Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 9/9/2009 18:9'(GMT+7)

Người làm mới những bài báo cũ

Ông Mai Thanh Thị với công việc "Tuyển tập" của mình. Ảnh: Phạm Chức

Ông Mai Thanh Thị với công việc "Tuyển tập" của mình. Ảnh: Phạm Chức

Đó là ông Mai Thanh Thị, cán bộ nghỉ hưu, hiện đang tham gia làm công tác Mặt trận và Hội Người cao tuổi phường Quang Trung, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Hiện nay ông Thị đang sở hữu hơn 300 tuyển tập - khoảng trên 13 nghìn bài báo - đây là công trình mà ông đã miệt mài, say mê bỏ công sức sưu tầm, tuyển chọn suốt 12 năm trời, từ sau khi về nghỉ hưu. Ông như một nhà nghiên cứu đam mê với công việc của mình, dày công tìm đọc, mua, sưu tầm hàng vạn tờ báo, tạp chí đủ loại để chọn lọc ra chừng ấy bài báo, tranh ảnh… rồi công phu kẻ vẽ, thiết kế bìa, đóng thành từng tập theo từng chủ đề, từng lĩnh vực...

Với đồng lương hưu không nhiều (ông Thị nguyên là cán bộ của Sở KH-CN Hải Dương) và kinh tế gia đình cũng chưa thật sự dư giả, cho nên ngoài việc đặt mua một số ấn phẩm báo chí mới, ông thường “săn lùng” tìm mua “nguyên liệu” - những tờ báo, tạp chí cũ - tại các địa điểm và những người thu mua sách báo cũ. Ngoài ra, nguồn cung cấp mà ông Thị có được chủ yếu là xin từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Mọi người yêu quý đức tính tiết kiệm và mục đích việc làm của ông nên thường tặng lại ông những tờ báo, tạp chí sau khi xem xong.

Ở cái tuổi "thất thập", người ta vẫn thấy ông đi… và khi về, thế nào trên tay cũng có một tập báo chí cũ. Rồi ông đọc, đánh dấu, phân loại theo chủ đề, cắt, dán từng bài báo, từng bức ảnh, tranh minh họa... Ông luôn sắp xếp thời gian một cách hợp lý để vừa có thể dành cho niềm đam mê của mình-một công việc đòi hỏi sự thận trọng, tỉ mỉ và không kém phần vất vả, vừa hoàn thành tốt công tác xã hội tại địa phương...

Qua tay ông Thị, những tờ báo, tạp chí cũ tưởng như chỉ còn giá trị “gói hàng xén”, “bán giấy cũ” đã trở thành những tuyển tập báo có giá trị sử dụng mới. Cái hay ở các tuyển tập này là tập trung được những bài đã đăng trên nhiều loại báo, nhiều kỳ báo, theo thời gian khác nhau, nên khá phong phú cả về số lượng và có hàm lượng thông tin cao đối với những người nghiên cứu, tham khảo và học tập ở mọi lứa tuổi. Mỗi tập đều có mục lục, rất thuận lợi cho việc tra cứu.

Các tuyển tập được Ông Thị phân loại theo 12 chuyên đề như: Bác Hồ của chúng ta; Những câu chuyện lịch sử; Vì lợi ích trăm năm; Người cao tuổi với đời sống VHXH; Người cao tuổi với sức khỏe đời sống; Người cao tuổi với y học cổ truyền... Trong đó đáng chú ý là Chuyên đề “Bác Hồ của chúng ta” đến nay ông đã tập hợp được 43 tập, với khoảng 2.000 bài và hàng trăm bức tranh, ảnh quý về Bác; Và gần đây nhất ông đã hoàn thành 9 tập chuyên đề “Hướng tới 1000 năm Thăng Long-Hà Nội” với trên 400 bài báo cùng nhiều ảnh minh họa về chủ đề này.

Điều đáng trân trọng hơn là các tuyển tập có giá trị này, ông thường tặng hoặc cho mượn để sử dụng làm tài liệu chính thức mỗi kỳ sinh hoạt Chi bộ, cán bộ hưu trí, Hội người cao tuổi; hoặc cho các cháu học sinh và mọi người làm tài liệu học tập, tham khảo khi tham gia các cuộc thi tìm hiểu ở nhiều lĩnh vực…

Từ những bản gốc ông còn phô tô để tặng bạn bè ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế cùng nhiều cơ quan đơn vị, trường học trong tỉnh.... Ông trở thành người có những món quà rất đặc biệt nên đã nhận được khá nhiều thư cảm ơn của mọi người... Các ông Vũ Oanh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam; Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Văn Chiền, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; NguyễnTúc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và TP. Hải Dương là những “bạn đọc” thường xuyên và rất tâm đắc với bộ tài liệu tuyển tập này của ông Thị…

Vốn là cán bộ khoa học, ông việc làm này như một sự tiếp nối công việc khoa học trước đây của mình và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Thực hành tiết kiệm”./.

Phạm Chức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất