủy thành lập đội ngũ giảng viên kiêm chức theo hướng tinh gọn, thực chất, hiệu quả. Mỗi Trung tâm chỉ nên bố trí khoảng 10 giảng viên kiêm chức và nhất thiết phải có quyết định công nhận của cấp uỷ cấp huyện.Về chất lượng, đây là vấn đề vô cùng quan trọng nên cần tập trung vào một số điểm như: Tiêu chí đầu vào của giảng viên phải được đảm bảo theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, kiên quyết không bố trí giảng viên kiêm chức có trình độ lý luận và trình độ chuyên môn trung cấp trở xuống. Giảng viên của Trung tâm phải được thường xuyên bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Phải có kế hoạch phân công bài giảng, phân công lịch giảng cụ thể cho từng chương trình phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ và đặc thù công tác của từng giảng viên ngay từ đầu năm. Đồng thời, cung cấp tài liệu, danh mục tài liệu tham khảo cho giảng viên; thông báo sớm lịch giảng từng bài giảng, buổi giảng để giảng viên, nhất là giảng viên kiêm chức chủ động bố trí tham gia giảng dạy.Tham mưu với cấp ủy để xây dựng cơ chế thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra giáo án, ký duyệt giáo án trước khi lên lớp. Khắc phục tình trạng không nghiên cứu kỹ nội dung, soạn giáo án sơ sài; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy “chay”, lên lớp không có giáo án. Hàng năm phải có khảo sát, đánh giá, xếp loại giảng viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân có thành tích cao, đồng thời cũng nghiêm khắc kiểm điểm những giảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc có vi phạm quy chế...
Đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng chất lượng hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị.
Hiện nay, ở Trung tâm BDCT, các giảng viên vẫn áp dụng phương pháp thuyết trình, vấn đáp, sử dụng tài liệu, sách giáo khoa, minh họa... Trước sự phát triển và tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự tiến bộ bùng nổ của mạng lưới thông tin... trình độ nhận thức của người học cũng có bước thay đổi. Do đó, đòi hỏi giảng viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hoá hơn nữa quá trình học tập của học viên, phải tạo ra được cơ chế “buộc” học viên phải tham khảo tài liệu, chủ động nắm bắt nội dung môn học, nhằm hiểu sâu hơn nữa kiến thức. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện hỗ trợ công tác giảng dạy.
Bên cạnh việc trang bị mới và bổ sung những phương tiện vật chất – kỹ thuật như xây dựng trường lớp kiên cố, bàn, ghế, tủ sách, trang âm... cũng cần thiết phải trang bị thêm những phương tiện và thiết bị dạy học theo hướng hiện đại như: máy vi tính, máy chiếu... cho giảng viên. Bổ sung các loại giáo trình, sách báo, tài liệu tham khảo trong hệ thống thư viện là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là các loại tài liệu tham khảo phải được cập nhật thường xuyên; sớm trang bị đầy đủ bộ giáo trình chuẩn về các chuyên ngành Mác-Lênin; các sách kinh điển của Mác-Ănghen-Lênin-Hồ Chí Minh và các tài liệu tham khảo khác; thực hiện nối mạng LAN, mạng Internet và đảm bảo việc khai thác thông tin từ Internet... Đa dạng hóa các hình thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện đầy đủ các chế độ, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ giảng viên làm việc đạt hiệu quả cao.
Cùng với các giải pháp nêu trên, các cấp có thẩm quyền cũng cần kịp thời đổi mới chế độ, chính sách đãi ngộ, quan tâm đến lợi ích vật chất và tinh thần để đội ngũ giảng viên kiêm chức cùng với đội ngũ giảng viên chuyên trách của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị làm tốt nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở./.

NGUYỄN MẠNH THẮNG
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất