(TCTG)- Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời xa chúng ta về với thế giới người hiền, Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng viết: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nươc ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người lại làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam - Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, Người còn đồng thời là “một trong những người hiếm có, được lịch sử giao phó, Người tiêu biểu cho một nền đạo đức mới, đạo đức mác-xít mang đầy nhân tính sâu sắc và đầy tinh thần xả thân quên mình”[1]. Trong tư tưởng của Người, không thể có một Đảng luôn trong sạch, luôn vững mạnh, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, XHCN, nếu không có một đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng luôn thấm nhuần său sắc tinh thần “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
1. Trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, vì nếu không có đạo đức cách mạng họ không thể lãnh đạo được nhân dân, không thể hoàn thành được nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó. Bởi vậy, thấm nhuần những nguyên lý của học thuyết Mác- Lênin, nhưng khác với Mác luôn thực hành sâu sắc nguyên tắc để “lý luận thâm nhập vào thực tiễn” sẽ trở thành sức mạnh; khác với Lênin luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng một tổ chức cách mạng làm điểm tựa, Hồ Chí Minh chú trọng đến phẩm chất đạo đức và sự nêu gương của những người cách mạng.
Người quan niệm đạo đức là gốc của người cách mạng, và khi người cách mạng có lý luận Mác Lênin làm nền tảng tư tưởng, được rèn luyện trong một tổ chức cách mạng, thấm nhuần đạo đức cách mạng thì nguồn sức mạnh nội lực của mỗi người sẽ được nhân lên bội phần. Từ định hướng đó, trong những năm 1925-1927, trong bài giảng đầu tiên cho lớp thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra 23 điều răn thể hiện rõ 3 mối quan hệ (với tự mình, đối với người, đối với công việc) làm chuẩn mực của đạo đức cách mạng trong mục “Tư cách người cách mệnh”. Sau đó, nội dung hàm chứa sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, không ham hư danh, không màng danh lợi, v.v.. của những người cách mạng do Hồ Chí Minh nêu ra đã được in trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) tại Quảng Châu, và tiếp đó được nhắc lại dưới nhiều hình thức trong các bài viết, tác phẩm và cuối cùng thể hiện rõ trong bản Di chúc lịch sử.
Trong mỗi thời điểm lịch sử, mỗi bước chuyển của sự nghiệp cách mạng và đi liền cùng đó là những khó khăn, thử thách ngày một khắc nghiệt xuất hiện trong thực tiễn, Hồ Chí Minh đã từ nhận thức sâu sắc của mình, quan tâm đặc biệt đến vấn đề đạo đức cách mạng, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. Với Người, dù còn hoạt động bí mật, bị giam cầm trong nhà tù đế quốc hay khi đã trở thành một nguyên thủ quốc gia, một Chủ tịch Đảng cũng vẫn là một Hồ Chí Minh không chỉ thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống tư tưởng ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, lãng phí xa hoa, mà còn luôn mẫu mực trong thực hiện, đồng thời thường xuyên đưa ra những cảnh báo về căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân cùng những phương thuốc đặc trị chúng.
Năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra ngày một gay go quyết liệt, từ sự tiên liệu và khát vọng về việc xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”, là hiện thân của “danh dự và lương tâm của dân tộc”, cùng với quá trình viết, chỉnh sửa và bổ sung vào bản Di chúc lịch sử (từ 1965 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để xây dựng Đảng
Người viết: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau và thực tiễn cho thấy, trong tiến trình cách mạng, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng đã không ngừng phấn đấu, sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi của cách mạng, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Trên mọi lĩnh vực, người cán bộ đảng viên “gái cũng như trai” đều gương mẫu đi đầu, đều trở thành mực thước cho nhân dân noi theo. Là những người cộng sản thấm nhuần “tư cách người cách mạng”, nên dù bị bắt giam, bị tù đày, bị tra tấn dã man, thậm chí phải hy sinh cả tính mệnh, các cán bộ, đảng viên của Đảng vẫn một lòng kiên trung, bất khuất. Đúng như Người từng nhấn mạnh: “Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào vì có những người con xứng đáng như thế"[2].
Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền sau khi lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Đi liền cùng thắng lợi trọng đại đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng được giao trọng trách giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước và các cơ quan của Đảng. Và quyền lực, danh vị, những đặc quyền, đặc lợi cùng nguy cơ thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng đã bộc lộ và xuất hiện ngày càng nhiều. Ngay khi miền Bắc bước vào cải tạo XHCN, bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng, chúng ta có ba kẻ địch: Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù số một nguy hiểm; thói quen cố hữu là kẻ địch to thứ hai; còn chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch thứ ba luôn ẩn náu trong mỗi con người, là đồng minh của hai kẻ địch kia. Trong đó, kẻ địch thứ 3 tuy không nhìn rõ hình dạng, nhưng luôn rình rập quanh ta, dễ phá ta.
Vì thế, Người nói rất rõ rằng, do cá nhân chủ nghĩa mà không ít người mang trong mình những căn bệnh, những thói hư tật xấu như: "không lo mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình"; “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa”; “tham danh trục lợi” nên chỉ thích địa vị quyền hành, họ chỉ mong nhận được bổng lộc mà quên đi kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ “tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền”,“xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh” mà trở thành xa lạ với nhân dân; “không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu khó học tập để tiến bộ”[3] nên trở thành người “thoái bộ”. Họ thực sự là những kẻ phản bội, có tội với cách mạng và nhân dân. Là những người đã quên đi những thử thách của nếm mật, nằm gai, họ bắt đầu ngại khó, ngại khổ, ngại sự phấn đấu hy sinh, ngại học tập để tiến bộ, tự cho mình quyền được hưởng thụ, quyền được “làm cha mẹ của dân” không phải là đày tớ của nhân dân như Hồ Chí Minh từng mong muốn.
Đã từng một thời là đồng đội, đồng chí và gắn bó chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tin yêu, che chở, nhưng vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, họ tự cho mình là cấp trên, họ ưa mệnh lệnh, chụp mũ người khác. Không thích tự phê bình và phê bình, họ sợ mất thể diện trước quần chúng, không thực hiện dân chủ trong Đảng, càng không lắng nghe ý kiến của quần chúng và do “cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết", "làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân"[4]. "Do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm", họ là những người chỉ biết nghĩ đến mình, đến lợi ích của gia đình, dòng tộc mình mà ưa những người cánh hẩu, địa phương chủ nghĩa, kéo bè, kéo cánh, rời xa và coi thường quần chúng. Người vô tình, người hữu ý, song tất cả họ đều là những “con sâu mọt” đã làm xói mòn lòng tin của quần chúng với Đảng, làm tan vỡ mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân.
Thực trạng này vô cùng nguy hại, nguy cơ này không chỉ làm rạn nứt khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm giảm đi nguồn sức mạnh của Đảng, tính tiền phong của đội ngũ cán bộ đảng viên, mà còn đe dọa sự tồn vong của một Đảng cầm quyền. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhận thức rõ những nguy cơ thoái hoá biến chất trong nội bộ một Đảng Mác xít, Hồ Chí Minh nêu ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chỉ rõ tên kẻ địch nội xâm nguy hiểm và đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ: “Phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”[5].
Chỉ rõ rằng, “phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng”, và “phải hoan nghênh khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”, Hồ Chí Minh coi đó là phương thuốc đặc hiệu để chữa bệnh “cá nhân chủ nghĩa”, thiết thực giúp tất cả các cán bộ, đảng viên đều tiến bộ, góp sức nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng. Cũng theo Người, cùng với tinh thần phê và tự phê một cách chân thành trên cơ sở của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, để xây dựng một Đảng chân chính, chắc chắn mạnh khoẻ, thì “chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”[6]. Đó là những yêu cầu bắt buộc, đó là sự nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng theo những nguyên lý của học thuyết Mác- Lênin.
Hồ Chí Minh viết, "phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng". Nhất quán trong việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên của Đảng trong mọi thời điểm cách mạng, hàm ý sâu sa của Người thể hiện rõ: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù chiến tranh hay thời bình, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta xứng đáng là đại biểu của giai cấp, của nhân dân và của dân tộc; để làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là những chiến sỹ cách mạng vừa tài vừa đức, là tấm gương mẫu mực cho quần chúng noi theo thì nhất định phải tiêu diệt kẻ địch nội xâm, “phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”, “đi sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng”.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nguy cơ và tác hại của căn bệnh "cá nhân chủ nghĩa", Hồ Chí Minh yêu cầu: Người cách mạng phải kiên quyết tiêu diệt nó. Luôn lo lắng và quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, từ nỗi bận tâm và trăn trở của mình về nhiệm vụ trọng yếu này, mùa xuân cuối cùng cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã để lại một di huấn thiêng liêng cho toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng, đó là phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây không chỉ là lời nhắn gửi, là khát vọng của Người về việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng, đó còn là thông điệp vĩnh hằng của Người, là lý luận của Người về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh, ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.
2. Sinh thời, một Hồ Chí Minh thanh cao và giản dị không có gì là của riêng. “Gia đình của Người là Nhân dân, là Đảng và Tổ quốc. Bởi lẽ đó, tất thảy điều gì Hồ Chí Minh dạy và làm, thì mọi người đều ngưỡng mộ và làm theo không chút đắn đo”[7], nên dù Hồ Chí Minh đã đi xa, song tất cả những gì thuộc về Người, hiển hiện từ cuộc đời Người vẫn còn sống mãi. Thời gian càng lùi xa, những điều Người nói, những việc Người đã làm cùng tâm tư nguyện vọng của Người về thực hành trong Đảng nội dung “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Hơn bao giờ hết, với mẫn cảm chính trị và tầm nhìn xa, những điều Người dự báo, nhắc nhở về những nguy cơ suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên về phẩm chất đạo đức, về lối sống, v.v.. trong Đảng ở vào một hoàn cảnh cụ thể, một bối cảnh cụ thể năm xưa cùng những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đe dọa sự sống còn của Đảng đã không còn là cảnh báo, đó đã là sự thật đau lòng, đang hiện hữu trong mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay.
Từ khát vọng về một Đảng cách mạng phải bao gồm những người con ưu tú, tài đức vẹn toàn, theo Hồ Chí Minh, muốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh xứng đáng là danh dự và lương tâm của dân tộc, tất yếu phải tránh được ba nguy cơ tiềm ẩn (sai lầm về đường lối; sa vào chủ nghĩa cá nhân; tự đánh mất mình và rời xa quần chúng). Đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng Đảng ta về trí tuệ và đạo đức, để Đảng vươn lên ngang tầm nhiệm vụ lịch sử được giao phó.
Quy luật của chiến tranh và quy luật xây dựng trong thời bình vốn hoàn toàn khác nhau. Trong chiến tranh, những khó khăn thử thách đã nhiều, trong thời bình và đặc biệt là thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, thử thách càng khắc nghiệt hơn. Những cạm bẫy đời thường, và đi liền cùng đó là tác động khôn lường của nền kinh tế thị trường càng làm cho những nguy cơ suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng cận kề và nhân lên. Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ rằng, “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng lạc hậu còn khó hơn”, nên từ những chỉ dẫn của Người, đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng muốn không tụt hậu, muốn xứng đáng với vị trí tiền phong càng phải phấn đấu và học tập để thấm nhuần điều giản dị nhưng ý nghĩa lớn lao, đó là làm cách mạng để “suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân”[8], chứ không phải làm “quan phụ mẫu của dân” và càng không thể mượn danh để trục lợi.
Cũng từ việc yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc, kiên quyết chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân sẽ đẻ ra hàng trăm thứ vi trùng độc hại, những căn bệnh dễ mắc, dễ lây lan làm băng hoại sức mạnh và khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo Hồ Chí Minh, mỗi người cán bộ đảng viên phải có tinh thần nâng cao đạo đức cách mạng, yêu dân, kính trọng dân, không xa rời thực tế, không xa rời nhân dân... Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch, là đồng minh của giặc ngoại xâm, tiềm ẩn và phá ta từ bên trong, nên nhấn mạnh: chừng nào còn những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa trong nội bộ Đảng, trong mỗi người cán bộ đảng viên, chừng đó những người cách mạng không thể quy tụ được nhân dân, không thể lãnh đạo được nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ bàn nhiều về đạo đức, Người còn gương mẫu thực hiện “quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”, đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ đảng viên rèn luyện đạo đức cách mạng một cách nhất quán và thường xuyên.
Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, Đảng không chỉ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng bằng đường lối, chủ trương đúng, Đảng còn lãnh đạo cách mạng bằng sự mực thước và nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng. Vì vậy, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, hướng lòng mình đến chí công vô tư của mỗi người cán bộ đảng viên của Đảng như Hồ Chí Minh từng nói, từng mẫu mực thực hiện chính là “một cách tốt nhất để xây dựng Đảng”, thiết thực làm cho Đảng xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc. Trong bất cứ thời điểm lịch sử nào, và ở bất cứ nơi đâu, chừng nào đội ngũ cán bộ đảng viên chưa thấm nhuần đạo đức cách mạng, chưa kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chừng đó họ không thể nêu gương trước nhân dân (đặc biệt đối với những người cách mạng phương Đông - nơi một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền).
Tựu chung lại, để cán bộ đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, để Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy được sức mạnh nội lực của trí tuệ và đạo đức, ngày một trưởng thành và vững mạnh, từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, và thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình một cách chân thành, triệt để, phải củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Hơn bao giờ hết, công tác chính trị, tư tưởng trong Đảng phải luôn được bồi dưỡng thông qua các cuộc vận động, các đợt triển khai học tập. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, sinh hoạt chi bộ phải đều đặn với nội dung thiết thực, có kiểm tra chặt chẽ, thưởng phạt rõ ràng. Phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những kẻ thoái hoá biến chất, ham hư danh, chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng, đặc biệt là những cán bộ đảng viên được trao trọng trách cao, có ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Đó là những công việc trọng yếu của công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh ngời sáng với lời dặn lại đầy tâm huyết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân không chỉ là là niềm hy vọng và hoài bão của Người đối với đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng, đó còn là một nhiệm vụ, một yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, để Đảng luôn trong sạch vững mạnh. Hơn bao giờ hết, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thiết thực góp phần xây dựng Đảng và “học được ở cuộc đời Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”[9]./.
- TS. Văn thị Thanh Mai (Bảo tàng Hồ Chí Minh)
[1] Cụ là một người cộng sản, báo Diễn đàn Ca-na-đa, ngày 10/9/1969, Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, tập III, Nxb. Sự thật, H.1971, tr.174
[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438- 439
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.438
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.439
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.439
[7] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. KHXH, H, 1990, tr 130
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.12, tr.555
[9] Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb. QĐND, H, 2001, tr.143