Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại, từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội tháng 10-1954. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mời Người ở ngôi nhà to đẹp của Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây, nhưng Người đã từ chối. Người chọn cho mình một ngôi nhà cạnh bờ ao của người thợ điện đã từng phục vụ Toàn quyền để ở, từ đó nhà này có tên là Nhà 54.
|
Di tích nhà 54 |
Đến năm 1958, Đảng và Nhà nước ta đã làm ngôi nhà sàn gỗ phía bên kia ao mời Người sang ở. Ao nước tù này trước kia vốn bỏ hoang, cỏ dại và hoa súng mọc lan trên mặt nước, đáy hồ ngập rác bùn, là nơi hươu nai của vườn Bách Thảo xuống uống nước. Sau khi về sống và làm việc ở nhà sàn, Người đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá để cải thiện đời sống và làm cho môi trường thêm trong lành. Vâng lời Bác, anh em trong đơn vị bảo vệ đã tổ chức dọn hồ. Sau một tuần, công việc nạo vét hồ đã xong. Bác vui vẻ khen ngợi tinh thần lao động tích cực, khẩn trương của mọi người, sau đó Bác bảo cần làm thêm con đường quanh hồ nữa. Khi đường làm xong, Bác nói vì phiên hiệu của đơn vị là E600, nên đặt tên đường là đường sáu trăm. Và từ đó con đường được mang tên này để kỷ niệm những ngày lao động phục vụ Bác.
Sau khi ao đã được dọn sạch, nạo vét và kè lại bờ thành ao nuôi cá với diện tích 3.320m2, độ sâu trung bình là 2m, xung quanh bờ phía Đông Bắc xây tường, ở dưới tường xây đá. Bờ phía Tây Nam xây xi măng thấp ngang với mặt đất, có nhịp cầu cong cong bắc qua eo nước hẹp, xung quanh hồ có nhiều cây bụt mọc (thuộc họ bách xanh) chạy men theo bờ nước, rễ cây mọc nổi lô nhô như hàng trăm pho tượng Phật. Cá được thả ở đây là cá rô phi, chép, mè, trôi, trắm cỏ,... Trong hồ còn phát triển khá nhiều loại trai, nhiều con đã kết ngọc. Riêng cá trắm phát triển rất nhanh và to, có lần anh em đánh được con cá trắm nặng 24kg. Vì Bác nói rằng nuôi cá phải chọn loại dễ nuôi, mau lớn và sinh sản nhiều. Đó là những loại cá có giá trị kinh tế của nước ta. Phương châm đó của Người là một bài học lớn cho cán bộ ngành thuỷ sản suy nghĩ trong công tác nghiên cứu của ngành mình gắn với quan điểm kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho phong trào sản xuất của quần chúng.
|
Bác Hồ bên ao cá (Ảnh: Tư liệu) |
Bác chăm đàn cá rất chu đáo. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều là lúc Bác cho cá ăn.Trong không gian yên tĩnh của khu vườn, Bác thanh thản ngồi bên cầu ao vỗ tay mấy lần gọi cá, đàn cá nghe được tín hiệu bơi về tập trung tại cầu ao đớp mồi ăn. Thức ăn chủ yếu cho cá thường là cám, ngoài ra buổi sáng lúc ăn điểm tâm, Bác để lại một lát bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao. Bác nhớ đặc điểm của từng con cá chép đỏ nên có lần sau khi đi công tác về, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi? Mấy hôm sau Bác rất vui kể rằng con cá gáy đỏ lại đã trở về rồi. Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn. Cá Bác nuôi rất mau lớn, đàn cá rô phi sản lượng mỗi năm một tăng nên đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn. Cứ mỗi khi có khách trong nước hay nước ngoài được Bác mời cơm thì món ăn “cây nhà lá vườn” là cá Bác tự tăng gia. Hàng năm cứ vào những ngày lễ hoặc Tết cổ truyền, Bác lại nhắc anh em phục vụ bắt một số cá lên làm quà biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời tặng anh em trong đơn vị bảo vệ cùng các gia đình trong cơ quan. Từ ngày Bác đi xa, các đồng chí lãnh đạo của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng với ngành thuỷ sản trực tiếp trông nom ao cá, vẫn giữ nguyên truyền thống tốt đẹp và cảm động này vào ngày sinh nhật Bác 19-5 hàng năm.
|
Thăm ao cá Bác Hồ |
Có thể nói Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là điểm thăm quan du lịch thu hút đông khách nhất nước ta. Mỗi năm có hàng triệu lượt người trong và ngoài nước đến thăm quan nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông nhất là vào các ngày lễ lớn trong năm. Mỗi khi có đoàn khách xuống cầu ao cho cá ăn vỗ tay gọi là đàn cá đủ loại màu sắc nổi lên đớp mồi. Ao cá Bác Hồ là một phần di sản quý báu nằm trong quần thể Khu di tích Phủ Chủ tịch. Cá từ ao cá Bác Hồ còn được đưa đi các địa phương để phát triển phong trào. Năm 1959, hợp tác xã Tiền Phong - Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gần 100 con cá rô phi để nuôi. Địa phương thứ hai được nhận cá rô phi của Bác Hồ là tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1969, một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy ra Trung ương họp được vào báo cáo với Bác về thành tích của tỉnh. Bác hỏi thăm về tình hình sản xuất và đời sống của tỉnh, đồng chí cán bộ báo cáo đời sống của nhân dân khó khăn vì thu nhập chính là nghề cá thì bị địch phong tỏa bờ biển, cá giống không đủ để nuôi, Bác chỉ tay ra phía ao cá trước nhà nói: "Nếu thiếu giống thì Bác sẽ cho cá giống. Trong lúc cá biển gặp nhiều khó khăn các chú cần đẩy mạnh nuôi cá để có thêm thức ăn bồi dưỡng sức dân". Mùa thu năm ấy Bác đột ngột qua đời, nhưng theo lời Bác, dịp 19-5-1970 đại diện tỉnh Quảng Bình đã đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để nhận 1.200 con cá rô phi giống trong ao cá Bác Hồ. Đoàn xe chở cá đã vượt 500km liên tục trong 3 ngày vào đến địa phương… Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”. Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương: Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hoá, Hà Nội. Từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền núi đến vùng đồng bằng, nhiều hợp tác xã đã đầu tư hàng vạn ngày công để cải tạo những ao tù, đồng cớm thành khu “Ruộng cả ao liền”, có nơi thâm canh nuôi cá như Kiến Xương, Thái Bình. Những ao cá này như những chuồng trại tự nhiên chăn nuôi loài “gia cầm” dưới nước, là cái “kho thực phẩm” ở nông thôn để giải quyết hậu cần tại chỗ ở nước ta. Riêng miền Bắc đã có khoảng 4,5 vạn héc ta diện tích ao nhỏ là mặt nước nuôi cá và cho năng suất cao. Phong trào “ao cá Bác Hồ” được phát triển rầm rộ trong cả nước, nhằm phát huy tiềm năng của loại mặt nước phong phú này.
Việc giữ gìn và phát triển đàn cá Bác Hồ vừa có ý nghĩa lịch sử vì nó gắn liền với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, vừa là cảnh quan, môi trường sinh thái hấp dẫn khách thăm quan, vì vậy ao cá đã được tu sửa hàng năm. Ngoài ra, với sự giúp đỡ về kỹ thuật của Trung tâm nghiên cứu Thuỷ sản Đình Bảng nên sản lượng cá mỗi năm một tăng. Năm 1987 đã nạo bùn, rắc vôi bột xuống lòng ao. Năm 1993 vét bùn, sửa hệ thống cống thoát nước, độ sâu bùn lấy đi trung bình 0,60m, phơi hong ao rồi đóng cọc tre đáy ao, xây bờ rãnh thoát nước ở đuôi ao, kè đá đáy ao và kè bãi bê tông. Năm 1998 dùng máy để hút hết bùn ở đáy ao. Năm 2003 xây lại kè xung quanh bờ, thay lại hệ thống thoát nước, lắp thêm 2 máy sục khí đáy ao.
Bác Hồ đã đi xa, nhưng mỗi khi vào thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngắm nhìn ao cá của Bác, chúng ta càng thấy ý nghĩa hơn bài học về giá trị của đất đai và công sức lao động như lời Bác đã từng nói: “Nuôi cá cũng dễ, có nước và có công người thì cá phát triển”. Ngắm nhìn ao cá xinh xinh và những đàn cá đang quây quần đớp mồi, chúng ta càng bồi hồi nhớ Bác qua những vần thơ cảm động của Tố Hữu:
Con cá rô ơi chớ có buồn
Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn
Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái
Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn.
Nguyễn Thị Bình
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch