Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước”. Tham dự hội thảo gồm các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu lý luận, đại diện Ban Tuyên giáo các Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh khẳng định công tác nghiên cứu lý luận là một bộ phận cốt yếu trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Công tác này trực tiếp góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận và trình độ tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới đến nay, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc triển khai đường lối đổi mới của Đảng; bổ sung, phát triển nhiều vấn đề lý luận; hình thành đường hướng phát triển của đất nước; xây dựng mô hình, bước đi phù hợp trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, công tác lý luận, tổng kết thực tiễn còn có nhiều hạn chế như: một số vấn đề lý luận chưa được làm rõ, chậm được tổng kết; nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được nghiên cứu sâu...
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, trình bày tham luận, tập trung thảo luận thực trạng và đưa ra các giải pháp hiệu quả thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đóng góp thiết thực phục vụ công tác xây dựng các văn kiện Đại hội XII của Đảng.
PGS. TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ sau gần 30 năm đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận đã đạt được những thành tựu ban đầu đặc biệt quan trọng. Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn thời gian qua đã thực sự góp phần làm cơ sở khoa học và thực tiễn tin cậy cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tronng quá trình đổi mới. Những quyết sách quan trọng và những thành công to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới vừa qua có một phần đóng góp của công tác nghiên cứu lý luận. Đặc biệt, công tác lý luận bằng nhiều con đường khác nhau đã góp phần quan trọng đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế không chỉ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp mà còn của mọi tầng lớp nhân dân.
Một thực trạng trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn đã được nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chỉ rõ là nhiều công trình nghiên cứu, lý luận đã nghiệm thu được đánh giá rất cao, nhưng kết quả vận dụng vào thực tế lại thấp; nhiều công trình và đề tài nghiên cứu ở nhiệm kỳ sau thường trùng lắp về chủ đề, chỉ khác ở chữ “trong tình hình mới”, mà thực tế có khi những công trình và đề tài được nghiệm thu sau chẳng những không cao hơn mà còn thấp hơn, không mới hơn mà còn sao chép công trình cũ. Khoảng cách giữa kết quả nghiên cứu lý luận và kết quả vận dụng lý luận vào thực tiễn không phải được thu hẹp lại mà dường như dần doãng ra, bởi lẽ, bên cạnh những vấn đề cũ chưa được làm sáng tỏ như mong muốn, thì nhiều vấn đề mới lại nảy sinh, quá tầm với của nghiên cứu lý luận. Trong đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng và lý luận, dường như cũng có sự tách biệt, cán bộ làm tư tưởng chỉ quan tâm tới tư tưởng còn cán bộ lý luận lại chỉ chuyên về lý luận mà thiếu sự gắn kết với tư tưởng để thông qua giải quyết tư tưởng mà nâng cao hơn nữa tầm lý luận.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương), sở dĩ các công trình nghiên cứu lý luận hiện nay trùng trùng lớp lớp nhưng giá trị thì không cao là vì chúng ta thiếu những chuyên gia, những nhà lý luận thực sự xuất sắc. Các nhà lý luận hiện nay lại coi nhẹ nghiên cứu hàn lâm và rẻ rúng nghiên cứu tư biện, chạy theo kiểu nghiên cứu “ăn xổi” nên không có các công trình nghiên cứu lý luận tầm vóc đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nhà báo Hà Đăng cho rằng Hội nghị Trung ương 5 khóa X và Đại hội XI đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp vừa khái quát, vừa cụ thể, cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Chủ động nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết phát triển, các trào lưu lý luận và các thành tựu khoa học xã hội thế giới. Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Khẩn trương ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị. Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận; cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp với nhu cầu thực tiễn....
Theo nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, muốn làm tốt công tác tổng kết thực tiễn thì người làm công tác này phải có tính phê bình cao, trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật chứ không né tránh, chạy theo thành tích, phô trương thành tích. Với tâm lý sợ đụng chạm, hiện nay trước những vấn đề nóng của đất nước ít thấy các nhà nghiên cứu lý luận vào cuộc. Vì thế, để khắc phục được những bất cập trong công tác lý luận, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa lý luận và chính trị. Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ chế chính sách phù hợp để thực sự khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu lý luận, tạo ra được những công trình xứng tầm với thời đại.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong thời gian tới, các đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp như sau:
Một là, tổ chức lại các cơ quan lý luận của Đảng, của nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn; xây dựng quy chế hoạt động nghiên cứu và quản lý công tác lý luận.
Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận có trình độ cao, đủ sức giải quyết những vấn đề do thực tiễn đất nước và thời đại đặt ra.
Ba là, tăng ngân sách đầu tư cho các hoạt động lý luận, phân bổ hợp lý nguồn kinh phí nhà nước cấp nhằm bảo đảm từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu lý luận.
Bảo Châu