Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 27/10/2010 15:59'(GMT+7)

Nâng cao đời sống văn hóa nông thôn trong tiến trình CNH, HĐH đất nước

Nhà văn hóa- nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng nông thôn. Trong ảnh, làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương) tổ chức lễ đón Bằng công nhận Làng văn hóa, ngày 23/5/2010. Ảnh tư liệu

Nhà văn hóa- nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng nông thôn. Trong ảnh, làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương) tổ chức lễ đón Bằng công nhận Làng văn hóa, ngày 23/5/2010. Ảnh tư liệu

Văn hóa, nói một cách khác, đời sống tin thần của nông dân luôn gắn liền với đời sống vật chất. Tính đến năm 2007, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xóa đói, giảm nghèo đạt thành tựu to lớn.

Do sản xuất phát triển, thu nhập tăng, đời sống nông dân ở đa số các vùng được cải thiện rõ rệt. Thu nhập của hộ nông dân tăng, nên vốn tích lũy trong dân tăng khá; năm 2006 vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn là 6,7 triệu đồng (tăng 3,5 triệu đồng), gấp 2,1 lần so với năm 2001).

Nhờ thu nhập của người dân tăng, điều kiện sinh hoạt của hộ nông thôn ngày càng được cải thiện, nhất là về nhà ở, mua sắm vật dụng lâu bền, phương tiện đi lại và các vật dụng đắt tiền.

Chiến lược xóa đói, giảm nghèo được thực hiện từ những năm 2000, thông qua nhiều chính sách và các chương trình cụ thể (như Chương trình 134, Chương trình 135…). Tới 2007, về cơ bản, nước ta đã xóa được đói. Công tác giảm nghèo được tập trung đẩy mạnh, hướng vào các đối tượng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm nhanh, từ 66,4% năm 1993, 45,5% năm 1998, 35,6% năm 2002, 27,5% năm 2004 xuống còn 18% năm 2007, mặc dù chuẩn nghèo đã tăng lên. Xóa đói, giảm nghèo nhanh là thành tựu lớn của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Do đa số người nghèo sống ở nông thôn nên phát triển nông nghiệp có giai đoạn đã đóng góp tới 80% thu nhập tăng thêm giúp các hộ thoát nghèo.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các đối tượng chính sách, các đối tượng xã hội được các cáp các ngành quan tâm, có kết quả thiết thực (năm 2005, đã xây dựng và bàn giao được 11.000 nhà tình nghĩa, hơn 81.000 nhà tình thương…). Việc cứu trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được thực hiện tích cực với quy mô ngày càng lớn hơn. Riêng năm 2007, Chính phủ đã xuất gần 80 ngàn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ các hộ thiếu đói do thiên tai.

Nhà nước đã tăng cường đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao ở nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn, đồng thời thực hiện xã hội hóa ở những vùng có điều kiện.

Y tế: Thực hiện chủ trương xã hội hóa, cùng với việc mở mang mạng lưới y tế công, hệ thống khám, chữa bệnh tư nhân được hình thành và phát triển, góp phần quan trọng vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các xã có sổ khám bệnh cho người nghèo, nhiều bệnh dịch được phát hiện và khống chế kịp thời. Năm 2006, tỉ lệ người được khám, chữa bệnh là 38,1% (cao gấp 2,07 lần năm 2002); có 51,6% cư dân nông thôn có bảo hiểm y tế.

Giáo dục: Nhà nước đã chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống trường học các cấp ở nông thôn và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số người từ 10 tuổi trở lên biết chữ tăng từ 90,9% năm 2002 lên 92% năm 2006. Từ năm 2007 Nhà nước đã có chính sách cho con em các hộ nghèo, hộ chính sách được miễn giảm học phí, được vay vốn với lãi suất ưu đãi để học tập (đến tháng 02-2008, có hơn 30% số sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn).

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao được tăng cường, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho nhân dân.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” khơi dậy tinh thần đoàn kết ở cộng đồng dân cư, bước đầu đã có tác dụng hiệu quả đến xây dựng đời sống văn hóa ở vùng nông nông. Tính đến cuối năm 2007, cả nước đã có 13.523.995/16.764.758 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 81%, đã có 41.463/87.033 làng (thôn, ấp, bản) đăng ký xây dựng làng văn hóa, đạt tỉ lệ 48%. Tính đến cuối năm 2006, cả nước có 72,58% gia đình văn hóa và 46% số làng (bản, thôn, ấp…) văn hóa. Theo báo cáo của các địa phương, đã có trên 80% gia đình văn hóa và gần 70% làng văn hóa giữ vững và phát huy được danh hiệu văn hóa. Gia đình văn hóa, làng văn hóa được công nhận đảm bảo chất lượng đã có tác động tích cực đến việc xây dựng người nông dân về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống; tạo ra bộ mặt nông thôn mới, ổn định về chính trị, từng bước phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhiều hình thức văn hóa dân gian truyền thống được duy trì, phục dựng, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc ở cộng đồng nông thôn, miền núi, vùng đồng bằng dân tộc. Đến năm 2006, đã có trên 70% khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã hỗ trợ thúc đẩy và định hướng xây dựng đời sống văn hóa nông thôn.

Tỉ lệ người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, nâng cao thể lực hàng năm tăng lên; hầu hết các huyện ở nông thôn đã thường xuyên tổ chức đại hội thể dục thể thao với sự tham gia đông đảo của nhân dân. Năm 2006 có 20,6% dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, 3,4% dân số tham gia chuyên thể dục thể thao. Năm 2006, cả nước đã có 4.197 nhà văn hóa xã; 41.676 nhà văn hóa thôn, bản, ấp; 7.933 điểm vui chơi trẻ em; 41.086 đội văn nghệ quần chúng và 28.272 các loại hình câu lạc bộ về văn hóa và trên 20.000 câu lạc bộ thể dục thể thao. Cuối năm 2006, cả nước có 72,58% gia đình văn hóa và 46% số làng (bản, thôn, ấp…) văn hóa. Có 9.867/10.522 xã, 661/665 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức đại hội thể dục thể thao với 2.986.521 vận động viên quần chúng, đạt tỉ lệ 3,4% dân số tham gia.

Đời sống vật chất được nâng cao, nhu cầu thông tin, thưởng thức văn học nghệ thuật, giải trí cũng tăng lên. Về báo in, tỷ lệ bình quân báo in trên đầu người đã đạt 8 bản/năm, tăng 20% so với năm 1995. Sách in (kể cả sách giáo khoa) đạt 6 đầu sách/người ở khu vực nông thôn. Internet đã về đến 90% trường học ở nông thôn. 65% người được hỏi trả lời mỗi ngày dành 1 đến 2 giờ xem truyền hình và nghe phát thanh. Các chương trình truyền hình, phát thanh được yêu thích ở nông thôn là phim, sân khấu và chương trình thời sự.

Nhìn chung, người dân nông thôn vẫn giữ được truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khó khăn và đóng góp cho đất nước. Tình đoàn kết giữa các dân tộc, các tông giáo và các vùng, miền tiếp tục được bảo vệ và phát triển.

Thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển đã đem lại những biến đổi và cải thiện lớn lao đối với đời sống vật chất ở nông thôn, từ đó tạo nền tảng vững chắc phát triển tốt đời sống tinh thần nông thôn. Cả hai mặt này gắn bó chặt chẽ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng đời sống tinh thần ở nông thôn nhìn chung không tách rời đánh giá việc xây dựng đời sống vật chất. Thành tựu phát triển đời sống kinh tế xã hội của cả nước dưới sự lãnh đạo của đảng đã tạo điều kiện vững chắc cho việc phát huy, phát triển đời sống tinh thần người nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành quả đã đạt được, nhìn chung đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn còn thấp, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn và giữa các vùng ngày càng lớn; số hộ nghèo còn lớn; phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc:

Thu nhập bình quân một nhân khẩu/ một tháng ở nông thôn năm 2006 là 506 ngàn đồng, tăng 1,84 lần so với năm 2002, nếu loại trừ yếu tố lạm phát chỉ còn 1,2 lần. Ở những vùng thu nhập của nông dân chỉ dựa vào nông nghiệp thì tăng còn chậm hơn.

Năm 2006, thu nhập bình quân ở thành thị cao gấp 2,04 lần so với nông thôn. Mặc dù trong 4 năm qua, so sánh tương đối khoảng cách có giảm đi nhưng chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Chênh lệch thu nhập giữa các vùng tiếp tục gia tăng, cao nhất là miền Đông Nam bộ (1,065 triệu đồng/tháng/người), thấp nhất là Tây Bắc (chỉ có 372 ngàn đồng/tháng/người).

Sự chênh lệch không chỉ ở thu nhập, mà trong khi tỉ lệ hộ nghèo của cả nước là 14,8% thì của nông thôn là 18%. Trong khi đó tốc độ xóa đói nghèo đang có xu hướng chậm lại. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,14%/ năm trong giai đoạn 1993-1998, nhưng chỉ có 2,24%/năm trong giai đoạn 1998 đến 2004. Kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững. Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, rủi ro nhiều hộ lại tái nghèo.

Tình trạng thiếu việc làm rất phổ biến ở đa số các vùng nông thôn. Năm 2007 tỉ lệ không có việc làm là 5,79%, nhưng số người làm việc theo thời vụ còn rất lớn.

Do tình trạng thu nhập thấp, nghèo khó, thiếu việc làm, giá trị ngày công thấp ở nông thôn, trong khi kinh tế ở các đô thị phát triển mạnh, xuất hiện ngày càng mạnh làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị và từ những vùng khó khăn (Tây Bắc) tới những nơi thuận lợi hơn (Tây Nguyên). Hàng năm, số người ở nông thôn ra thành thị để sinh sống ngày càng tăng (năm 1997, có 600 nghìn người, đến năm 2007 lên đến 1,1 triệu người). Bên cạnh số di cư hẳn, còn có nhiều người vẫn để hộ khẩu ở quê nhưng đi làm ăn cả năm hoặc theo thời vụ ở các đô thị. Có xã tới 40% lao động chủ yếu là thanh niên đi làm ăn kiểu này, nông thôn còn lại chủ yếu là những người lớn tuổi.

Nông dân di cư hoặc làm ăn thời vụ ở các đô thị thường làm công việc chân tay, nặng nhọc, không có hộ khẩu, sống tạm bợ, không có sự bảo trợ có hiệu quả của pháp luật nên bị thiệt thòi khi tiếp cận nhiều loại dịch vụ công cộng. Nhiều người sa vào tệ nạn, gây thêm vấn đề xã hội cho các đô thị.

Tình trạng di dân tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ cũng đã và đang gây ra tình trạng phá rừng bừa bãi và những khó khăn trong quản lý cho các cấp chính quyền sở tại.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn trong tình trạng chậm phát triển. Thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 40% so với bình quân chung cả nước. Số hộ nghèo vùng dân tộc hiện nay chiếm phần lớn trong số hộ nghèo cả nước (63,7%) và có tỉ lệ cao ở tất cả các vùng. Hầu hết những vùng khó khăn nhất hiện nay là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm gần đây tốc độ giảm nghèo chậm hơn so với mặt bằng chung của cả nước, kết quả giảm nghèo ở nhiều nơi kém bền vững, tỉ lệ tài nghèo lên tới 3-4%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc cao gấp 3 lần người Kinh. Phân tầng xã hội đã trở nên sâu sắc, nhất là ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nghèo đói là nguyên nhân chính dẫn đến phá rừng, di cư tự do, phát triển đạo. Một số nơi, đồng bào bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo gây mất an ninh, trật tự.

Trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha. Trong đó vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất lớn nhất: khoảng 300 nghìn hộ; Đông Nam bộ: khoảng 108 nghìn hộ. Số hộ bị thu hồi đất ở các vùng khác thấp hơn: Tây Nguyên có trên 138.291 hộ, thành phố Hồ Chí Minh: 52.094 hộ. Việc thu hồi đất trong giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng tới đời sống của 627,5 nghìn hộ gia đình với 2,5 triệu người và 950 nghìn lao động. Mặc dù Nhà nước và các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng đền bù, hỗ trợ giải quyết việc làm nhưng 53% thu nhập của số hộ bị thu hồi đất bị giảm và có tới 34,5% số hộ có điều kiện sống thấp hơn. Đấy là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài ở nhiều địa phương. Nếu chậm khắc phục sẽ làm tổn thương đến quan hệ liên minh công nông.

Khả năng tiếp cận tài nguyên (vốn, đất, nước), công nghệ và thị trường của nông dân thấp. Nhiều nông dân sản xuất giỏi muốn phát triển kinh tế trang trại nhưng khó mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nông thôn có nhu cầu nhưng khó tìm được mặt bẳng sản xuất. Tài nguyên nước trở nên hạn chế. Đa số nông dân trồng hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp phải tự lo về nước; vùng miền núi phải lo cả nước ăn. Mức tích lũy của hộ thấp không đủ tái sản xuất mở rộng nhưng khả năng tiếp cận các nguồn vốn chính thức còn hạn chế, có nơi phải vay cá nhân với mức lãi suất cao.

Cách tiếp cận của hệ thống khuyến nông nhiều nơi vẫn “từ trên xuống” thay vì trả lời những câu hỏi cụ thể cho người dân. Nguồn về sách khoa học công nghệ nghèo nàn, đặc biệt là sách kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi (kể cả trên Internet).

Nhiều nơi cơ hội tiếp cận thị trường (hàng hóa, thị trường dịch vụ, thị trường lao động) kém. Người dân có được thông tin thị trường chủ yếu dựa vào đài, ti vi, thông tin báo chí rất ít. Gần 70% hộ nông thôn chưa bao giờ đọc báo. Báo chí phát miễn phí chủ yếu tập trung cho lãnh đạo xã, thôn và nhà văn hóa xã, phần lớn người dân khó tiếp cận.

Người dân nông thôn phải chịu nhiều rủi ro như dịch bệnh, thiên tai, mất mùa, biến động giá cả, đặc biệt là những người nghèo dễ bị tổn thương nhất. Tính trung bình, thiệt hại về thu anhập hàng năm do những rủi ro kể trên bằng khoảng 1/3 vốn tích lũy hàng năm. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trước sự biến đổi bất lợi của khí hậu, nông dân càng dễ bị tổn thương hơn. So với dân cư đô thị, nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nông dân vẫn phải đóng góp trực tiếp nhiều hơn, có trường hợp phải chịu thiệt thòi để đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa.

Hiện chưa hình thành một hệ thống an sinh xã hội thống nhất và thông suốt cho các vùng nông thôn. Hệ thống an sinh xã hội hiện hành mới nhằm bù đắp cho những người có công, cứu trợ nhất thời cho những người khó khăn khi có dịch bệnh, thiên tai. Đa số nông dân phải tự lo cho bản thân và gia đình khi gặp khó khăn, rủi ro.

Nhiều nơi ở vùng cao miền núi phía Bắc người dân còn thiếu lương thực, có nơi quanh năm chỉ ăn ngô (mèn mén), chỉ ăn cơm khi ốm đau hoặc ngày lễ, tết.

Từ những khó khăn về vật chất, hạ tầng văn hóa còn thiếu thốn, đời sông tin thần của nông dân còn nhiều hạn chế và hiện đang thua kém và ngày càng thua kém hơn thành thị.

Các phương tiện vui chơi, giải trí, thông tin, văn học nghệ thuật ở nông thôn chưa đáp ứng được đòi hỏi của người dân.

Hệ thống giáo dục tuy đã phát triển nhưng chất lượng còn thấp, ngoài những hạn chế chung, còn nhiều vấn để cần sớm được giải quyết.

Hiện tại mới có khoảng 50% dân cư nông thôn có bảo hiểm y tế, những người còn lại phải tự lo khi bị ốm đau.

Mức hưởng thụ văn hóa thấp, tệ nạn xã hội gia tăng, an ninh trật tự có diễn biến phức tạp. Nếp sống văn hóa chậm hình thành; kết quả đạt được trong xây dựng nếp sống văn hóa chưa bền vững. Thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội vẫn gia tăng. Mức hưởng thụ về văn hóa của nông dân còn thấp, còn có khoảng cách quá xa giữa các vùng miền; sinh hoạt văn hóa cộng đồng còn nghèo nàn, thiếu sức hấp dẫn, thu hút. Sinh hoạt văn hóa ở các vùng nông thôn chủ yếu gồm các sinh hoạt truyền thống. Các hoạt động thể dục thể thao rất ít, chủ yếu dựa vào nhà trường. Tình trạng nghiện ma túy, tệ nạn mại dâm, cờ bạc có xu hướng phát triển. Một số hủ tục vẫn dai dẳng, thậm chí có nơi trỗi dậy, nhất là trong ma chay, cưới xin.

Xã hội nông thôn bị phân hóa, quan hệ cộng đồng bị tổn thương, tính thụ động của nông dân ở nhiều nơi còn lớn. Trong nông thôn đang diễn ra sự phân tầng xã hội, sự chênh lệch về điều kiện và mức sống gia tăng trong phạm vi cả nước và mỗi làng, xã. Chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 10% giàu nhất với 10% nghèo nhất năm 2002 là 12,5 lần, năm 2004 là 13,5 lần. Trong khi đó, các mối quan hệ cộng đồng cổ truyền, nhất là quan hệ làng xã là yếu tố quan trọng là nền tảng xã hội ở nông thôn ở nhiều nơi bị xói mòn nghiêm trọng. Nhiều quan hệ cộng đồng làng, xã trước đây được sử dụng rất có hiệu quả thì nay đang bị hành chính hóa. Trong khi đó quan hệ dòng họ tiếp tục tồn tại và có nơi trỗi dậy mạnh mẽ làm méo mó các mối quan hệ ở nhiều vùng nông thôn.

Còn tình trạng bất bình đẳng giới. Mặc dù đã đạt được thành tựu bước đầu trong việc huy động sự tham gia của phụ nữ vào việc xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển và các kế hoạch cộng đồng nhưng nhìn chung sự tham gia của phụ nữ thật sự chưa tương xứng với lực lượng phụ nữ đông đảo đang sinh sống ở nông thôn và những đóng góp của họ cho quá trình phát triển nông thôn. Những định kiến giới đã làm hạn chế nhiều sự tham gia của phụ nữ vào các chương trình phát triển cộng đồng. Trên thực tế, tỉ lệ phụ nữ tham gia công tác chính trị, quản lý, lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành đều rất thấp. Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng không vượt quá 15% và tỉ lệ nữ tham gia hội đồng nhân dân 3 cấp không quá 25%. Trên cả nước, số phụ nữ làm lãnh đạo ủy ban nhân dân xã chỉ chiếm 4,5%, ủy ban nhân dân huyện 4,9%. Phụ nữ nông thôn giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có tính quyết định rất thấp ảnh hưởng không nhỏ tới bình đẳng giới. Bên cạnh đó, một số vấn đề như: nạn bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ, mức lương bình quân thấp… cũng đang là vấn đề tồn tại đòi hỏi cần sớm khắc phục.

Tới nay chưa có chiến lược về phát triển đời sống tinh thần của giai cấp nông dân. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn còn mang tính tự phát và thiếu sự chuẩn bị. Chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu nông nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất lá ở vùng cao, vùng xa. Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006, chỉ có 8,2% lao động được đào tạo cơ bản, trong đó chỉ có 2,97% lao động có bằng sơ cấp, 2,97% có bằng trung cấp, 1,14% có bằng cao đẳng và chỉ có 1,08% có bằng đại học. Riêng đối với 16,5 triệu thanh niên nông thôn chỉ có 12% tốt nghiệp trung học phổ thông và 3,11% có trình độ chuyên môn kỹ thuật (thấp hơn 4 lần so với thanh niên thành thị).

Việc nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của nông dân nhiều nơi chưa được quan tâm thường xuyên đúng mức. Nhiều nơi quyền lợi của nông dân không được đảm bảo (phải đóng góp nhiều, bị thua thiệt khi bị thu hồi đất, việc thực thi dân chủ chưa được đảm bảo). Tình trạng nghèo khó, chênh lệch thu nhập và cuộc sống, những tiêu cực trong cuộc sống, nhất là tình trạng tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm ảnh hưởng, thậm chí xói mòn niềm tin của một bộ phận nông dân.

Như vậy, từ những thành tựu và thực trạng trong quá trình nâng cao đời sống tinh thần của nông dân, có thể nhận thấy rằng, đời sống tinh thần của nông dân gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Tăng trưởng kinh tế xã hội thúc đẩy phát triển đời sống tinh thần nông dân, và ngược lại, đời sống tinh thần của nông dân phát triển góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn nói riêng, của cả nước nói chung. Có nhiều giải pháp nâng cao đời sống tinh thần nông dân, song giải pháp cơ bản nhất nâng cao đời sống tinh thần của nông dân luôn là mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục tiêu đó tạo nền tảng vật chất vững chắc và tạo những điều kiện vật chất cần thiết cho việc nâng cao đời sống tinh thần nông dân hiện nay và mai sau. Hơn nữa, đây còn là mục tiêu chung nhất, hướng đi đúng nhất, vững chắc nhất cho mọi lĩnh vực đời sống đất nước, không chỉ đối với đời sống tinh thần nông thôn. Mọi vấn đề yếu kém, bất cập còn tồn tại trong quá trình này đều do không nắm vững, hoặc chưa thực hiện được đầy đủ mục tiêu chung trên.

Nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ ở nông thôn là nội dung căn bản nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Qua đánh giá thực trạng văn hóa nông thôn hiện nay, chúng ta đã có thể bước đầu rút ra nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm từ thực trạng đó và kiếm nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần của nông dân Việt Nam :

-Việc xây dựng và phát triển các chuẩn mực về văn hóa hướng vào cái chân - thiện - mỹ là hết sức cần thiết và cấp bách; tránh sự du nhập và tiêm nhiễm các mặt của văn hóa bị thương mại hóa, cần phòng ngừa và ngăn chặn các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, tội phạm có tổ chức,… các tệ nạn làm hàng giả, tham nhũng, lợi dụng vị thế kinh tế - xã hội để làm trái pháp luật.

-Xây dựng, phát triển các nhà văn hóa, các thư viện ở nông thôn với nhiều đầu sách phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các tri thức khoa học kỹ thuật. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các thông tin về sản xuất, kinh tế - xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là hệ thống loa truyền thanh) cho nông dân. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức trên các phương tiện nói trên phải đơn giản, dễ hiểu, cụ thể, phải phù hợp trình độ học vấn còn hạn chế của nông dân.

- Thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Các chính sách phát triển văn hóa nông thôn cần tạo nguồn và khơi dậy nếp sống văn hóa lành mạnh của dân tộc, tiếp thu ánh sáng văn hóa mới; bài trừ tập quán lạc hậu và các thủ tục còn tồn tại trong đời sống dân cư của mỗi dân tộc. Xây dựng nếp sống giản dị, tiết kiệm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống theo tinh thần “tình làng nghĩa xóm”, “lá lành đùm lá rách”. Khơi dậy những lễ hội lành mạnh mang bản sắc dân tộc, nhớ ơn người có công, bảo tồn di tích lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, nếp sống hòa đồng giữa con người và môi trường sinh thái.

- Đời sống tinh thần của nông dân là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa chung dân tộc. Do đó, xây dựng đời sống tinh thần nông dân là xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng đời sống văn hoá tiên tiến, thúc đẩy sáng tạo văn hoá và xây dựng thiết chế văn hoá. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hoá lãnh đạo và quản lý, văn hoá trong kinh doanh và văn hoá trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên; chống những hiện tượng phản văn hoá, phi văn hoá.

- Tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đề ra là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.

Chúng ta đang thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, nhưng nhiều nơi, nhiều lúc chưa thực sự đầu tư và chú trọng việc xây dựng một nền văn hóa dân chủ, văn minh trong xã hội, nhất là nông thôn. Chính vì lẽ đó, với tốc độ công nghiệp hóa, thành phố hóa làng, xã như hiện nay, thì truyền thống văn hóa tốt đẹp từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, vẻ đẹp nhân ái, thiết tha yêu quê hương đất nước, gần gũi thiên nhiên, tinh thần tương thân, tương ái, tình nghĩa xóm làng, nếu không biết giữ sẽ bị kinh tế thị trường nhanh chóng xóa đi.

Cho nên, cùng với phát triển kinh tế, phải quan tâm hơn nữa, đầu tư hơn nữa để nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân, xây dựng con người Việt Nam mới trên địa bàn nông thôn, coi đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, coi đó là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển.

Với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động, và với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự đồng lòng nhất trí của toàn dân, công cuộc xây dựng đời sống tinh thần nông thôn nói riêng, công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung chắc chắn sẽ thành công./.

PGS.TS Vũ Duy Thông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất